Đi tìm những bí ẩn về quần thể Am Các trên núi cao
Bóng dáng của trung tâm Phật giáo xưa
Ngày 16/12, Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và Sở VH-TT&DL tổ chức công bố kết quả “Nghiên cứu giá trị lịch sử - văn hóa và đề xuất giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích chùa Am Các trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa".
Chùa Am Các là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 2013. Chùa tọa lạc trên sườn phía Đông, gần đỉnh cao nhất của núi Các. Phong cảnh thiên nhiên còn giữ vẻ hoang sơ và địa hình đa dạng, tạo nên vẻ đẹp kỳ thú.
Núi Các cao 500m so với mực nước biển. Đứng từ chùa Am Các vào những hôm trời trong, có thể phóng tầm mắt nhìn ra biển Đông, thấy rõ đảo Mê và con đường thiên lý phía trước chùa.
Năm 2018, các nhà khảo cổ đã mở 4 hố khai quật và 2 hố thám sát với tổng diện tích 542,99m2. Đây là cuộc khai quật đầu tiên tại địa điểm chùa Am Các.
Căn cứ vào những hiện vật còn lại trong khu vực chùa Am Các. Đặc biệt là các di tích, di vật phát hiện trong các hố khai quật và thám sát năm 2018 đều ở vị trí các dấu tích nền móng kiến trúc của phế tích chùa Am Các xưa. Do đó, chắc hẳn chúng có liên quan đến cụm công trình kiến trúc Phật giáo như kết quả điều tra, thám sát và nghiên cứu trước.
Những kết quả nghiên cứu giúp chúng ta có thể hình dung được bóng dáng Am Các tự xưa hoành tráng, nguy nga và tôn nghiêm của một trung tâm tôn giáo lớn tọa lạc trên vùng núi cao phía Nam xứ Thanh.
Có một điều là không hiểu vì sao ở một nơi rừng núi, đường đi gập ghềnh trắc trở nhưng con người lúc đó lại chọn đất dựng chùa thờ Phật ở trên lưng chừng núi Am Các này, hẳn là có vị trí địa lý đắc địa như thế nào.
Qua điều tra, thám sát và nghiên cứu trước đây, còn những ý kiến khác nhau về niên đại các dấu vết kiến trúc hiện còn tại địa điểm chùa Am Các.
Từ việc khai quật trên 500m2, đã phát hiện được 7 di tích kiến trúc và 3 di tích lò nung. Căn cứ vào quy mô, kết cấu mặt bằng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và hiện vật thu được, chúng thuộc 2 thời kỳ khác nhau: Thời Trần (thế kỷ 14) và thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18).
Trên mặt đất cũng như trong lòng đất khu vực này còn tiềm ẩn nhiều di tích, di vật quý có giá trị khoa học cao, phản ánh chính xác lịch sử khởi dựng, tồn tại và phát triển của di tích này. Am Các và vùng phụ cận hoàn toàn xứng đáng là Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Với điều kiện khí hậu hài hòa, thuận lợi, sự phát triển của rừng Các Sơn khá tốt, tạo nên vị thế của Am Các và Các Sơn không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn là một danh lam thắng cảnh, có thể sánh cùng Tam Đảo, Sa Pa và Đà Lạt của Việt Nam.
Bí ẩn về lịch sử ngôi chùa
Kết quả khảo sát, nghiên cứu ban đầu cho thấy, chùa Am Các là một quần thể di tích có thể được hình thành từ rất sớm. Đây là một quần thể danh thắng với nhiều yếu tố hợp lại mà không phải nơi nào cũng có được.
Với các vòng tường thành bằng đá (Nội tự và Ngoại tự) còn lại và vị trí địa lý trên các tuyến đường giao thông thủy, bộ và đường biển, có thể vị trí chùa Am Các hiện nay là một tiền đồn từ thời Trần và là căn cứ phòng ngự quân sự của nhiều thời kỳ sau.
Chính vì vậy, ngoài yếu tố địa - văn hóa, chùa còn có yếu tố địa - chính trị, địa - quân sự, có thể kiểm soát con đường tiến quân truyền thống của giặc ngoại xâm nói chung. Trong lịch sử, đây cũng là con đường tiến quân của Champa ra quấy nhiễu Đại Việt. Tuy nhiên, qua thời gian với sự biến thiên của lịch sử, chùa Am Các đã bị phá hủy hoàn toàn.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, qua tra cứu trong các thư tịch cổ, chỉ có thông tin về núi Am Các mà chưa tìm được tư liệu thành văn khẳng định một cách chắc chắn lịch sử xây dựng, thời gian tồn tại và vị trí của ngôi chùa này trong lịch sử.
Dấu vết các di tích kiến trúc xuất lộ trong các hố thám sát, đặc biệt là những di vật sưu tầm được trong các đợt khảo sát, qua giám định ban đầu có niên đại trải dài từ thời Trần (thế kỷ 14) đến thời Lê sơ (thế kỷ 15 - 16) và nhiều nhất là di vật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18).
Tuy nhiên, để khẳng định chính xác niên đại của di tích, kết cấu mặt bằng kiến trúc và vị trí, vai trò của chùa Am Các thì những tư liệu trên chưa đủ cơ sở khoa học.
Lịch sử của ngôi chùa vẫn còn là một vấn đề bí ẩn, cần được nghiên cứu, làm rõ. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng, di tích kiến trúc chùa Am Các là hiện hữu và có quy mô to lớn, với một lịch sử phát triển 4 - 5 thế kỷ. Do đó, dù ra đời vào thời điểm nào, thì đây vẫn là một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn, không chỉ cho Tĩnh Gia, Thanh Hóa mà với cả nước.
PGS. TS Trần Văn Thức, Hiệu trưởng Trường ĐH VH-TT&DL, cho biết: Tới đây, một đoàn cán bộ nghiên cứu sẽ đi Trung Quốc tra cứu thư tịch cổ để xác định chính xác niên đại và các giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng khác của Am Các. Trên cơ sở đó, sẽ đề xuất các giải pháp để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Trước mắt, các nhà khoa học đã đề xuất tỉnh Thanh Hóa có phương án bảo vệ các hố khai quật. Đồng thời, tiếp tục quan tâm để mở tiếp một đợt khai quật nhằm đánh giá đầy đủ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích danh thắng Am Các.
Được biết, hiện tại tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý về chủ trương cho một doanh nghiệp khảo sát, lập quy hoạch khu vực núi Am Các để phát triển du lịch sinh thái.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn