Tham gia chương trình “Bốn mùa yêu thương” với chủ đề “Sự vô cảm”, MC Trịnh Lê Anh bày tỏ rằng, khi nhắc đến sự vô cảm anh bỗng có cảm giác chùng lại.
“Đặc trưng của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung là sự gắn kết, sự kết nối. Nó khác với sự độc tôn của chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây khi mà người ta tôn trọng sự tự do cá nhân tối đa. Nhưng thời gian gần đây, chúng ta đã nói nhiều cũng như chứng kiến sự vô cảm đang nhiều dần lên. Đây thực sự là một điều đáng buồn”, MC Trịnh Lê Anh nói.
Theo MC Trịnh Lê Anh, một trong những nguyên nhân khiến người ta sống vô cảm là do mất lòng tin ở nhau. Xã hội Việt Nam càng phát triển nhanh, hội nhập càng sâu hơn với thế giới cũng tạo ra vô số hệ luỵ mà không ai đoán biết trước được. Chuyện con người nhận diện nhau theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong” đã không còn đúng như trước đây nữa.
“Nhà văn Nam Cao có một truyện ngắn rất hay “Cái mặt không chơi được”. Tên của truyện ngắn đó như nhắc người ta nhớ rằng, trong cuộc sống, một lúc vô thức nào đó chúng ta nhìn thấy một người xa lạ hoàn toàn không liên quan gì đến chúng ta nhưng đã ngầm định “Người đó không chơi với ta được, không phù hợp với ta”, nó như một sự mách bảo của trực giác. Nhưng ở xã hội hiện đại ngày nay thì chúng ta phải dùng cái lí chứ không thể dùng sự cảm nhận trực giác đó nữa. Cái lí phải kinh qua rất nhiều kỹ năng mới nhận diện được một con người. Cho nên người ta vô cảm một phần là đề phòng cho cuộc sống của mình”, Lê Anh nói thêm.
Nam MC sinh năm 1977 cho rằng, con người lừa lọc nhau vì mưu sinh và dần dà người ta coi nhẹ những giá trị sinh tồn của người khác. Nhưng anh tin đó chỉ là những số lượng nhỏ, nó không thể làm thay đổi những giá trị đã trở thành truyền thống.
“Một mẩu chuyện nho nhỏ mà tôi đọc được ở trên mạng xã hội đó là một bà mẹ dắt đứa con mới 5 tuổi đi bộ trên vỉa hè thì gặp một bà cụ ăn xin. Nhìn thấy hình ảnh ấy trong đầu bà mẹ hiện lên tư duy là bà cụ này nằm trong đường dây ăn xin có tổ chức. Nhưng đứa bé đi qua cứ vùng vằng đòi mẹ quay lại vì ánh mắt của bà cụ rất mời gọi. Đứa bé rất muốn giúp bà cụ nên xin người mẹ 5000 đồng. Lúc đầu, bà mẹ định nói với đứa con “Bà ta là đường dây ăn xin đấy, đừng có cho tiền” nhưng định thần lại bà mẹ không muốn nói ra mà rút túi lấy tiền ra cho con đưa cho bà cụ. Đáng ra đứa con xin 5000 đồng nhưng bà mẹ lấy ra 10.000 đồng đưa cho con.
Câu chuyện đó chỉ khắc hoạ một hiện tượng thôi nhưng bình luận ở phía dưới lại chia làm hai luồng rất rõ ràng. Một luồng ý kiến bảo, không thể ủng hộ bà mẹ được vì như thế là tiếp tay cho việc xấu. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, đứa con còn quá nhỏ để nhận diện những chuyện đó. Nếu đứa trẻ mất niềm tin sẽ rất nguy hiểm. Nghe câu chuyện đó tôi ủng hộ ý kiến thứ hai tức đối với một đứa bé, người lớn nên xem câu chuyện của xã hội là chuyện của mình và sẽ có cách giáo dục các cháu về sau.
Tuy nhiên, chừng nào còn có thể hãy nuôi dưỡng niềm tin giữa người với người. Bởi trong 100 bà cụ xin ăn hẳn cũng có nhiều bà cụ xin ăn thật sự vì hoàn cảnh nghèo khó. Nếu chúng ta chỉ vì việc mất niềm tin của bản thân mà cho phép mình được vô cảm thì rồi ai cũng sẽ làm như vậy. Đến lúc chính bố mẹ mình hoặc người thân mình gặp nạn ngoài đường thì sao. Tôi nghĩ đây là điều sâu sắc cần suy nghĩ hai chiều rõ ràng”.
MC Trịnh Lê Anh cũng tiếp câu chuyện rằng, bây giờ con người quá phụ thuộc vào công nghệ nên cũng tạo ra một dạng vô cảm mới. Con người lệ thuộc vào mạng xã hội, vào các trò điện tử hoặc các phương tiện giao tiếp ảo mà xa rời dần những cơ hội tiếp xúc thật. Môi trường công sở là môi trường thể hiện rõ nhất điều này.
Theo Trịnh Lê Anh, sự vô cảm mới này rất nguy hiểm và nó đang như một con virus ăn sâu vào cả xã hội. Đặc biệt là ở những người trẻ ưa công nghệ. Nó tạo ra một cảm giác “Chúng ta thương nhau trên mạng còn chúng ta ác với nhau ngoài đời”. Ác ở đây là sự thờ ơ và không hành động theo kiểu quen thuộc nữa.
“Hành động pha trà mời nước nhau là hành động rất dễ làm nhưng lâu nay chúng ta có mấy ai hành động như thế nữa đâu. Chúng ta “Say: Hello” nhau trên mạng xã hội, gửi cho nhau vài thiệp điện tử rồi nói với nhau bằng những mẫu có sẵn. Cái dạng vô cảm mới này biểu đạt một tình trạng thiếu kỹ năng để yêu thương nhau ở ngoài đời thực tế trong khi thừa kỹ năng để yêu thương trên mạng”, MC Lê Anh nhấn mạnh.
MC Trịnh Lê Anh nhìn nhận, vô cảm là một “bệnh” rất dễ lây lan. Điều quan trọng là khi người ta làm điều vô cảm không thấy xấu nữa. Nam MC nhớ lại rằng, cách đây không lâu, câu chuyện người đàn ông ở TP.HCM không may bị bung túi tiền ra giữa ngữ sáu đường và những người xung quanh xúm vào hôi của mà không nghĩ đó là tiền mồ hôi nước mắt của người khác.
“Cái nguy nhất là những hành vi xấu đang bị quan niệm không xấu”, MC Trịnh Lê Anh nói thêm.
Lí giải về nguyên nhân dẫn con người đến sự vô cảm, MC Trịnh Lê Anh cho rằng, ngày nay các bậc phụ huynh dạy con mình quá nhiều kỹ năng. Từ học đàn, hát, nhảy… cho đến học văn hoá. Nhưng có một môn học rất cần thiết cho cuộc sống đó là “môn tình thương”, “môn thấu cảm”… thì các con lại không được học.
“Chung quy lại, căn nguyên và gốc rễ để con trẻ có được một lối sống đầy yêu thương lẫn thấu cảm bắt nguồn từ giáo dục. Việc giáo dục con những hành động nhỏ có ý nghĩa lớn ngày nay đang bị lãng quên hoặc xem nhẹ. Và đó chính là nguyên nhân khiến con người càng lớn lên càng sống vô cảm”, MC Trịnh Lê Anh bày tỏ.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn