Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) sinh ra tại xã Địa Linh, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Thân sinh của ông là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn (1720 - 1800) là người làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 10 tuổi, ông theo gia đình về sống tại quê cha.
Hà Tĩnh và Thái Bình là hai vùng quê giàu truyền thống văn hóa, văn hiến đã góp phần hun đúc, hình thành nên nhân cách trí tuệ, bản lĩnh và tâm hồn Nguyễn Công Trứ. Một danh nhân đa tài, một nhà kinh luân lỗi lạc, nhà quản trị giàu năng lực, vị tướng tài, một nhà thơ, một nghệ sĩ lớn.
Ông là quan văn nhưng khi làm võ tướng cầm quân, ở đâu ông cũng thể hiện tài thao lược và giành nhiều chiến công. Ông giúp triều Nguyễn dẹp yên nhiều cuộc nổi loạn, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và bình ổn đất nước, được thăng đến chức Binh Bộ Thượng Thư kiêm nhiệm Tổng đốc Hải An.
Trong 28 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ giữ 26 chức vụ khác nhau, là người đỗ đạt, làm quan to, hết quan văn lại quan võ. Đang trên đỉnh công danh ông lại bị cách chức làm lính thú, rồi lại được phục chức…
Ông có khát vọng lớn đem tài năng của mình mà kinh bang tế thế, giúp ích cho dân cho nước với tuyên ngôn lập luận: “Đã mang tiếng ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông”.
Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người, là nhà văn hóa lớn… với sức sống ngang tàng, mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng đa chiều…
GS.TS Trần Ngọc Vương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nói: “Nguyễn Công Trứ là người chú trọng thực tiễn: Khi có loạn thì đánh đông dẹp bắc, trừ loạn đảng, dẹp nhiễu nhương; lúc bình trị thì đặt phương sách phát triển kinh tế, mở mang đất đai, thực hiện giáo hóa, phát triển văn trị. Quản việc dân thì mẫn cán, cần kiệm, biết dùng đúng người đúng việc…”,
Tại diễn văn lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh quê hương Hà Tĩnh tự hào với Uy viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ một nhân cách hiếm có, một nhà tư tưởng vì nước, vì dân, quy tụ triết lý tự do, tuân thủ, quân tử, bất khí với sức sống mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng, đa chiều có công lớn trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị, quân sự, kinh tế…
Trong mọi hành động, việc làm của ông, dù ở trên cương vị là một vị quan hay một người lính đều tỏ rõ khí phách hiên ngang, cương trực, đều chứng tỏ một tư tưởng vượt lên thời đại, một tấm lòng vì nước, vì dân.
“Cuộc đời ông là cả một quá trình phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi nhất nỗi hào hùng nhưng cũng gặp nhiều thăng trầm, oan trái”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói về cuộc đời của danh nhân Nguyễn Công Trứ.
Ngoài sự nghiệp làm quan, Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ còn lưu danh hậu thế bằng sự nghiệp văn chương đặc sắc, giàu giá trị nhân văn với một phong cách đặc biệt, phóng túng và tài hoa. Ông là người đã có công làm cho thể cách hát nói của nghệ thuật ca trù trở thành một thể thơ hoàn chỉnh, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho nghệ thuật ca trù.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, những bài học về đạo làm quan, những sáng tạo và tư duy về mở mang bờ cõi, xây dựng nền kinh tế mà Nguyễn Công Trứ để lại cho hậu thế đến nay vẫn còn rất nhiều giá trị. Kỷ niệm 240 năm ngày sinh, tưởng niệm 160 năm ngày mất Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ chính là dịp để hậu thế tri ân công lao to lớn của ông đối với quê hương, đất nước. Và Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh khẳng định quyết tâm đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên giành những thắng lợi mới.
Cũng trong dịp này, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao bằng công nhận huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn huyện NTM năm 2018 cho đại diện lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân.
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn