Ông đánh giá thế nào về lứa U19 Việt Nam hiện nay so với các thế hệ trước đó?
Đây là điều mà tôi đã nói nhiều hơn một lần, rằng lứa hiện tại không bằng lứa Quang Hải, Đoàn Văn Hậu cách nay 2 năm, cũng không bằng lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh… cách nay 4 năm. 2 lứa cầu thủ trước đây có kỹ năng tốt hơn.
Lứa hiện tại tinh thần vẫn tốt, nhưng kỹ năng và khả năng kiểm soát bóng thì thua xa. Vì khả năng kiểm soát bóng hạn chế, nên đội hầu như để mất bóng khi bị đối thủ vây ráp. Còn nhớ, thế hệ trước đây từng thắng U19 Australia đến 2 lần, mà lần nào cũng khiến đối thủ không cầm được bóng. Lứa này thì không làm được như vậy.
Vậy từ thất bại của đội U19 Việt Nam vừa diễn ra, lứa cầu thủ hiện tại cần gì để phát triển tốt hơn trong tương lai, thi đấu tốt hơn ở những giải đấu sau?
Ngay cả trong thất bại vẫn có nét tích cực, đó là chúng ta nhìn thấy nhược điểm mà sửa chữa. Đội không bằng 2 thế hệ trước, nhưng không phải không có những nhân tố tích cực. Họ sẽ trưởng thành nếu được đặt trong điều kiện tốt.
Các cầu thủ cần được hoàn thiện về kỹ năng, về tư duy chơi bóng, về thể lực, mà cách tốt nhất để hoàn thiện những mặt này là thông qua thi đấu cọ xát thường xuyên với các đối tượng có trình độ. Thi đấu rồi sửa sai, rồi lại thi đấu, các cầu thủ sẽ dần trưởng thành và sẽ khác bây giờ.
Vì sao các tài năng của bóng đá Việt Nam không liên tục, lúc hay lúc dở, có phải do khâu đào tạo chưa được đồng bộ không, thưa ông?
Theo tôi thống kê thì cứ sau khoảng đến 10 năm, bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra một thế hệ cầu thủ xuất sắc vượt bậc. Đó là thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, rồi đúng 10 năm sau là Văn Quyến, Minh Phương, 10 năm sau nữa là Công Phượng, Quang Hải…
Đây là điều khác với các nền bóng đá ổn định, như Nhật Bản hay gần hơn nữa là Thái Lan. Các đội trẻ của họ không phải năm nào cũng mạnh vượt trội, nhưng không yếu đến mức mà người ta không thể nhận ra.
Khâu đào tạo của bóng đá trẻ Việt Nam khách quan mà nói đã tiến bộ nhiều so với trước đây, bằng chứng là các đội trẻ của chúng ta thường xuyên đến được với các VCK cấp châu Á. Đây là điều hay đấy chứ! Nhưng như đã nói, muốn ổn định hơn, thì khâu đào tạo phải đồng bộ hơn nữa, phải có ngày càng nhiều các trung tâm bóng đá trẻ có chất lượng tương đương nhau, diện tuyển chọn cầu thủ phải ngày được mở rộng.
Việc này thì dĩ nhiên một mình VFF không thể làm được, mà các CLB phải quyết liệt thay đổi. VFF sẽ đóng vai trò định hướng và kêu gọi đầu tư, còn các CLB, các lò đào tạo lo về chuyên môn.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Trọng Vũ (thực hiện)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn