Một bức tranh của danh họa người Pháp Edgar Degas (1834-1917) từng bị đánh cắp khỏi một viện bảo tàng ở thành phố Marseille (Pháp) cách đây 9 năm đã bất ngờ được tìm thấy trở lại. Đại diện Bộ Văn hóa Pháp cho biết nhân viên phục vụ trên xe buýt đã tìm thấy một chiếc vali vô chủ bị bỏ lại trên xe, bên trong là bức tranh bị đánh cắp.
Chiếc xe buýt chở bức tranh bị đánh cắp khi đó đang hoạt động ở khu vực ngoại ô thành phố Paris. Bức tranh được tìm thấy có giá ước tính tương đương hơn 22 tỷ đồng. Khi phát hiện chiếc vali vô chủ, nhân viên phục vụ trên xe buýt đã hỏi các hành khách nhưng không ai có mặt trên xe nhận là chủ của chiếc vali.
Bức tranh được tìm thấy bên trong vali có tên “Les Choristes” (Những ca sĩ của dàn hợp xướng) đã được danh họa người Pháp Edgar Degas thực hiện từ năm 1877.
Các chuyên gia đến từ Bảo tàng Orsay (Musee d'Orsay) tại Paris, Pháp, đã khẳng định rằng bức tranh vừa được tìm thấy chính là bức tranh của Edgar Degas từng bị đánh cắp khỏi bảo tàng Cantini (Musee Cantini) nằm ở thành phố Marseille hồi năm 2009.
Bức tranh vốn dĩ thuộc sở hữu của bảo tàng Orsay nằm ở Paris, tại thời điểm tranh bị đánh cắp, bảo tàng Orsay đang cho bảo tàng Cantini mượn tranh để trưng bày. Vụ trộm tranh khi ấy đã được thực hiện “hoàn hảo” tới mức nhà chức trách trong quá trình điều tra đã không tìm thấy bất cứ manh mối nào để lại.
Edgar Degas là một họa sĩ - nhà điêu khắc danh tiếng của nền nghệ thuật Pháp trong thế kỷ 19. Ông theo đuổi trường phái Ấn tượng và thường khắc họa các nữ vũ công trong các tác phẩm của mình, Degas thích khắc họa nhân vật ở những góc độ khác thường.
Degas nổi tiếng với những bức tranh khắc họa vũ công ba-lê và thường ông khắc họa họ ở phía sau sân khấu, trong trạng thái sẵn sàng để bước ra trình diễn. Những tác phẩm của Degas đã có ảnh hưởng tới nhiều họa sĩ lớn, trong đó có danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso.
Dù những tác phẩm điêu khắc của Degas cũng được đánh giá cao, nhưng Degas hiếm khi tự tin trưng bày giới thiệu các tác phẩm điêu khắc của mình tới công chúng lúc sinh thời, vì vậy, khía cạnh nhà điêu khắc của ông hiếm khi được đề cập tới khi ông còn sống. Khi Degas qua đời năm 1917, người ta đã tìm thấy hơn 150 tác phẩm điêu khắc trong studio của ông.
Trong cuộc đời mình, Degas đã vẽ tới 1.500 bức tranh khắc họa vũ nữ ba-lê. Tâm hồn ông được chính ông ví như “đôi giày múa ba-lê bằng lụa màu hồng xinh xắn nhưng đã nhàu nhĩ sau buổi tập”.
Một nét khác biệt nữa là Degas thường không ghi lại danh tính những người phụ nữ xuất hiện trong tranh ông, thậm chí ông còn “giấu mặt” họ đi, bởi Degas chỉ tập trung vào hình thể, động tác và trang phục.
Sự ám ảnh của Degas với các vũ công ba-lê kéo dài suốt 4 thập kỷ, đề tài này đã chứng kiến sự chuyển dịch của ông từ hội họa hàn lâm cổ điển sang hiện đại. Một nửa số tranh mà Degas vẽ trong suốt cuộc đời là để khắc họa các vũ công ba-lê.
Đôi khi, những bức tranh còn như “thấm mệt” với sự luyện tập vất vả của các diễn viên múa. Degas không chỉ khắc họa sự thăng hoa, tài tình của họ mà còn đi sâu vào nội tâm họ. Sự khắc họa tinh tế vẻ đẹp của những chiếc váy còn được ông nhấn mạnh hơn cả biểu cảm gương mặt hay ánh mắt nhân vật.
Nếu những họa sĩ khác thường khắc họa mẫu nữ với vẻ đẹp hoàn hảo thì Degas không bao giờ đặc tả vẻ đẹp ấy. Ông đặc tả phụ nữ bằng sự chú tâm đầy kiên nhẫn, miêu tả họ thật chân thực bằng cây cọ thay vì lồng ghép vào đó sự thăng hoa, tôn sùng. Đương thời, ông đã từng thú nhận thái độ đối địch của mình đối với phụ nữ.
Những phát ngôn của Degas có thể khiến người ta nghĩ rằng ông từng bị đau khổ nhiều vì phụ nữ để rồi quay ra căm ghét họ, ông vẽ rất nhiều tranh về phụ nữ nhưng vẽ bằng sự lạnh lùng, quan sát tỉ mỉ, chi tiết.
Mối quan tâm hàng đầu của Degas là sự chân thực, ông vượt lên trên những quan niệm thường thấy trong hội họa thế kỷ 19 và luôn đặt cho mình nhiệm vụ quan sát thật sâu kỹ đối tượng được khắc họa.
Ở thế kỷ 19, những vũ công múa ba-lê thường có cuộc sống nghèo khó, vất vả, họ được trả công bèo bọt để trình diễn mua vui cho khán giả, vốn thuộc giới thượng lưu, quý tộc. Thuở ấy, phụ nữ phương Tây vẫn còn ăn vận “kín cổng cao tường” nên những cô gái xuất hiện trước đám đông mà khoe ra bờ vai, đôi chân như các diễn viên múa ba-lê vẫn là một sự rất “hiếm hoi”.
Cuộc sống của các vũ công múa ba-lê thời bấy giờ chẳng lấy gì làm xán lạn, họ vừa phải lao động nghệ thuật vất vả vừa phải chật vật với đời sống cơm áo. Đa phần họ không kết hôn. Những vũ công thường qua lại với những quý ông - những nhà bảo trợ giàu có để được bảo đảm về mặt tài chính, nhưng những quý ông thượng lưu này sẽ không bao giờ lấy họ làm vợ.
Tất cả những điều này đều được Degas quan sát và thấu hiểu, vì vậy, có những bức vẽ của ông khắc họa cả sự mệt mỏi, bơ phờ của diễn viên múa. Nếu có một danh xưng nào để nói về Degas, hẳn người ta sẽ phải gọi ông là “danh họa bậc thầy về múa”.
Ông đã quan sát các mẫu của mình kỹ đến mức, không chỉ khắc họa vẻ đẹp hào nhoáng của họ mà còn đặc tả cả nội tâm phức tạp, mệt mỏi của họ. Trong đời sống xã hội ở Paris lúc bấy giờ, những phụ nữ đứng đắn, lịch thiệp, không bao giờ khoe ra bờ vai và đôi chân, vì vậy, họa sĩ muốn khắc họa phụ nữ chỉ có thể tìm đến hoặc kỹ nữ hoặc vũ công.
Cả cuộc đời, Degas không bao giờ kết hôn, chỉ luôn mê mải khắc họa nhân vật đặt trong những bối cảnh không gian đóng kín. Những gì đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí Degas không bao giờ thay đổi. Suốt cả cuộc đời ông sống với những quan niệm, ám ảnh và đam mê quen thuộc, đó là lý do tại sao ông có thể vẽ cả nghìn bức tranh về các nữ diễn viên múa mà không… chán.
5 vụ trộm tranh lớn nhất gây sốc với thế giới:
Vụ trộm tranh 100 triệu USD ở Paris (Pháp) tháng 8/1911:
Vincenzo Peruggia, một cựu nhân viên bảo tàng Louvre đã tận dụng những hiểu biết của mình về nội tình trong bảo tàng để đánh cắp bức “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci. Đây là vụ trộm tranh “khét tiếng” nhất. Peruggia trốn trong một chiếc tủ, chờ tới khi nhân viên về hết, liền đánh cắp bức tranh, cất giấu dưới tà áo khoác rộng. Cảnh sát đã bắt Peruggia khi kẻ trộm tranh này đang thực hiện cuộc giao dịch bán tranh sau đó hai năm.
Vụ trộm tranh 300 triệu USD tại Boston (Mỹ) tháng 3/1990:
Hai người đàn ông dùng trang phục cảnh sát giả, khống chế nhân viên an ninh tại phòng triển lãm Isabella Stewart Gardner, lấy đi băng ghi hình an ninh của phòng trưng bày, đồng thời lấy đi bức tranh khắc họa cảnh biển duy nhất mà danh họa người Hà Lan Rembrandt từng thực hiện - bức “Bão ngoài biển Galilee”, thêm đó là các bức - “Buổi hòa nhạc” của danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer, “Chez Tortoni” của danh họa người Pháp Édouard Manet. Cho tới giờ, tranh vẫn chưa được tìm thấy, và tội phạm cũng vẫn chưa sa lưới pháp luật.
Vụ trộm tranh 100 triệu USD ở Amsterdam (Hà Lan) tháng 12/2002:
Kẻ trộm đột nhập vào bảo tàng Van Gogh, lấy đi hai bức tranh “Cảnh biển ở Scheveningen” và “Giáo đoàn rời khỏi nhà thờ tin lành ở Nuenen”.
Vụ trộm tranh 65 triệu USD ở Scotland tháng 8/2003:
Sau khi tham gia một tour tham quan lâu đài Drumlanrig ở Scotland, hai người đàn ông tách đoàn và đánh cắp bức “Madonna of the Yarnwinder” của danh họa người Ý Leonardo da Vinci. Hệ thống an ninh trong lâu đài khi đó không bật, những người nhìn thấy hai kẻ trộm tranh thực hiện phi vụ phạm tội ngay giữa ban ngày có tiến lại can thiệp, nhưng hai tên này khẳng định rằng mình là… cảnh sát ngầm đang luyện tập phương án an ninh cho lâu đài. Tất cả… đều tin ngay. Bức tranh được tìm thấy lại năm 2007, nhưng hai kẻ trộm tranh thì vẫn “nhởn nhơ”.
Vụ trộm tranh 120 triệu USD ở Oslo (Na Uy) tháng 8/2004:
Những nhân viên làm việc tại bảo tàng Munch đã bị khống chế bởi những kẻ trộm có vũ trang ngay giữa ban ngày. Hai bức tranh của danh họa Edvard Munch đã bị lấy đi, gồm bức “Tiếng thét” và “Madonna”. Đến tháng 5/2006, cảnh sát bắt được những tên trộm. Hai bức tranh được tìm thấy 3 tháng sau đó.
>> Bí ẩn về vị danh họa cả cuộc đời ám ảnh vẽ tranh vũ nữ ba-lê
Tác giả: Bích Ngọc Theo New York Times/Huffington Post
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn