Nhạc sĩ Phú Quang: Người sáng tác phải có trình độ và có lương tâm
“Cái này một phần là do các chương trình truyền hình lăng xê loạn lên rồi một bộ phận khán giả vào hùa nên cớ sự mới xảy ra như thế. Những người đạo diễn, kiểm duyệt chương trình và cả người nghe không có đủ trình độ để nhận thức vấn đề nên mới ngày càng có nhiều ông trẻ theo nhau sáng tác như một cái "mốt".
Người này viết được người kia cũng viết, mọi thứ cứ thế loạn lên. Nhiều ông trẻ thấy được lăng xê truyền hình lại nghĩ bài hát của mình là đẹp, tốt và nghệ thuật nên còn nung nấu những ý tưởng kinh dị hơn.
Bản thân tôi khi nghe những cái tên bài hát như thế đã thấy rất khó chịu. Cảm thấy nó cứ vớ vẩn, phản cảm kiểu gì ấy. Bài hát gì mà “Xếp hình”, “Thu dẩm”, “Như lời đồn”… vừa vô nghĩa, vừa dễ dẫn người ta đến những suy nghĩ bậy bạ. Bài hát như thế mà đến với khán giả trẻ thì cũng sẽ làm tư duy nghệ thuật trở nên có vấn đề thêm chứ không thể phát triển được. Tôi nghĩ trình độ có hạn mới sáng tác kiểu đó.
Sáng tác âm nhạc dễ thì rất dễ nhưng khó thì cũng rất khó. Bởi một tác phẩm âm nhạc không chỉ đơn giản nghe cho xuôi tai, cho có nhạc là được mà phải chứa đựng rất nhiều giá trị trong đó. Vì thế, người sáng tác nhạc đòi hỏi phải có trình độ và có lương tâm. Người phát hành những tác phẩm âm nhạc này dưới bất kỳ phương tiện nào cũng đòi hỏi phải có cả hai yếu tố đó. Nguy hiểm ở chỗ là bây giờ truyền hình cứ lăng xê vô tội vạ dẫn đến nảy nòi ra những sản phẩm âm nhạc kinh dị, hổ lốn… như thế”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tôi đánh giá rất thấp những người muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong tác phẩm của mình
“Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Đối với tôi, một bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đến ca từ, đến nội dung, đến ý nghĩa và đẹp đến cả cái tên… đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác là người điêu khắc nên cái đẹp đó.
Trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, gìn giữ cái đẹp… để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống. Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi đẹp và lối sống đẹp. Đó là tôn chỉ rõ ràng của tôi khi sáng tác, khi làm nghề.
Vì vậy, tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo “nghệ sĩ” mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa thì nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả.
Nếu chúng ta cứ cười xuề xòa với những cái tên như “Xếp hình”, “Thu dẩm”… rồi biện minh rằng “do mọi người nhạy cảm suy diễn chứ tôi chẳng có ý gì” thì sớm muộn cũng sẽ nhan nhản có những bài tương tự. Tại sao phải cố tình đặt những cái tên như thế để truyền thông, để gây tò mò, để tạo trào lưu?
Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện của mình lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát, có đáng không? Không lẽ bài hát bên trong dở đến mức sợ không có ai nghe nên mới dùng đến hạ cách đó? Và những bài hát với những cái tựa như thế tuyên truyền được điều gì cho giới trẻ? Người nghệ sĩ với hệ tư tưởng lệch lạc như vậy dạy được gì cho trẻ con?
Đó là tôi chưa kể đến những bài hát gợi dục của một vài nhạc sĩ lớn tuổi, bài rap thể hiện “cá tính”, “cái ngông”, “cái tôi”… nhưng hầu hết chỉ thể hiện được cái phông văn hóa vô cùng thấp kém, thô tục và vô giáo dục như “tao mày, đồ chó, lũ khốn, mặt lờ...” mà các hot boy, hot girl underground phun phèo phèo trên các trang nhạc trực tuyến. Cái đó mà gọi là văn hóa ư? Cái đó mà gọi là nghệ thuật ư?
Không, những thứ đó chỉ là những bài nhạc chế của những đứa trẻ ngông thích thể hiện mình. Còn đã khoác chiếc áo nhạc sĩ lên người, hãy tôn trọng bản thân mình, tôn trọng khán giả yêu mến mình, tôn trọng nghề nghiệp của mình, tôn trọng chính chất xám và những tác phẩm của mình.
Đừng để một phút bốc đồng của tuổi trẻ mà sau này nhìn lại sự nghiệp của mình rồi hối hận vì những vết đen không thể nào gột sạch.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc Cục Nghệ thuật biểu diễn có những biện pháp cứng rắn hơn về việc phổ biến, phát hành những loại nhạc rác như thế. Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể bày tỏ cái tôi, cái bất mãn với cuộc sống thông qua những tác phẩm của mình nhưng phải có văn hóa (sạch sẽ), có trí tuệ (khéo léo) và có nghệ thuật (tinh tế). Cái đó là sự khác nhau giữa nghệ sĩ và trẻ trâu muốn làm nghệ sĩ”.
Nhạc sĩ Giáng Sol: Việc đặt tên bài hát kiểu đó là một cách cố tình gây sốc
“Thực ra, việc đặt tên bài hát kiểu đó là một cách cố tình gây sốc nhằm hút sự chú ý của người nghe nhạc và sự chú ý của truyền thông nữa. Rõ ràng, ở đây, những người sáng tác trẻ biết sẽ tạo nên sự hiểu lầm nào đó cho người nghe nhưng vẫn cố tình đặt như vậy.
Tất nhiên, trong số đó, cũng có một số ca khúc có giai điệu nghe được nhưng chính vì cách đặt tiêu đề như thế mà nó làm giảm đi giá trị của ca khúc.
Bản thân tôi là người sáng tác, tôi không đánh giá cao việc làm này. Thậm chí, nó dễ khiến những người trong giới thất vọng bởi ai làm nghệ thuật cũng mong muốn phải mang đến những gì đẹp đẽ, văn minh. Chúng tôi hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc nên luôn mong muốn thị trường âm nhạc có thật nhiều ca khúc trẻ trung, hiện đại nhưng phải đẹp về cả ca từ lẫn giai điệu.
Những ca khúc đó sẽ góp phần làm người nghe nhạc tiệm cận đến những giá trị mới thông qua ngôn ngữ âm nhạc. Nó đồng thời góp phần làm giàu đời sống âm nhạc theo cách có văn hoá. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ cứ tung ra những bài hát kiểu như “Nắng cực”, “Như cái lò”, “Như lời đồn…”.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn