Nhân kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2019), tại khu vực nhà và hầm D67 - di tích Hoàng thành Thăng Long đã khai mạc triển lãm “Mùa xuân 1975: Từ Tổng hành dinh đến Dinh Độc Lập”.
Các hiện vật, hình ảnh tại triển lãm được chia làm ba chủ đề. Ở chủ đề thứ nhất, các hình ảnh, hiện vật cho thấy sự đối lập giữa Tổng hành dinh và Dinh Độc Lập (của chế độ Việt Nam Cộng hòa): một bên là những trang thiết bị giản dị - một bên là những cơ sở vật chất xa hoa, hiện đại.
Chủ đề thứ hai của triển lãm giới thiệu về những chiến dịch lớn cuối cùng trong công cuộc giải phóng miền Nam; những hình ảnh về các cuộc họp quan trọng tại nhà và hầm D67 của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, những diễn biến của các chiến dịch với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chủ đề cuối cùng là niềm vui chiến thắng khi ngọn cờ của Mặt trận Giải phóng dân tộc bay trên nóc Dinh Độc Lập, niềm vui khi các chiến sĩ tại Tổng hành dinh nhận được tin chiến thắng và không khí tưng bừng của nhân dân hai miền Nam – Bắc khi biết tin miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội) Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Thanh Hoá và Phú Thọ tổ chức triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” nhằm tôn vinh chiến thắng, tri ân những đóng góp to lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh khái quát hoạt động của lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia bảo đảm công tác hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...
Hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử của quân và dân ta cách đây 65 năm bằng chương trình “Sống mãi cùng Điện Biên”. Chương trình sẽ ra mắt khán giả vào 20h ngày 5/5, tại Rạp Xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội), phát trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân dân.
Chương trình do NSƯT Tống Toàn Thắng - PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam viết kịch bản với nội dung giống như một sa bàn về Điện Biên Phủ một thời, để khán giả chìm đắm trong những tháng năm hào hùng của dân tộc thông qua nghệ thuật xiếc có lồng ghép các ca khúc và nghệ thuật diễn xuất. Chương trình dài 60 phút...
Trước phần biểu diễn, chương trình còn có giao lưu với các nhân chứng lịch sử về những năm tháng hào hùng của dân tộc, nhằm tạo cho nghệ sĩ và khán giả nhiều xúc cảm để thể hiện và thưởng thức nghệ thuật.
Từ ngày 25/4 đến 10/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng diễn ra triển lãm mỹ thuật chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng với tên gọi “Họa sĩ Đặng Ái Việt - Nét cọ tạc những tượng đài thời gian”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019, hướng đến kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời tri ân anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã không tiết xương máu, cống hiến, hy sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước...
Cũng trong dịp 30/4 và 1/5, tại Công viên Văn hóa Ấn tượng Hội An sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động với chủ đề “Con Rồng cháu Tiên”.
Nhân dịp này, Bảo tàng Dân tộc học cũng miễn vé vào cửa và thuyết minh miễn phí cho cựu chiến binh và thanh niên xung phong. Bên cạnh tạo nên sân chơi bổ ích với các trò chơi dân gian còn có cả việc hướng dẫn con trẻ tự chơi một số trò chơi dân gian: Nối thúng, nhảy bao bố, ô ăn quan, kéo co, nhảy dây, nhảy bao bố, đẩy gậy.... Qua đây, tạo mối liên hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn