Lễ hội “Linh tinh tình phộc”
Lễ hội Trò Trám hay còn gọi là "Linh tinh tình phộc" diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Giêng ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được xem là lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt.
Theo các cụ cao niên, việc thờ cặp sinh thực khí ở miếu Trò có từ thời Hùng Vương, linh vật được cất giữ cẩn thận trên khám thờ của ngôi miếu và chỉ lấy ra một lần duy nhất trong năm vào đúng đêm làm lễ Trò Trám.
Tâm điểm của lễ hội Trò Trám là lễ mật diễn ra lúc sang canh đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng âm lịch, thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu. Sau khi các bậc cao niên làm lễ tế miếu, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô “linh tinh tình phộc”, hai nhân vật chính (là cặp vợ chồng được lựa chọn kỹ càng) với nam cởi trần đóng khố cầm nõ – tượng trưng cho sinh thực khí nam; nữ mặc váy, đeo yếm đào cầm nường – tượng trưng cho sinh thực khí nữ làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Ba lần đâm trúng – mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần – được mùa; một lần là làm ăn kém…
Trong đêm tối, chủ tế nghe “cạch” đủ ba tiếng đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút “thiêng”, “dập” chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật” đã thành công.
Chủ tế dẫn đầu “đám trò” chạy quanh miếu ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng, vừa chạy vừa hú, vừa gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ, trừ hiểm họa cả năm cho dân làng… Khi nghe hiệu chiêng trống “dập” và tiếng la hét ở ngoài miếu thì số người ở nhà trong phường cũng đồng loạt “gõ” dùi vào mẹt hoặc dùng chày “giã” vào cối và la hét theo để đuổi ma quỷ.
Động thái “linh tinh tình phộc” và “chày cối” là hiện tượng “tục hèm” trừ đuổi tà ma triệt tiêu hiểm hoạ, cho vật thịnh dân an xóm làng trù. Về tính hiện thực, động thái “linh tinh tình phộc” đó là phút “khởi nguyên” sự sống cho một vòng đời, nên còn gọi là lễ “cầu đinh”.
Lễ hội “Linh tinh tình phộc” năm nay, hai vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990) được người dân địa phương tín nhiệm để thực hiện nghi thức “tình phộc” trong “lễ mật”. Trước đó, năm 2016 và 2017, vợ chồng anh Chiến đều thực hiện nghi thức “tình phộc” trúng cả 3 lần.
Lễ hội Ná Nhèm
Lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày là "bôi nhọ mặt") là lễ hội truyền thống hết sức đặc sắc của người Tày ở khu vực cửa đình Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng.
Năm 2012, lễ hội được các nhà nghiên cứu và người dân địa phương tổ chức phục dựng lại khá hoàn chỉnh sau hơn 50 năm gián đoạn, và từ đó được tổ chức hàng năm. Tháng 6/2015, lễ hội đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo Ths. Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng thần thành hoàng Cao Sơn, Quý Minh đại vương, thờ đức Vua Miêu Tĩnh và đức Vua Cao Quyết, gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng, giữ nước và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn.
Lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều nội dung liên quan đến tưởng niệm vua Mạc như: tục rước nước – rước Vua, tục thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung, ẩn dưới việc thờ cây đại đao, trò diễn đánh đại đao tại lễ hội, tục cung tiến lễ vật trong tiếng hô “vạn tuế”, việc ông tướng mượn lời giáo để xưng “trời sinh tôi xuống..”, sự khớp nối về thời điểm chạy loạn (1677) và sự hiện diện đến đời thứ 14 của họ Hoàng và họ Bế ở cửa đình Làng Mỏ…
Trong số các lễ vật dâng vua có hai vật tế gây chú ý là tàng thinh và mặt nguyệt (sinh thực khí nam và nữ) tượng trưng cho mong muốn con đàn cháu đống, duy trì nòi giống, dòng họ.
Tàng thinh 50 năm trở về trước hình que bằng cổ chân, mặt nguyệt làm từ cạp thúng, có lúc từ cái mâm. Từ 2012, mẫu tàng thinh được thay đổi chỉnh sửa dần và tới năm 2016 mẫu lễ vật mang kích cỡ táo bạo với màu sơn hồng đã gây nên nhiều ý kiến trong dư luận.
Lễ hội “Ông Đùng bà Đà”
Lễ hội diễn ra vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Lễ hội là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào.
Theo sử cũ chép lại, bà chúa Muối - có tên thật là Nguyệt Ánh. Truyền thuyết kể lại rằng, một hôm, khi chở muối trên một chuyến đò, Nguyệt Ánh gặp thuyền của vua Trần Anh Tông trên sông Hồng. Mấy người chèo thuyền khát nước, liền gọi đò cô bán muối đến và xin nước uống. Chợt thấy người con gái e lệ, dịu dàng, vua đón sang thuyền mình và sau đó lập làm vợ ba.
Sống trong cung điện nhưng nàng không nguôi nhớ về quê nhà, vua đành phải đồng ý xuất lụa là, vàng bạc cho nàng về quê. Không lâu, bà lâm bệnh nặng qua đời. Nhà vua sắc phong cho bà làm Phúc thần, người dân làng Quang Lang biết ơn bà lập đền thờ bà chúa Muối ngày nay.
Lễ hội đặc sắc với điệu múa ông Đùng, bà Đà mang đậm chất văn hóa dân gian nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng. Hình ông Đùng, bà Đà được đan bằng tre mỏng, đan theo kiểu mắt cáo. Thân hình cao tới 1,5m - 2m, hình chóp nón, đường kính phía dưới rộng, đủ cho một người chui lọt vào. Sáng sớm ngày 14/4 âm lịch, các thôn trong làng mang các hình nộm ông Đùng, bà Đà vào Đền thờ bà chúa Muối để tiến hành các nghi thức tế lễ một cách nghiêm trang thành kính.
Tục chính của lễ hội là múa Đùng được diễn ra vào lúc nhập nhoạng tối cùng ngày. Trong khi múa người ta xướng vang những câu tụng ca công đức của bà chúa Muối như: "Lạy chúa! Muối của chúa năm nay được mùa lắm! Lạy chúa, lạy chúa…".
Trong lễ hội các hình nộm mang cả dáng dấp ông Đùng và bà Đà. Khi múa lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, cho ông bà có cơ hội "bày tỏ" tình cảm vui mừng với nhau. Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang "ăn nằm" với nhau. Sau đó, đoàn múa ra khỏi Đền và đi quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh Đùng bố mẹ. Dân làng đi theo nhộn nhịp, vừa đi vừa hát múa. Lúc đám rước quay về tới Đền thì dân làng vội vã xô nhau vào để lấy cho được một nan nứa trên hình nộm hai ông bà về cắm vào ruộng, vào vườn, trên thuyền để lấy may.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn