Mới đây, nhiều người đã khá xúc động khi đọc bài tập làm văn Gia Bảo (con trai MC Thảo Vân) viết về mẹ. Theo chị, cu cậu viết như thế là vì đã nhiều lần nghe người bên ngoài nói về sự vất vả của mẹ hay con đã trưởng thành nên ý thức được mọi chuyện?
Trước hết, tôi phải nói là tôi chưa bao giờ tâm sự với con bất kỳ điều gì liên quan đến chuyện của mình. Có thể, cu cậu đã cảm nhận được những điều về mẹ từ cuộc sống thực tế. Những hôm đi sớm về hôm, làm việc nhiều… cái đó cậu đều chứng kiến hết.
Có những hôm cậu đi học về không thấy mẹ ở nhà, gọi điện hỏi “Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu thế?”, tôi bảo “Mẹ đang đi làm tận chỗ nọ, chỗ kia”. Hoặc những hôm rất muộn chưa thấy mẹ về, cu cậu gọi điện hỏi “Mẹ ơi, khi nào mẹ về, con đợi mẹ nhé?”, tôi bảo “Con không đợi mẹ được vì mẹ sẽ làm việc xong rất muộn rồi di chuyển cả quãng đường dài mới về tới nhà”… Tôi nghĩ là qua những lần như thế cu cậu tự cảm nhận được sự vất vả của mẹ dù cu cậu chưa bao giờ nói ra miệng là mẹ vất vả.
Nhiều người bảo, con trai mà sống sâu sắc và tình cảm quá sẽ dễ thiếu đi khí chất đàn ông. Chị có lo sợ điều đó đối với con trai mình?
Tít thương mẹ nhưng không phải là người uỷ mị và bi thương. Nếu mọi người đọc bài văn của con sẽ thấy con không hề có bất kỳ lời oán trách nào đó về số phận hay oán trách bố mẹ. Điều đó thể hiện rằng Tít rất biết chấp nhận hoàn cảnh và biết chấp nhận số phận. Tôi cũng rất mừng là con không hề oán hận về nguyên nhân khiến con như thế.
Tôi nghĩ là tôi vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường đó, nghĩa là chấp nhận những gì đã xảy ra với mình và ứng xử với chúng bằng thái độ tích cực nhất. Tôi cũng tin rằng, Tít đã chứng kiến mẹ của mình mạnh mẽ như thế nào thì con cũng sẽ mạnh mẽ như thế.
Trong cuộc sống bình thường cũng thế, Tít không phải là cậu bé động chuyện gì cũng ủ rủ, sầu thương, khổ héo… mà cậu ấy cũng là người khá lạc quan. Có lẽ sự lạc quan là tính cách cu cậu được thừa hưởng từ bố Lý, còn sự mạnh mẽ và tình cảm là con thừa hưởng từ ông bà nội và mẹ Vân.
Chị và NSƯT Công Lý chia tay nhau khi Gia Bảo mới 5 tuổi. Vậy quãng thời gian một mẹ một con đó đối với chị như thế nào?
Tôi rất hạn chế việc mang con theo khi đi làm bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến nhịp sinh hoạt của con. Tôi may mắn có hai cô cháu gái ở cùng nên khi Tít (tên thường gọi của Gia Bảo) còn bé tôi vẫn có thể đi làm xa được. Và nếu không có hai cô cháu thì tôi cũng phải làm thế nào đó để có người trông con chứ không thể đưa con đi cùng mình, tội con lắm.
Thời gian Tít còn bé, nếu có thể tôi cũng không nhận lịch quá xa, nếu có có xa thì cũng xa vừa phải để có thể về ngay trong đêm. Và vì thế mà tạo nên mọi thói quen là hễ đi làm ở bất kỳ đâu thì làm xong việc sẽ về ngay chứ không bao giờ chơi bời. Hôm nào đi dài ngày tôi sẽ cố gắng kết hợp với đi chơi để mang con theo cùng.
Nghĩ lại quãng thời gian đó, chị có cảm thấy bị ám ảnh hoặc day dứt vì một điều gì đó?
Nói là không day dứt thì không đúng vì đúng là con mình thiệt thòi chứ nhưng cuộc sống là như thế. Mình chỉ là một trong vô số những hoàn cảnh ở ngoài kia và khi đã lâm vào hoàn cảnh như thế thì buộc phải chấp nhận thôi.
Đừng coi nó là tận cùng của bi kịch bởi xét ra mình còn hơn nhiều người khác khi còn đủ điều kiện thuê người về trông con mình những lúc mình đi vắng. Những người khác buộc phải tha con theo hoặc vừa phải lao đi kiếm tiền để mặc con tự thân vận động.
Và con mình đúng là có thiệt thòi, có vất vả… nhưng đó là điều không ai mong muốn. Bố của cháu cũng không mong muốn, tôi cũng không mong muốn. Chỉ có điều, khi đã ở vào hoàn cảnh đó rồi, mình hạn chế những tiêu cực xảy ra cho con. Cố gắng mang đến cho con những niềm vui và bù đắp cho con bằng những thứ khác.
Quan điểm của tôi, không phải lúc nào cũng 24/24 gần con mới là dành cho con. Có rất nhiều người bảo chị phải gần con thật nhiều để bù đắp nhưng theo tôi không phải cứ cho con nhiều thời gian vật chất thôi là đủ mà cần rất nhiều thứ khác.
Trong đó, sự gần gũi, sự quan tâm và sự chia sẻ với con là phải luôn song hành. Tức là để trở thành người mẹ có được nhiều sự yêu thương và chia sẻ từ phía con là không hề đơn giản. Cái đó phải là cả một quá trình và bằng hành động cụ thể.
Có những người mẹ gần con 24/24 nhưng tay cầm điện thoại, mắt dán vào màn hình hoặc con gần mẹ nhưng lại chú tâm vào những thứ khác thì chắc gì đó được gọi là gần gũi. Theo quan điểm của tôi là thời gian vật chất như thế không hề có nghĩa lý gì cả.
Phải chăng vì muốn bù đắp tinh thần cho con nên chị vẫn luôn giữ mối quan hệ rất tốt đẹp với nghệ sĩ Công Lý và ông bà nội của Gia Bảo?
Đúng. Một trong những lí do quan trọng đầu tiên mà tôi luôn giữ mối quan hệ thật tốt với bố và bên nội của Tít chính là vì Tít, sau đó mới đến mình. Vì khi chúng ta giữ được mối quan hệ tốt lành thì mình sẽ là người hạnh phúc chứ không đau khổ thêm.
Còn trong cuộc sống, những hơn thua này nọ cũng có lúc xuất hiện trong tâm trí bởi con người đâu phải thánh nhân nhưng mình cần phải cân nhắc giữa được và mất để con mình đã thiệt thòi rồi đừng làm nó thiệt thòi hơn nữa vì sự đối xử không tốt của gia đình hai bên.
Cái mà chúng ta có thể bù đắp cho những đứa con trong hoàn cảnh này đó là không để cho con đau khổ thêm vì mối quan hệ bất hoà giữa bố với mẹ.
Đương nhiên, bố mẹ phải có vấn đề gì đó mới dẫn đến chia ly nhưng nếu có thể thiết lập một mối quan hệ tốt lành sau đó vì đứa con thì hãy cố gắng. Mà mối quan hệ tốt lành này không thể giả tạo bởi trẻ con cực kỳ tinh, giả tạo một cái là con cái biết ngay.
Chúng ta nên thật tâm với nhau. Đôi khi chúng ta nhận thiệt thòi về mình một chút, không sao cả, miễn là con mình nhận được tình cảm rất êm đềm giữa bố và mẹ.
Tôi nghĩ đó mới là cái cuối cùng bố mẹ có thể làm cho con khi vì những lỗi lầm của chính mình đã tạo ra đau khổ và thiệt thòi cho con. Và không chỉ có bố mà ngay cả bên nội cũng thế. Phải cố gắng làm sao để con luôn có được tình cảm của cả bố mẹ lẫn ông bà.
Dù không sống cùng một nhà nữa nhưng con không bao giờ bị thiếu thốn tình cảm của bất kỳ ai. Với nhà nội con vẫn là đứa cháu tuyệt vời và với bên ngoại con vẫn là đứa cháu ruột thịt.
Thật sự đây là một điều không dễ. Nó đòi hỏi phải sự xây dựng từ nhiều phía và đòi hỏi người lớn phải biết kiềm chế đi những cái tôi của mình.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
(Còn tiếp)
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn