Sáng 20/3, TAND Hà Nội đưa ra phán quyết về vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vở thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” (còn gọi là “Ngày xưa”) giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) và Công ty CP đầu tư tổng hợp truyền thông DS (Công ty DS) của đạo diễn Việt Tú.
HĐXX sơ thẩm nhận định, Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa”, còn Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản. Việc Công ty DS đăng ký quyền tác tác giả đối với Việt Tú là đúng quy định nhưng việc doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai.
Từ đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu Hà Nội buộc phía Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa”, nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng do không có căn cứ.
HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty DS. Theo đó, tòa xác định “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa”. Tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng của phía Việt Tú nhưng yêu cầu Công ty CP Tuần Châu Hà Nội chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết cho đạo diễn này.
Theo diễn biến vụ việc, “Ngày xưa” là vở thực diễn đầu tiên ở nước ta, hoành tráng về quy mô, đặc biệt về sân khấu, diễn viên, đầu tư tài chính, nghệ thuật. Trong thời gian Công ty Tuần Châu kiện đạo diễn Việt Tú ra toà và chưa được giải quyết dứt điểm, công ty này thuê đối tác khác dựng vở thực diễn có tên “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Khi vở thực diễn này được công bố, Việt Tú cho rằng, “Tinh hoa Bắc Bộ” đã đạo ý tưởng vở “Ngày xưa” của mình và cũng gửi đơn kiện lại Công ty Tuần Châu.
Ngày 16/11/2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký Hợp đồng nguyên tắc, tổng giá trị 7,3 tỷ đồng. Sau đó, hai bên ký thêm 2 phụ lục hợp lục hợp đồng, nâng tổng giá trị lên trên 8 tỷ đồng. Nội dung hợp đồng thể hiện, Công ty DS thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình theo dự án trình diễn thực cảnh “Tuần Châu Hà Nội”.
Để thực hiện hợp đồng này, đạo diễn Việt Tú đã xây dựng kịch bản “Ngày xưa”, còn Công ty Tuần Châu thực hiện việc thanh toán theo hợp đồng và phát sinh với tổng số trên 13 tỷ đồng.
Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn cho rằng, trong thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty DS đã vi phạm, cụ thể là đã tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm viết “Kịch bản vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”” và được Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, trong đó kê khai thông tin tác giả là ông Nguyễn Việt Tú và chủ sở hữu quyền tác giả là Công ty DS.
Công ty Tuần Châu cho rằng, tác phẩm này được thực hiện trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc giữa các bên. Đây là sản phẩm do Công ty Tuần Châu đầu tư thời gian, tài chính, cơ sở vật chất để tạo nên, bởi thế chủ sở hữu quyền tác giả phải là công ty này. Vì Công ty DS vi phạm hợp đồng và để đảm bảo tiến độ dự án nên Công ty Tuần Châu buộc phải ký kết hợp đồng với đối tác khác để xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh khác có tên “Tinh hoa Bắc Bộ” thay thế vở diễn “Ngày xưa” với kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Công ty Tuần Châu yêu cầu Công ty DS chuyển giao chủ sở hữu quyền tác giả đối với “Kịch bản vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”” theo đúng thỏa thuận đã ký trong hợp đồng nguyên tắc, chấm dứt việc khai thác liên quan đến vở diễn này; buộc bồi thường 6,2 tỷ đồng.
Đạo diễn Việt Tú phản tố, cho rằng ý tưởng dàn dựng vở “Ngày xưa” được anh thai nghén từ 2010. Sau nhiều lần đề nghị Tuần Châu Hà Nội cùng đăng ký bảo hộ quyền tác giả nhưng chủ đầu tư không phối hợp nên phía Công ty DS đã đăng ký quyền tác giả để đề phòng rủi ro.
Theo Việt Tú, Tuần Châu Hà Nội thuê đơn vị khác dàn dựng vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” sao chép lại vở “Ngày xưa” trong thời gian hợp đồng với Công ty DS còn hiệu lực nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ thanh toán 10% phí bản quyền trọn đời vở diễn đã cam kết.
Ngoài ra, Việt Tú còn khẳng định Tuần Châu Hà Nội nợ tiền công của diễn viên và sử dụng trailer của vở “Ngày xưa” để quảng cáo cho tác phẩm mới. Phía Công ty DS đề nghị tòa buộc nhà đầu tư bồi thường 6,3 tỷ đồng là khoản 10% phí bản quyền lẽ ra Việt Tú được hưởng.
Trao đổi với báo chí sau khi phiên tòa sơ thẩm khép lại, đạo diễn Việt Tú khẳng định: “Mặc dù có quyền tiếp tục đòi khoản 10% phí bản quyền với tác phẩm “Ngày xưa”, các chi phí liên quan đến vở diễn phái sinh, nhưng nhất quán với quan điểm và cam kết của của mình, tôi sẽ từ bỏ quyền tiếp tục khiếu kiện với khoản này nếu Công ty Tuần Châu Hà Nội không tiếp tục việc khiếu kiện. Hai công ty sẽ hoàn tất mọi thủ tục, nghĩa vụ đồng thời tôn trọng mọi sản phẩm độc lập của hai bên sau này, bao gồm tác phẩm phái sinh “Tinh hoa Bắc Bộ”.”
Tiến Nguyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn