Sáng nay (21/9), lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ IX - 2018 đã diễn tại Rạp Đại Nam, Hà Nội. Đây là lễ kỷ niệm nhân ngày Giỗ tổ sân khấu truyền thống Việt Nam (ngày 12/8 âm lịch hàng năm) do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
Có mặt trong sự kiện này, ngoài các nghệ sĩ trong BCH Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Lê Mai, NSND Quốc Trượng, NSND Thúy Mùi, NSND Lê Khanh, NSƯT Thu Hà, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Thu Huyền, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân…
Phát biểu tại sự kiện, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày 12/8 (âm lịch hàng năm) là ngày truyền thống của những người làm nghệ thuật sân khấu, để tỏ lòng biết ơn tới các bậc tiên tổ, các bậc tiền nhân đã vượt qua mọi định kiến của xã hội để sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, có giá trị làm giàu cho bản sắc văn hóa và để tri ân khán giả đã đồng hành cùng với văn nghệ sĩ; bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống cách mạng Việt Nam”.
Năm nay là năm thứ 9, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức ngày Giỗ Tổ sân khấu. Đây là dịp để các nghệ sĩ sân khấu hướng tâm về với Tổ nghiệp đồng thời nhìn lại một năm hoạt động, đánh giá những thành tích đạt được và những hạn chế yếu kém.
Nhân dịp này, bên cạnh các nghi thức dâng hương cúng Tổ nghiệp đầy thành kính, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn công bố giải thưởng nghệ thuật năm 2017 và tôn vinh các nghệ sĩ cao tuổi (tròn 70, 80, 90 tuổi).
Theo đó, giải A được trao cho kịch bản tác phẩm “Tổ quốc nơi cuối con đường” của tác giả Lê Thu Hạnh - TP.HCM; giải B thuộc về “Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư” của tác giả Nguyễn Sỹ Chức – Khánh Hoà, “Nút hơi” của tác giả Nguyễn Kháng Chiến - TP.HCM, “Bão của hoàng hôn” của tác giả Vũ Thị Thu Phong – Hà Nội; giải Khuyến khích được trao cho “Vạn thắng vương” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng – Hà Nội, “Những hòa âm dang dở” của tác giả Bích Ngân – TP.HCM, “Phù sa đỏ” của tác giả Ngô Hồng Khanh – TP.HCM, “Chàng Lía” của tác giả Đoàn Thanh Tâm – Bình Định, “Chuyện tình giữa chiến tranh” của tác giả Lê Đức Trung – Vũ Công Chiến (Hà Nội), “Trái tim thần y” của tác giả Đăng Minh – TP.HCM, “Gió đại ngàn” của tác giả Thượng Luyến – Bắc Ninh, “Người đồng bằng” của tác giả Huỳnh Thanh Tuấn – Trà Vinh và “Đối mặt” của Đặng Thanh Hương – Hà Nội.
Ngoài ra, tác phẩm “Diễn xướng âm nhạc Chèo truyền thống và biến đổi” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Phương - Hà Nội và “Từ Thầy Tuồng đến đạo diễn Tuồng” của tác giả Đặng Bá Tài – Hà Nội cũng được trao giải thưởng xuất sắc cho Sách nghiên cứu Lý luận – Phê bình.
Riêng giải thưởng Vở diễn Sân khấu xuất sắc năm nay không có giải A mà chỉ có 1 giải B và 4 giải Khuyến khích. Giải B Vở diễn Sân khấu xuất sắc được trao cho “Ký ức lửa” của tác giả Nhà văn Chu Lai, chuyển thể Nhà văn Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên.
Một số giải thưởng trao cho các cá nhân: giải Âm nhạc trao cho diễn viên – nhạc sĩ Phùng Tiến Minh vở “Hồng Lâu Mộng” – Nhà hát Kịch Việt Nam; giải Diễn viên Kịch nói xuất sắc thuộc về Tô Tuấn Dũng vở “Hồng Lâu Mộng” và Ngô Thuận vở “Romeo và Juliet” – Nhà hát Kịch Việt Nam; giải Diễn viên Chèo xuất sắc thuộc về Hoàng Thanh Huấn vở “Những người mẹ” - Nhà hát Chèo quân đội; giải Diễn viên Dân ca xuất sắc trao cho Huỳnh Quang Việt vở “Ký ức lửa” - Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Dương Việt Anh vở “Điều còn lại” - Trung tâm BT và PH Di sản Dân ca xứ Nghệ; giải Diễn viên Tuồng xuất sắc trao cho Mai Ngọc Nhân Chàng vở “Chàng Lía” - Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nguyễn Thị Thanh Vân vở “Chàng Lía” - Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Trong không khí của ngày Giỗ tổ sân khấu, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ khắp ba miền đã tề tựu đông đủ để cùng dâng nén hương thành kính lên Tổ nghiệp. Trong đó, vào tối qua (20/09), tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô Hà Nội đã diễn ra lễ Giỗ tổ nghề sân khấu với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật.
Tương tự, tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội tối 20/9, dàn nghệ sĩ phía Bắc cũng thành kính tổ chức lễ Giỗ Tổ nghề sân khấu và biểu diễn vở “Dưới ánh đèn” để phục vụ anh chị em nghệ sĩ và khán giả.
NSƯT Chiều Xuân chia sẻ: “Ngày Giỗ Tổ nghiệp, anh chị em nghệ sĩ chúng tôi cùng đến trước bàn thờ Tổ thành kính cảm tạ Tổ nghiệp đã cho chúng tôi mối lương duyên đến với nghề biểu diễn để biết được cái đẹp, cái tốt, cái xấu, để biết trăn trở với cuộc đời, để biết đem đến tiếng cười và cả những giọt nước mắt dành tặng nhân gian. Tất cả nghệ sĩ chúng tôi luôn biết ơn Tổ nghiệp vì với nghề nghiệp này chúng tôi có bạn bè tri kỷ, yêu thương, để thấy cuộc đời thật nồng ấm”.
Lễ Giỗ tổ nghề sân khấu tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) cũng được tổ chức trong không khí thành kính, trang nghiêm và ấm cúng. Nhiều nghệ sĩ lão thành cũng được mời về dự lễ. Tại Thiên Trường vọng phủ của nghệ sĩ Vượng “râu” cũng tổ chức lễ Giổ Tổ nghề theo tục lệ truyền thống hàng năm.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn