Nhà thơ Châu La Việt, bạn thân của cố NSND Lê Dung chia sẻ rằng, cứ mỗi lần tháng 6 về, ông lại nhớ bạn của mình khôn nguôi. Bởi tháng 6 chính là tháng sinh nhật của NSND Lê Dung. Theo nhà thơ Châu Việt La, do chiến tranh loạn lạc nên NSND Lê Dung không được biết chính xác ngày sinh, nơi sinh của mình. Về sau bà chọn tháng 6 năm 1951 làm ngày sinh. Bà sống cùng bố mẹ trong một căn nhà nhỏ ở khu vực cầu 1, phường Cao Xanh của TX. Hòn Gai, nay là TP. Hạ Long - Quảng Ninh.
“Ngày ấy, Lê Dung nửa ngày đi học, nửa ngày phụ mẹ làm ruộng, gánh rau ra chợ bán. Lúc đó, còn là một cô bé lớp 8, Lê Dung nhỏ thó, gầy gò, xanh xao... mà đã gánh được gánh rau rất nặng. Mê ca hát và có năng khiếu, dung mạo lại ưa nhìn nên Lê Dung sớm được mọi người chú ý. Bạn được tuyển vào CLB Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, đi hát phục vụ ở Hạ Long.
Có một lần cả đội của Lê Dung được báo đi hát phục vụ đoàn khách quý. Hát xong thấy hai người đàn ông lịch thiệp đến xoa đầu khen hát hay nhưng bảo các cháu gầy và xanh lắm, phụ trách phải quan tâm đến các cháu. Sau đó, mọi người mới biết đó là hai nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước...
Sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Lê Dung bắt đầu năm 17 tuổi khi đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Năm đó, Lê Dung thi đỗ Đại học ngành y nhưng lại bỏ không học, quyết tâm theo con đường ca hát. Bạn đi diễn khắp nơi, hát trên thao trường, dưới hầm mỏ, hát cho chiến sĩ vững tay súng chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc thân yêu”, nhà thơ Châu La Việt kể.
Nhà thơ Châu La Việt nhớ lại, có một chiều, trong căn phòng nhỏ của mình, NSND Lê Dung được tiếp một người khách lạ. Ông không còn trẻ, mặc một bộ đồ bà ba đen, có nhiều vệt mốc loang lổ, sau lưng khoác một chiếc ba lô cóc và ở cổ quấn một chiếc khăn rằn. Nhìn ông, ai cũng hiểu rằng đó là một sĩ quan quân đội vừa từ chiến trường Nam Bộ ra. Khi gặp NSND Lê Dung, người sĩ quan đó nắm lấy tay bà rưng rưng xúc động. NSND Lê Dung chưa hết ngỡ ngàng thì thấy ông người sĩ quan đó lúi húi lôi từ ba lô cóc ra một gói giấy nhỏ. Ông nói: “Tôi đã giữ cái này hơn cả mọi báu vật của mình để đưa tận tay đồng chí đây...”.
“Lúc đó, Lê Dung ngạc nhiên hỏi: “Nhưng cái gì thế ạ?”. Người đàn ông trả lời: “Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, trong mặt trận mãi tận B2 kia, có người nhờ tôi chuyển gói quà này đến đồng chí, bằng bất cứ giá nào cũng phải chuyển tận tay cho đồng chí...
Thực sự là Lê Dung hết sức ngạc nhiên bởi ở mặt trận Nam Bộ, Lê Dung không có một ai thân thiết để gửi quà cho cô cả. Dường như hiểu được niềm băn khoăn này, người sĩ quan quân đội nói với cô: “Thú thật với đồng chí là chính tôi cũng không biết ai là chủ nhân của gói quà này nữa. Được biết tôi ra Bắc công tác, có một cô gái giao liên đã gửi tôi và nhờ chuyển đến tận địa chỉ người có tên ghi ngoài bìa.
Nhưng như cô gái đó tâm sự, cô cũng không phải là chủ nhân của gói quà, mà được nhận lại từ tay một đồng chí khác. Nghe đâu, đồng chí ấy cũng lại là người được một đồng chí khác gửi... Tôi chỉ biết mình là người được gửi gắm cuối cùng, mà chưa chắc, bởi trên đường đồng chí biết rồi đấy, bao nhiêu bom đạn và tai họa nên tôi có mệnh hệ gì thì gửi lại những người khác nữa... Nhưng dù sao thì bây giờ tôi cũng đã tìm đến tận đồng chí rồi, thực hiện được lời gửi gắm của bao đồng chí khác. Mong đồng chí nhận cho...”.
Thoảng trong gió, nghe như có một tiếng còi tàu vọng lại từ rất xa. Người sĩ quan giật mình, khoác vội chiếc ba lô lên vai: “Thú thực với đồng chí, tôi vừa chân ướt chân ráo xuống tàu ở Hà Nội, thấy có tàu đi Hải Phòng, tôi leo vội lên để xuống đây đi tìm đồng chí. Giờ tôi phải quay ra ga ngay cho kịp tàu về. Hết đêm nay, ngày mai lại thêm một chuyến tàu nữa mới gặp được vợ con, làng xóm. Gần 10 năm xa cách rồi. Thôi tôi phải đi ngay không muộn nhé!”.
Nói rồi, ông đẩy cửa lao vội đi, không kịp uống ly nước Lê Dung rót ra mời ông, cũng không kịp nhận từ Lê Dung lời cảm ơn. Lẽ ra nếu không vì quá kinh ngạc và xúc động, Lê Dung đã nói ra lời cảm ơn sớm hơn”, nhà thơ Châu La Việt nhớ lại.
Nhà thơ Châu La Việt còn kể thêm rằng, khi còn lại một mình trong phòng, NSND Lê Dung càng bàng hoàng hơn. bà vẫn chưa dám mở gói quà ra mà cứ cầm hoài trên tay để nhìn ngắm và băn khoăn tự hỏi không biết của ai. Một người bạn nào đó trong lũ bạn tuổi thơ ở các xóm thợ nghèo của thị xã Hòn Gai quê hương nay đã vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Hoặc cũng có thể là từ một người lính nào đó trong những đoàn quân mà bà đã hát phục vụ trước lúc họ vào chiến trường.
NSND Lê Dung mở gói quà ra thì thấy ở bên trong, ngoài một chiếc khăn nilon đỏ thắm, còn có một lá thư mà ở cuối không phải chỉ có một chữ ký. Nội dung bức thư ghi rằng: “Đồng chí Lê Dung thân mến!
Chúng tôi là những người lính đang chiến đấu bên bờ sông Vàm Cỏ Đông xa xôi. Trong chúng tôi, có một số anh em vừa được tăng cường từ đồng bằng sông Hồng vào và đêm trước ngày lên đường, đã được nghe tiếng hát đưa tiễn đầy cảm xúc của đồng chí dưới chân đèo Yên Tử.
Cho đến hôm nay, tiếng hát tuyệt vời ấy vẫn đang cùng chúng tôi chiến đấu ở chiến trường ác liệt này. Dẫu là trong tiểu đội có anh em quê ở miền Nam chưa một lần được gặp gỡ, được thưởng thức tiếng hát của đồng chí, nhưng được nghe thuật lại đã đem lòng ái mộ.
Nếu có thể, đồng chí hãy đến với chúng tôi nhé. Chúng tôi rất thiết tha mong muốn có ngày được đón đồng chí ở mặt trận miền Đông xa xôi này và được nghe đồng chí hát những bài ca hay và đẹp nhất.
Biết ngoài đó mùa này nhiều gió lạnh, chúng tôi xin tặng lại đồng chí chiếc khăn nilon, chiến lợi phẩm của đơn vị, để đồng chí quàng cổ giữ gìn sức khỏe và giọng hát mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về...”.
Lá thư ngắn gọn, mộc mạc... kèm theo bên dưới có 11 chữ ký của các chiến sĩ trong tiểu đội, cùng một tên chung: “Những người lính bên sông Vàm Cỏ”.
“Lá thư cùng chiếc khăn run lên trong tay Lê Dung. Trên đôi mắt Dung tuôn trào những dòng nước mắt. Dung bước vội ra bên ngoài. Bầu trời đêm đầy sao. Cô ấy cứ đi, dù không biết sẽ đi về đâu. Trước mắt cô là bập bùng ngọn lửa, là cái đêm ấy dưới chân đèo Yên Tử, là ánh mắt các chiến sĩ sẽ lên đường vào Nam chiến đấu và đang lặng lẽ ngồi lắng nghe tiếng hát của cô.
Đêm ấy cô đã hát, hát bằng cả tâm hồn mình để phục vụ các anh, những người sắp đi xa. Tiếng hát ấy của cô thật không ngờ đã đi theo các anh vào tận chiến dịch, trận đánh. Và ở nơi xa xôi ác liệt ấy, các anh đã không quên cô, một người đồng đội, một người em gái nhỏ hậu phương... Lê Dung vẫn cứ mải miết bước đi trên đường. Trong bóng đêm, chiếc khăn trong tay cô cứ bừng lên như một ngọn lửa nhỏ.
Cô choàng nó lên ngực mình. Ước gì ngay từ bây giờ, với chiếc khăn cháy đỏ này, cô được băng tới những trận địa xa xôi ven dòng Vàm Cỏ Đông, hát cho các anh nghe những bài ca hay đẹp nhất của mình”, nhà thơ Châu La Việt xúc động nói.
Tuy nhiên, qua nhiều năm tháng, mong ước ấy của NSND Lê Dung đã không thể thực hiện được. Vì là ca sĩ của một đoàn quân khu nên phạm vi hoạt động chính của bà chỉ trong vòng quân khu của mình. Thỉnh thoảng có lần được cử đi xa hơn nhưng cũng chỉ tới những trận địa Khu IV cũ (bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...).
Có một lần, đoàn bà được lệnh tới Trường Sơn để hát phục vụ những người lính vận tải, cao xạ, những cô gái giao liên ở đây. Và NSND Lê Dung đã run người lên vì cảm động trước quyết định ấy. Tưởng rằng, bà sẽ có dịp vào tận cuối dãy Trường Sơn, tới cả dòng Vàm Cỏ xa xôi... nhưng thật đáng tiếc là chỉ đúng tới giữa Trường Sơn, đoàn của bà lại có lệnh quay về. Cái đêm chia tay ở Trường Sơn để quay lại ấy, NSND Lê Dung đã lại khóc.
“Cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đoàn nghệ thuật của Dung mới được vào Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Buổi lên đường, tâm hồn Dung như được chắp cánh. Cô choàng ngay chiếc khăn đỏ vốn được cất giữ một cách nâng niu, trân trọng lên ngực. Cô hy vọng màu khăn sẽ như một lời vẫy gọi, một tín hiệu nhận biết với các anh. Cô hy vọng ở một sân khấu nào đó, với chiếc khăn đỏ này trước ngực, các anh sẽ nhận ra cô, sẽ chạy ào lên với cô và rồi cô sẽ xiết chặt tay các anh. Cô sẽ ôm hôn thật thắm thiết các anh nữa và hát tặng các anh tất cả các bài hát mà cô ấp ủ trong tâm hồn biết bao ngày tháng qua.
“Nhưng kỳ lạ thay, đã qua nhiều đơn vị, qua nhiều sân khấu, đã gặp nhiều chiến sĩ, mà Dung vẫn chưa gặp được các anh. Không còn cách nào khác, cô đành đi đến một quyết định, vào thẳng Bộ Tư lệnh quân khu để hỏi thăm. Nhưng rồi ít giờ sau, từ cửa Bộ Tư lệnh quân khu có một người con gái đi ra, chiếc khăn choàng đỏ thấm đầy nước mắt. Cô được người sĩ quan quân lực cho hay, những người lính ấy, cả 11 người đã lần lượt ngã xuống anh dũng dọc đôi bờ Vàm Cỏ Đông”, nhà thơ Châu La Việt nghẹn ngào chia sẻ.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn