Chiều 22/9, ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại địa bàn xóm Vĩnh An, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), một số công nhân khi đào hố chôn cột điện đã phát hiện được một nhóm cổ vật nằm dưới lòng đất ở độ sâu khoảng 50-60cm.
Nhóm cổ vật này gồm có 6 chiếc bình còn nguyên vẹn, phía trên miệng mỗi chiếc bình có một chiếc bát úp. Tuy nhiên, do trong quá trình đào đất chỉ còn lại một chiếc bát nguyên vẹn, số còn lại bị vỡ.
Tất cả những chiếc bình này đều có kích thước giống nhau, cao 30cm, đường kính miệng bình 15cm, phía ngoài được phủ lớp men màu da lươn sáng bóng, phía trên cổ và thân bình được điểm xuyến các vòng tròn đồng tâm khép kín.
Trên miệng các bình cổ còn có chiếc bát úp cao 10cm, đường kính miệng bát 20cm, dáng miệng loe, đế chụm, phía trong và ngoài bát được phủ lớp men ngà bóng màu trắng đục. Đây là đặc điểm nổi bật với kiểu dáng và màu men trang trí mang đậm dấu ấn thời Lê.
Theo nhận định bước đầu, có thể đây là loại hình mộ cổ, vốn được người xưa cất giữ hài cốt người chết trong bình gốm. Về địa điểm phát hiện nằm trong khu vực di chỉ khảo cổ cồn Lội Mốt của xã Thạch Vĩnh, nơi cư trú của người Việt cổ trên vùng đất Hà Tĩnh cổ xưa.
“Dự kiến trong tuần tới Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan làm thủ tục khai quật, phục vụ công tác nghiên cứu, xác minh niên đại, giá trị… theo đúng quy định” - ông Sơn nói.
Tác giả: .Hà Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn