Triết gia kiêm nhà văn người Pháp Michel de Montaigne (1533 - 1592) là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử triết học - văn học Pháp. Montaigne là người đã sáng tạo ra thể loại tiểu luận và giúp đưa những bài viết học thuật mang tính cá nhân vào lĩnh vực xuất bản khi đó mới được hình thành và phát triển ở thế kỷ 16.
Hồi năm 1580, Montaigne từng cho xuất bản loạt tiểu luận phân tích về bản ngã, về cái Tôi qua góc nhìn từ cuộc đời của riêng ông, để lý giải những ý nghĩa của sự tồn tại. Loạt tiểu luận của Montaigne đề cập đến mọi chủ đề trong đời sống con người và làm thay đổi quan niệm về văn học ở thời điểm đó.
Trong những bài tiểu luận đa dạng từng được Montaigne thực hiện, có tiểu luận với tiêu đề “Về ba loại quan hệ”, đó là một sự soi chiếu của ông đối với những dạng quan hệ đồng hành quan trọng nhất trong cuộc đời con người.
Trong tiểu luận này, triết gia Montaigne đánh giá ba dạng đồng hành được con người ta yêu thích nhất và bao phủ gần suốt cuộc đời mỗi người. Đó là tình yêu, tình bạn, và việc đọc sách.
Viết về tình yêu và tình bạn, Montaigne khẳng định rằng ông rất phấn khích trước sự đồng hành của “những người phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh”, của “những người bạn hiếm có và sâu sắc”, nhưng cả hai thứ tình cảm, hai dạng đồng hành này theo ông đều chứa đựng những điều “khó lường”.
Theo cách nhìn của Montaigne, tình bạn là một dạng quan hệ thực sự ưu việt đời sống tình cảm của con người, bởi đây dường như là mối quan hệ tình cảm tự do duy nhất mà hai con người có thể đạt tới.
Tình yêu, mặt khác, thường gắn với hôn nhân và những cam kết, khi đã bước vào, người ta ngay lập tức sẽ cảm nhận thấy việc phải hạn chế bớt sự “tự do”, Montaigne đánh giá như vậy.
Và chỉ còn lại một dạng thức tình cảm, một người bạn đồng hành thứ ba mà ông liệt kê ra - sự đồng hành của những cuốn sách - là thực sự dễ chịu nhất.
Tình yêu, theo Montaigne, có thể phai tàn theo thời gian, tuổi tác. Tình bạn đích thực giữa những con người tri kỷ lại quá “hiếm có, khó tìm”. Nhưng những cuốn sách có thể là những người bạn đồng hành đáng tin cậy, mối liên hệ giữa chúng ta với những cuốn sách cũng hoàn toàn mang tính cá nhân, riêng tư, dựa trên thị hiếu, sở thích, mối quan tâm của mỗi người.
Viết về tình yêu dành cho những cuốn sách, Montaigne từng chia sẻ: “Những cuốn sách đồng hành với tôi trong suốt cuộc đời và ở mọi nơi, mọi thời điểm, chúng đều hỗ trợ cho tôi. Những cuốn sách giúp tôi khuây khỏa lúc tuổi già, bớt đi cảm giác cô độc, lặng lẽ. Những cuốn sách xóa đi cảm giác biếng lười, thụ động trong những giờ tĩnh lặng, giúp tôi đỡ phải tìm tới những mối quan hệ chỉ để giải khuây mà thực lòng tôi không hứng thú.
“Những cuốn sách làm dịu bớt những nỗi buồn nếu chúng không quá dữ dội, sách cũng không bao giờ choán ngợp, ngự trị cả tâm hồn tôi, không khiến tôi điên đảo, rối loạn vì si mê. Để đánh lạc hướng bản thân mình khỏi những suy nghĩ vẩn vơ, rắc rối, tôi chỉ cần tìm tới những cuốn sách.
“Ngay lập tức, sách điều chỉnh lại nội tâm tôi và làm nảy sinh những suy nghĩ mới mẻ hữu ích hơn. Những cuốn sách cũng không phán xét, ghét bỏ tôi khi tôi chỉ tìm tới chúng vào những lúc phù hợp với mình, ngược lại, những cuốn sách còn luôn đón nhận tôi với cùng một sự cởi mở ấm áp không bao giờ thay đổi”.
Thực tế, Montaigne không phải người có lối sống cô độc. Triết gia người Pháp tin rằng những mối quan hệ khác nhau sẽ tương trợ, nuôi dưỡng lẫn nhau.
Vì vậy, sự hiếm thấy của tình bạn tri kỷ, sự biến động của tình yêu đôi lứa, có thể khiến chúng ta tìm thấy sự yên bình nhiều hơn từ trong những cuốn sách, làm khơi gợi sự tò mò của chúng ta, để rồi cuối cùng đưa chúng ta trở lại với những mối quan hệ tình yêu - tình bạn một cách cân bằng, thông thái hơn.
Ở thời kỳ mà Montaigne sống, ngành xuất bản mới bắt đầu hình thành và phát triển ở Châu Âu. Việc ông sớm dành tình yêu cho những cuốn sách, từ trước khi sách thực sự trở nên phổ biến, đã góp phần giúp cho ngành xuất bản khi ấy có thêm nhiều thuận lợi ở buổi ban đầu.
Bích Ngọc
Theo Quartz
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn