Bởi một bộ phim điện ảnh cần một quá trình dài chuẩn bị, nên các phim điện ảnh thường không thể phản ánh nhanh nhạy đời sống đương đại hay tạo nên những cơn sốt tức thời như thể loại phim truyền hình.
Nhưng bằng cả sự may mắn và tính toán khoa học, bộ phim “Parasite” (Ký sinh trùng) của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho đã có thể phản ánh chân thực thế giới đương đại một cách xuất sắc thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
Chuyện phim xoay quanh gia đình ông Kim Ki-taek và bà Chung-sook, họ sống với hai người con đã bước vào tuổi trưởng thành, cả gia đình ở trong một căn hộ nhỏ dưới tầng hầm. Cả hai ông bà đều không có công việc ổn định, họ nhận những công việc thời vụ có mức thù lao ít ỏi, chẳng hạn như gấp hộp đựng pizza, họ cố gắng xoay xở để chi dùng đủ cho những nhu cầu cơ bản của gia đình.
Nhưng dù điều kiện sống khốn khổ trong mắt nhiều người, bản thân các thành viên trong gia đình nhà Kim vẫn rất lạc quan. Trong cảnh mở đầu phim, cậu con trai Ki-woo và cô con gái Ki-jung đi quanh căn hộ chật chội tù túng, giơ chiếc điện thoại di động của họ lên cao để dò sóng wi-fi miễn phí.
Họ tìm thấy niềm vui hài hước từ tình huống đó, hóa ra đôi khi ta có thể có được thứ mình cần mà chẳng cần tốn lấy một xu.
Vận may của gia đình nhà Kim xuất hiện khi cậu con trai Ki-woo được nhận làm gia sư cho một cô nữ sinh trung học con nhà giàu có tên Park Da-hye. Rất nhanh chóng và bằng cả những phương cách không lấy gì làm trung thực, Ki-woo đã giúp cho tất cả các thành viên trong gia đình được nhận vào làm trong gia đình nhà Park giàu có.
Đến lúc này, người xem có thể nghĩ họ đã hiểu được ý nghĩa nội dung cốt lõi trong “Parasite” (Ký sinh trùng): Đó là một bộ phim hài sâu sắc, thấm thía, kể về những con người biết dùng thủ thuật, mưu mẹo để luồn lách trong đời sống.
Phim giống như một câu truyện ngụ ngôn về những con người nghèo khổ bị lãng quên trong xã hội, họ phải tìm đủ mọi cách xoay xở để sinh tồn bằng nhiều phương kế. Chỉ ngần đó thôi đã đủ để tạo nên một bộ phim điện ảnh ấn tượng.
Nhưng đạo diễn Bong, người từng dàn dựng những bộ phim như “Hồi ức kẻ sát nhân” (2003) hay “Chuyến tàu băng giá” (2013), đã vượt trên mức ấy. Ông liên tục tạo nên những tình huống bất ngờ, kết nối cảnh này với cảnh khác bằng một sự chính xác và khéo léo tài tình. Người xem không thể nào biết trước được bộ phim sẽ diễn tiến ra sao.
“Parasite” đã giành được giải thưởng Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes diễn ra trong năm nay, đây cũng là bộ phim mà Hàn Quốc gửi đi dự hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar. Có nhiều lý do để “Parasite” gây được tiếng vang trong giới làm phim và người xem điện ảnh quốc tế.
Phim kể một câu chuyện mà người xem có thể theo dõi dù không cần đọc phụ đề và không hiểu được ý nghĩa của những lời thoại, chỉ riêng gương mặt của các diễn viên đã cho thấy rất rõ cảm nhận khi là “những kẻ chầu rìa” trong một thế giới đề cao tiền tài và địa vị.
Vậy nhưng “Parasite” không phải một bộ phim để nói về công bằng xã hội, trước hết đó là một bộ phim nói về gia đình, một bộ phim để người xem nhớ rằng chúng ta có những gì trong cuộc sống này bởi giữa vô vàn khó khăn, chật vật, mưu toan, sau cùng, ta còn có gia đình, còn có nhau.
Bích Ngọc
Theo Time/Hollywood Reporter
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn