Có thông tin cho rằng, ca sĩ Thanh Lam khi mới sinh ra đã bị đánh tráo ngay tại bệnh viện. Vậy thực hư chuyện này là thế nào, thưa bà?
Thanh Lam lúc sinh ra đã trải qua nhiều “kiếp nạn” lắm nhưng may là nhờ Trời - Phật thương nên mọi chuyện cũng qua. Tôi còn nhớ, lúc tôi sinh Thanh Lam là vào năm 1969, khi đó tôi mới 24 tuổi nên rất bỡ ngỡ, anh Thuận Yến lại đang ở trong chiến trường. Ngày đó, ở Bệnh viện 108, khi đẻ xong, mẹ không được nhận con ngay mà phải sau 24 giờ hộ sinh mới bế con đến cho mẹ. Các trẻ hồi đó được quàng một chiếc dây vào cổ có đánh số để phân biệt.
Diva Thanh Lam thời bé (em bé ngoài cùng, bên phải)
Thời điểm đó, tôi sinh cùng một buổi với một người phụ nữ ở Phú Thọ và sau đó cũng ở chung một buồng trong khoa sản. Sau 24 giờ, người ta bế con đến cho tôi nhưng khi vừa nhìn thấy con bé tôi đã có linh cảm đó không phải là con mình. Tôi liền nói với các cô hộ sinh rằng đó không phải là con mình. Các cô y tá, hộ sinh thấy vậy liền xúm vào mắng tôi xa xả: “Cháu đẻ ra đã nhìn thấy con của cháu đâu mà giờ lại bảo đó không phải con của cháu? Bây giờ chúng tôi mới con đến cho cháu mà cháu bảo vậy là sao?”. Dù vậy, tôi vẫn nhất quyết bảo đó không phải con tôi. Tôi còn bảo, nếu các y tá, hộ sinh… không tìm đúng con cho tôi là khi ra viện tôi không bế con về.
Hôm đó, cả bệnh viện náo loạn lên vì lần đầu tiên có chuyện mẹ đẻ xong không chịu nhận con mà bà mẹ đó lại là một văn công. Nhưng linh tính của người mẹ khiến tôi chắc nịch đứa bé đó không phải là con mình nên tôi vẫn cứng rắn không chịu nhận.
Phải đến 48 tiếng sau, khi bác sỹ Toản, người đỡ đẻ cho tôi đi làm trở lại (trước đó bác sỹ trực ca đêm nên hôm sau được nghỉ ở nhà không đi làm), nghe chuyện từ các y tá, hộ sinh, bác sỹ Toản đến bên đứa trẻ mà tôi đang bế sờ vào đầu rồi “ồ” lên một tiếng. Bác sỹ Toản bảo “Đúng rồi, đây không phải là con của cô Hương vì đứa bé này có ba cái dấu ở trên đầu là do đẻ bằng móc xép, còn cô Hương đẻ thường nên con cô ấy không có cái dấu đó. Đứa bé có ba cái dấu trên đầu là con của chị ở Phú Thọ”. Sau đó, tự tay bác sỹ Toản bế Lam đến cho tôi, lúc này, bế con trên tay tôi mới có cảm giác đó đúng là con mình.
Chuyện vỡ lỡ ra, các y tá, hộ sinh… đã xông vào mắng mỏ người phụ nữ Phú Thọ kia rất nhiều. Thời đó, chuyện tráo con như thế là một chuyện rất “kinh thiên động địa”, trước đó chưa bao giờ có chuyện tương tự xảy ra.
Cô ấy lúc đó cũng tội lắm, bị mắng mỏ, chỉ biết nằm khóc. Mãi sau cô ấy mới chia sẻ được rằng, cô đẻ đứa này là đứa thứ 3. Hai đứa trước cũng là con gái, đứa này hy vọng sẽ là cậu con trai nhưng không ngờ lại con gái tiếp. Thấy đứa trẻ đẻ bằng phương pháp móc xép, cô sợ sau này đứa trẻ bị ảnh hưởng thần kinh, sợ chồng bỏ nên đã lén vào phòng sơ sinh tráo dây đeo cổ của con. Nghe cô ấy nói vậy, tôi thấy cũng thương cho thân phận của người phụ nữ đó nên không nói gì cả.
Tuy nhiên, sau khi câu chuyện này lan rộng ra thì người ta đã không còn đánh dấu đứa trẻ bằng cách quàng dây vào cổ nữa mà thay bằng cách đánh viết số vào cổ tay tay hoặc cổ chân đứa trẻ.
Vậy việc bà nuôi dạy ca sĩ Thanh Lam có gì đặc biệt hơn so với những đứa trẻ khác không?
Việc tôi nuôi dạy Lam cũng bình thường chứ không có gì đặc biệt. Nhưng ngay từ nhỏ, Lam đã nhiều lần làm mẹ thót tim lắm. Thời đó, nhà không có giường mà chỉ có hai tấm gỗ lắp lại với nhau thành phản để nằm. Cũng chính vì thế mà khi mới được 7 ngày tuổi, không hiểu sao đêm nằm, Lam quẫy đạp kiểu gì lại rơi xuống đất. Rất may là lại rơi vào bao tải gạo đặt ở dưới phản nên không bị làm sao. Tôi đang nằm, thấy con khóc ré lên liền tỉnh dậy thì nhìn trên phản không thấy con đâu, hoảng hồn nhìn xuống thấy Lam đang nằm trên tải gạo. Hôm đó, nếu không có bao tải gạo đỡ cho thì không biết chuyện gì đã xảy ra.
Thực ra, lúc mang bầu Lam, tôi rất sợ khi con sinh ra sẽ bị nhiễm chất độc màu da cam vì trước đó anh Thuận Yến hành quân trong chiến trường đúng đợt máy bay Mỹ rải chất độc đó. Nhưng nhờ Trời Phật thương mà khi đẻ ra Lam hoàn toàn bình thường, sau này Minh cũng bình thường.
Chuyện diva Thanh Lam khi còn nhỏ từng bị méo mồm, liệt giây thần kinh số 7 có phải vì di chứng chất độc da cam?
Không, Lam bị méo mồm và liệt dây thần kinh số 7 không phải vì di chứng chất độc da cam. Tự nhiên ngủ dậy thấy con một mắt không thể mở ra được như bình thường, miệng bị méo xệch mà cũng không thể mở to ra để ăn uống… Hoảng quá, tôi đưa con đi khắp các bệnh viện để kiểm tra. Một ngày mà hai mẹ con đèo nhau qua tới 5 bệnh viện để kiểm tra. Thậm chí, tôi còn chở Lam qua nhà của nhà thơ Trần Dần để châm cứu bấm huyệt nhưng châm cứu bấm huyệt hàng tháng trời cũng chỉ giảm được có 50% bệnh tình. Sau cùng, chính nhờ ông lang Hanh ở bên Hưng Yên mà Lam mới khỏi.
Lam ngày xưa xinh xắn lắm, xinh tới độ hai mẹ con đèo nhau đi trên phố còn có một họa sỹ theo về tận nhà xin được vẽ Lam cho bằng được. Bây giờ đã chữa khỏi bệnh liệt dây thần kinh số 7 rồi nhưng Lam vẫn còn một chút di chứng đấy.
Bà từng bảo, thời bé ca sĩ Thanh Lam rất “tồ”. Có kỷ niệm gì vui về sự “tồ” của cô bé Lam thời đó mà bà còn nhớ?
Đúng là thời bé Lam rất tồ, đến bây giờ vẫn tồ lắm (cười). Nhưng từ bé tôi đã tập cho Lam tự lập rồi. Thời Lam 8 tuổi, nhà tôi ở khu tập thể của Đài Phát thanh (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) trên phố Đại La, hàng ngày Lam phải một mình đi tàu điện từ nhà ra đến Khâm Thiên rồi từ Khâm Thiên đi bộ vào Nhạc viện Hà Nội ở Hào Nam để học.
Có một lần, khi đang đứng chờ ở Khâm Thiên thì có một người phụ nữ đến bảo: “Con có phải con mẹ Thanh Hương không, đi theo cô để lấy quà một người bạn của mẹ con gửi từ miền Nam ra”. Lam nghe thế bỏ luôn cả học, đi theo người phụ nữ đó. Người đó dẫn Lam đi bộ từ Khâm Thiên lên tận Lò Đúc rẽ vào một khu tập thể. Đến đó, người này đi vào trong khu tập thể được một lúc xong quay ra bảo Lam lột hết quần áo trên người mới đủ để gói quà. Mà hồi nhỏ Lam tồ và dại lắm nên nghe người ta nói thế cũng lột hết ra.
Thời đó, vì tôi làm ở Đài Phát thanh nên được tiêu chuẩn một chiếc chăn Liên Xô rất đẹp. Tôi lấy cái chăn Liên Xô đó đi may cho Lam một cái áo bông và một cái quần rất đẹp. Thế mà người này lừa kiểu gì lột sạch đồ của con bé, lột cả áo trong lẫn dép luôn. Đến khoảng 12h trưa, Lam hớt ha hớt hải chạy về hỏi: “Ba mẹ ơi, có cô nào mang quà mà bạn của mẹ gửi từ trong miền Nam ra đến cho nhà mình chưa?”. Tôi thấy con lúc này trên người chỉ còn độc mỗi chiếc quần lót, lại hỏi câu đó thì biết con mình bị người ta lừa… vừa thương vừa giận.
Đấy ngày xưa tồ tệch thế nhưng bây giờ cũng vẫn còn tồ (cười).
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn