BTV Mỹ Linh từng được biết đến với vai trò người “cầm trịch” ấn tượng của chương trình “Văn hóa: Sự kiện và nhân vật” của VTV. Mất năm trở lại đây, Mỹ Linh làm phóng viên thường trú của VTV tại Pháp.
Trong những ngày qua, khi Pháp nói riêng và châu Âu nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Mỹ Linh đã được chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều sự việc. Và chị chia sẻ lại với người thân, bạn bè, đồng nghiệp... như một cách để truyền động lực cho nhau “chiến đấu” trước dịch bệnh.
Dịch Covid đã cho mỗi người nhìn lại nhiều thứ
Theo BTV Mỹ Linh, những ngày đầu Pháp “cấm thành” (phong toả), nắng vẫn vàng rực rỡ, đường phố vẫn yên bình. Người ta vẫn sinh hoạt bình thường như trước đó. Người người vẫn xuống phố uống cà phê, người già vẫn đi tập thể dục và người hành khất vẫn ngồi ở góc phố quen thuộc để kiếm ăn. Trên các ngã tư, cô không gặp bất kỳ một cảnh sát nào như hình dung trước lúc bước ra khỏi nhà.
Điều quan trọng là người dân Pháp sau nhiều tháng lơ mơ với dịch bệnh bừng tỉnh lại. Người ta nhắc nhở nhau dùng khẩu trang và cồn rửa tay để bảo vệ chính mình. Đặc biệt, cứ tối tối, mọi người lại ra cửa nhà mình vỗ tay để động viên các y bác sĩ. Cả Paris toàn tiếng vỗ tay và hoan hô thắp lên thứ ánh sáng bằng “âm thanh” của tình người.
“Paris nhiều người ở chật chội, 15 ngày không ra đường sẽ điên. Tôi nhớ ra mấy bạn sinh viên mình quen, 3 đứa 10m2 trên tầng áp mái. Tôi nhớ ra bà giúp việc hai vợ chồng căn phòng 12m. Tôi tự bập bập tự xin lỗi. Mình suy nghĩ chỉ theo logic của mình, hoàn cảnh của mình, nhiều khi vô tâm là có tội. Chính phủ bảo cho ra đi chợ, đi chạy nhanh nhanh rồi về là có lý. Dịch Covid đã cho mỗi người một cơ hội nhìn lại nhiều thứ. Hết dịch chắc nhiều người sẽ thay đổi”, BTV Mỹ Linh bộc bạch.
Ngày phong toả thứ 3, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Trong cái nhìn đầy lạc quan của Mỹ Linh, nắng vẫn đẹp, chim cất cao tiếng hót và nhiều người vẫn đi ra đường. Chị vẫn làm việc bình thường, thậm chí chị còn đi nhiều nơi để tác nghiệp.
“Tôi đi nhà ga, đi triển lãm, mò sang thị trấn có người nhiễm Covid-19... Cả châu Âu đang giống nhau và không ai hoảng loạn. Tránh dịch dựa trên tâm lý bình tĩnh và cẩn trọng chứ ai dựa trên nỗi sợ. Các bạn mà ở đây sẽ nghe thấy chim hót rất hay. Đã bảo Covid-19 làm ta nhìn lại đời sống mà”.
Mọi thứ vẫn thanh bình và dễ chịu đến lạ
Theo chia sẻ của Mỹ Linh, bước qua ngày thứ 4, Paris bị phong toả, cô ngạc nhiên khi thấy mọi thứ vẫn thành bình và dễ chịu đến lạ.
“Cô lên báo, tin về một công ty sản xuất quần áo bằng đồ organic đã may thêm khẩu trang để bán cho người dân quanh vùng khi mà vào hiệu thuốc không thể kiếm được. Tin về một doanh nghiệp khác thay đổi dây chuyền sản xuất để may khẩu trang bán online, để người Pháp không phải mua với giá cắt cổ trên mạng.
Mấy ngày rồi Facebook của tôi không thấy nhảy vào mấy trang bán đồ fake tại Pháp. Thay vào đó là các bài tập gym để giảm béo, giảm stress và nhiều hơn là những tin tốt lành về ai sẵn lòng trông con cho ai đi làm, ai nhận hỗ trợ giúp người khác học thêm online những thứ họ chưa biết, ai biết may khẩu trang dạy người khác may... Covid đúng là đang khiến chúng ta sống dần khác đi. Tôi thấy cuộc sống chầm chậm này thật dễ chịu.
Tôi đi quay, đường phố Paris vắng người, tất nhiên vẫn có người đi làm, người đi mua bánh mì, người chạy. Không phải hoang mạc vắng tanh u ám, chỉ là thanh vắng. Tôi phỏng vấn ai cũng được. Tôi gợi ý nói chuyện với ai cũng thấy tươi cười. Tôi nhìn thấy những cụ già đi siêu thị, khi ra có người đi cùng gợi ý xách hộ một đoạn đường.
Tự nhiên tôi nghĩ, hoá ra bên cạnh việc tấn công loài người, làm âu lo, đảo lộn tất cả thì Covid cũng khiến người ta từ tốn lại, sống gần như người ta mơ ước bấy lâu, nghĩa là chậm lại.
Con gái tôi chẳng thấy đau khổ gì vì không có quần áo mới. Các bà mẹ Pháp cũng lôi máy khâu ra may khẩu trang. Buổi tối đứng nấu ăn, tôi nghe thấy tiếng Piano từ nhà hàng xóm vọng lại”, Mỹ Linh kể trong ngày .
Mỹ Linh cho rằng, trong những ngày bị phong toả, người dân Pháp rất ít hoảng hốt. Có thể vì bản tính, có thể vì sống lâu trong sự thanh bình ổn định nên họ mất thói quen cuống cuồng. Bệnh viện quá tải, người ốm có tăng thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục.
“Paris những ngày này có lẽ tội nhất là những người vô gia cư, không nguồn sống. Ngay cả trong dịch bệnh, họ cũng chẳng có quyền bình đẳng như mọi người, nghĩa là ở yên trong nhà, đừng ra đường.
Đầu phố nhà tôi, ông ăn mày vẫn ngồi đều mỗi ngày, không khác. Khác một tí là nhiều lần đi qua đều thấy có người đứng lại hỏi chuyện, anh ở đâu, thế mấy hôm nay thế nào …
Thỉnh thoảng ngồi trong nhà, nhìn qua cửa sổ, tôi thấy một chị vừa đi vừa nói cười một mình, vu vơ. Nhìn thấy tôi, chị cười vẫy vẫy, tôi cũng vẫy.
Hôm bữa cô gặp một anh đi trên phố, anh chúc tôi một câu rất buồn cười “Chúc chị mạnh khoẻ và lúc nào bụng cũng ấm nhé!”. Tôi thích những cuộc nói chuyện ngăn ngắn ngoài phố với bất cứ ai như thế này. Trong cách mà người ta nói rất thoải mái về những khó khăn, không e dè.
Nước Pháp sẽ còn đóng của thêm, trường học dự kiến mở lại vào tháng 5 nên tôi còn thời gian. Sẽ có một ngày, tôi mong ngày cuối của đợt phong toả sẽ được nghe một bản độc tấu vĩ cầm thật hay. Thể nào chẳng đến ngày hết dịch”, trích nhật ký viết ngày 26/3.
Nhật ký ngày 28/3, Mỹ Linh viết: “Đọc các bạn nhắn tin hỏi thăm, dù chưa quen nhưng cũng thấy thương. Sau đại dịch này, con chúng ta sẽ trưởng thành lên nhiều, cũng như chúng ta cũng sẽ trưởng thành lên ngay cả khi sắp già. Các cháu sẽ học được tự lo, còn chúng mình thì học được buông tay con từ từ, để nhìn chúng nó lớn.
Mình cũng vậy thôi, con trai ở cách mấy dãy phố, mấy bữa nay bảo mẹ ơi con ho. Vậy sả, chanh, gừng, mật ong đây, con nấu một nồi buổi sáng, uống rả rích cả ngày. Nhiều khi cũng đấu tranh tư tưởng ghê lắm, muốn sang nấu hộ con nhưng con không muốn. Có những tin nhắn gửi đi rằng “Hay mẹ mang đồ ăn cho con”, cả chục phút sau mới nhận tin trả lời. Mình đoán cu cậu cũng đấu tranh tư tưởng chứ không phải không, mười phút ấy là mười phút lưỡng lự. Bản thân chúng nó cũng vừa lo lắng, vừa muốn thử thách. Hơn nữa lũ bạn Pháp của chúng ở trường, không có quê để về thì đi đâu
Mình biết ngày nào con cũng đọc tin, mình vừa thử nói về các con số là cậu tiếp lời ngay, nghĩa là có đọc. Nói chung cũng cân não cả đấy nhưng mà sẽ ổn cả thôi. Những cháu về Việt Nam vì lý do này hay lý do khác cũng là một thử thách, rồi cũng sẽ trưởng thành. Chúng ta bắt buộc phải ngộ ra cùng nhau nhiều điều qua đại dịch này, làm gì có cách khác”.
Mình thật lòng nghĩ, những ngày nghỉ ngơi này, mỗi người nên tự thanh lọc bản thân mình. Nói bớt đi, bớt cay nghiệt, bớt lèm bèm và chỉ nên nói điều mình thật sự biết. Càng ngắm nghía và chiêm nghiệm cách các bạn Tây ứng xử với dịch, càng hiểu khái niệm đoàn kết của họ là gì. Thật ra nên hiểu đấy chính là món liệu pháp tinh thần mỗi người tự dành cho mình, trước khi nghĩ là vì người khác hay vì xã hội.
Hà Tùng Long
Ảnh: Mỹ Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn