Ở thời điểm những tháng cuối cùng của thập niên 2010, các trang tin điện ảnh đều nhận thấy rằng năm 2019 có nhiều bộ phim xuất sắc, được thực hiện bởi các nhà làm phim bậc thầy và những diễn viên tài năng. Những bộ phim này nhìn thấu suốt những đổi thay biến động của những năm qua và đáp ứng đòi hỏi đối với nghệ thuật điện ảnh trong cuộc sống hiện tại.
Trong khi những nhà làm phim tài danh như Martin Scorsese và Quentin Tarantino vẫn tiếp tục những sáng tạo điện ảnh của mình, dù gặp không ít khó khăn trong việc vượt qua cái bóng của chính họ, thì còn có những bộ phim xuất sắc khác là những thử nghiệm mới mẻ với điện ảnh của những nhà làm phim còn chưa quen thuộc với công chúng yêu điện ảnh quốc tế.
Xét trên nhiều tiêu chí, 2019 là một năm ấn tượng của nghệ thuật điện ảnh, với những bộ phim hấp dẫn thuộc nhiều thể loại và phong cách để người xem thưởng thức, bình luận thậm chí tranh luận trong thập niên 2020 đã sắp mở ra.
Dưới đây là 10 phim điện ảnh hay nhất năm 2019 theo đánh giá của chuyên trang Văn hóa trên tờ The Atlantic (Mỹ):
“Portrait of a Lady on Fire” (tạm dịch: Bức chân dung bị thiêu cháy)
Bộ phim cổ trang của Pháp được biên kịch và đạo diễn bởi bà Céline Sciamma (41 tuổi). Lấy bối cảnh nước Pháp hồi cuối thế kỷ 18, bộ phim kể về chuyện tình bị xã hội cấm đoán thời bấy giờ, mối tình giữa một nữ quý tộc và một nữ họa sĩ được mời tới để thực hiện bức chân dung cho bà.
Bộ phim đã tranh tài ở hạng mục Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes (Pháp) trong năm nay. Phim giành được giải “Cành Cọ Đồng tính” (Queer Palm) tại Cannes và trở thành bộ phim đầu tiên của một nữ đạo diễn giành được giải thưởng này. Sciamma còn giành được giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Cannes.
Phim mang nhiều màu sắc lãng mạn và hiện đang được giới điện ảnh quốc tế rất quan tâm bởi sự kết hợp tuyệt diệu giữa cách kể chuyện bằng hình ảnh đầy sức biểu cảm với một chuyện phim sống động, dịu dàng, nói về những rung động của cảm xúc. Không gian của phim là một hòn đảo xa xôi ở Pháp, tại đó diễn ra một mối tình âm ỉ giữa hai người phụ nữ.
Qua đó, người xem được thấy nghệ thuật có thể nắm bắt niềm đam mê đích thực của người sáng tạo ra nó như thế nào. Mỗi cảnh phim đều được được dàn dựng kỹ lưỡng để tạo nên những tác động lớn nhất và đương nhiên, thứ thẩm mỹ cao cấp được gửi gắm trong từng khuôn hình vẫn không khiến chuyện phim bị xao nhãng khỏi nội dung cốt lõi.
“The Souvenir” (tạm dịch: Kỷ vật)
Phim được đạo diễn và biên kịch bởi bà Joanna Hogg (59 tuổi). “The Souvenir” được triển khai dựa trên những trải nghiệm của chính bà Joanna Hogg khi còn theo học ở trường điện ảnh.
Nhân vật chính của phim là Julie, một phụ nữ trẻ tuổi, giàu có theo học ở trường điện ảnh rồi gặp gỡ và gắn bó với một người đàn ông bí ẩn hơn cô nhiều tuổi, ông khuyến khích cô theo đuổi những tham vọng của mình. Tên bộ phim lấy cảm hứng từ bức tranh cùng tên của họa sĩ người Pháp sống ở thế kỷ 18 - Jean-Honoré Fragonard. Bức tranh này có được đề cập trong phim.
“The Souvenir” cũng kể về một câu chuyện tình, nhưng rất ảm đạm, xoay quanh cô gái trẻ đam mê điện ảnh sống ở London hồi thập niên 1980, cô bị lún sâu vào một mối tình đầy kịch tính nhưng cũng chứa chan sự “hủy diệt”.
Phim kể về những kịch tính dữ dội trong đời sống tình cảm theo một cách nhẹ nhàng nhất có thể, để người xem được thấy những tình cảm đích thực cũng có thể diễn ra khó khăn, đau đớn như thế nào, nhưng tất cả những điều ấy không đem lại một sự ghê sợ cho người xem.
Phim mang nhiều sự cảm thông cho những xúc cảm của con người, có phần u tối và thuộc dạng phim đánh dấu sự trưởng thành của nhân vật, khi Julie phải trải qua niềm vui và nỗi đau của tuổi trẻ, khi ấy cô ngốc nghếch, thích lý tưởng hóa và sẵn sàng mở rộng trái tim.
“Parasite” (Ký sinh trùng)
Bộ phim giật gân pha chất bi hài của điện ảnh Hàn Quốc được đạo diễn và đồng biên kịch bởi ông Bong Joon-ho. Chuyện phim kể về những thành viên trong một gia đình nghèo khó tìm cách để được thuê vào làm trong một gia đình giàu có. Trong quá tình ấy, họ đã luồn lách, gian lận, giả vờ là những con người không có quan hệ với nhau và có những bằng cấp cần thiết để được thuê mướn.
Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc giành được giải Cành Cọ Vàng và là bộ phim thứ hai trong lịch sử LHP Cannes nhận được tất cả các lá phiếu đồng thuận từ ban giám khảo (trước đây, bộ phim “Blue Is the Warmest Colour” cũng từng nhận được điều này).
Phim gây được tiếng vang trong giới điện ảnh quốc tế và được nhiều tờ tạp chí uy tín như Time, The Atlantic... bình chọn vào top 10 phim hay nhất năm 2019.
Phong cách điện ảnh ấn tượng của đạo diễn Bong đã được biết tới từ lâu, nhưng khi một bộ phim vừa giật gân vừa hài hước lại có cả chất nhân văn và thuộc vào nhóm phim được đánh giá cao nhất năm, đó là khi một đạo diễn đã thực sự thành công lớn. “Parasite” chính là đỉnh cao mới trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Bong.
Một bộ phim bi hài xoay quanh hai gia đình đối lập về sự giàu nghèo, họ cùng sống ở Seoul, cùng đang vật lộn và cùng tồn tại cạnh nhau. Chuyện phim phản ánh hố sâu ngăn cách giữa hai thế giới giàu và nghèo.
“Parasite” có thể vui vẻ, hài hước trong cảnh phim này và chuyển sang sâu sắc thấm thía ở cảnh phim sau, nhưng trước sau gì vẫn giữ được sự nhân văn; mặc dù kịch bản đầy tính sáng tạo có khai thác cả bạo lực, nhưng đạo diễn Bong vẫn giữ cho tất cả các nhân vật của mình không trở thành phản diện.
“Once Upon A Time In Hollywood” (Chuyện ngày xưa ở... Hollywood)
Phim được đạo diễn và biên kịch bởi Quentin Tarantino với dàn diễn viên đình đám gồm Leonardo DiCaprio, Brad Pitt, Margot Robbie, Dakota Fanning, Al Pacino...
Lấy bối cảnh Los Angeles năm 1969, bộ phim theo chân một nam tài tử và diễn viên đóng thế của anh ta, khi họ đang dần hết thời và cùng đang dò dẫm trong một nền công nghiệp làm phim thay đổi nhanh chóng. Bộ phim gợi nhắc lại những năm tháng cuối cùng của thời đại vàng ở Hollywood.
Phim cũng đã tranh tài ở LHP Cannes và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, đồng thời xuất hiện trong nhiều bình chọn top 10 phim hay nhất năm của các tờ tin tức.
Trong phim có hai tuyến nhân vật: một nhân vật đang lên (nhân vật có thật - nữ diễn viên Sharon Tate do Margot Robbie đảm nhận) và một nhân vật đang xuống (nhân vật giả tưởng - nam diễn viên Rick Dalton do Leonardo DiCaprio đảm nhận). Phim dù lấy bối cảnh quá khứ nhưng lại rất phù hợp với bối cảnh thế giới làm phim đang biến động của hiện tại.
Trong suốt sự nghiệp của mình, đạo diễn Tarantino đã luôn biến những câu chuyện hoài cổ trở thành hấp dẫn, thú vị trong thế giới đương đại; ở đây, một lần nữa ông lại khiến cho một bộ phim lấy bối cảnh Hollywood hồi năm 1969 trở thành một câu chuyện điện ảnh thu hút sự quan tâm hàng đầu trong năm 2019.
“Uncut Gems” (tạm dịch: Đá quý chưa mài giũa)
Bộ phim giật gân về đề tài tội phạm được đạo diễn và đồng biên kịch bởi anh em Josh và Benny Safdie. Anh em nhà Safdie vốn đã đạo diễn những bộ phim độc lập kinh phí thấp đầy ấn tượng, họ là chuyên gia trong việc đẩy cao kịch tính trong chuyện phim. “Uncut Gems” tiếp tục là một bộ phim kịch tính không khoan nhượng và rất gai góc, mang sức nặng của một tấn bi kịch.
Diễn xuất của Adam Sandler trong phim được đánh giá rất cao khi nam diễn viên nhập vai một người đàn ông chuyên buôn bán kim cương, ông ta đang “nợ đìa” vì cờ bạc. Nhân vật này vừa tham vọng, vừa có chút ngốc nghếch và không thể nào thoát ra khỏi lối sống tự hủy diệt chính mình.
Còn tiếp…
Bích Ngọc
Theo The Atlantic
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn