Nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932, tại Hải Châu, Đà Nẵng. Ông từng tốt nghiệp khóa mỹ thuật kháng chiến Tô Ngọc Vân (1955-1957). Tiếp đó, ông là thực tập sinh tại trường Đại học Mỹ thuật Moskva, Liên Xô cũ từ năm 1968 đến 1970.
Ông dành nhiều thời gian sáng tác và giảng dạy tại khoa điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam thì trong sự phát triển đa dạng của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, đặc biệt là điêu khắc thì không thể không nhắc đến nhà điêu khắc Lê Công Thành. Ông đã sớm nổi tiếng từ thập kỉ 70 của thế kỉ trước với những đề tài như: Vân dại, Bà má nghiền trầu, Dũng sĩ núi Thành...
Năm 1975 Lê Công Thành thôi dạy học, chuyển về sáng tác tự do và sinh hoạt trong Tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật. Năm 1979, ông tham gia Triển lãm Điêu khắc Quốc tế tại Riga (Latvia). Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989).
Lê Công Thành có một sự nghiệp điêu khắc đồ sộ và phong cách sáng tác độc lập. Ông được giới trong nghề tôn là “vị thần cai quản của phái đẹp” với số lượng đồ sộ các tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam.
Ông từng đoạt Giải thương Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; Giải A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1976; Giải nhì triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc năm 1983 và nhiều giải thưởng danh dự khác.
Lễ viếng nhà điêu khắc Lê Công Thành sẽ được cử hành vào 13h ngày 30/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 14h45 cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn