Phết là tên gọi một quả cầu tròn to như quả bưởi, làm bằng gỗ sơn đỏ (thường là gỗ xoan, gỗ mít), bằng vải, bằng da (trong nhồi vải vụn), hoặc bằng gốc tre già được gọt nhẵn.
Đánh Phết là trò chơi dân gian trong lễ hội xuân ở Đồng bằng Bắc Bộ. Một số Hội Phết nổi tiếng có thể kể đến: Hội Phết làng Hiền Quan, Hội Phết làng Sơn Vy, Hội Phết làng Dữu Lâu…
Tương truyền, trò Đánh Phết ra đời từ khoảng thế kỷ thứ nhất, thời Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, do “Đông cung tướng quân” Thiều Hoa - một nữ tướng anh dũng của Hai Bà - nghĩ ra, nhằm rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo và mưu trí cho quân sĩ, vừa để giải trí, vừa để gây thêm tinh thần hăng hái khắp ba quân. Người xưa kể, bình xong giặc, bà Thiều Hoa lui về xã Song Quan (Hiền Quan, Phú Thọ ngày nay) tu hành, rồi một năm sau thì quy tiên, được sắc phong là “Phụ quốc công chúa” và được nhân dân lập miếu thờ. Cũng từ bấy, Hội Phết tổ chức hằng năm để tưởng nhớ công đức của bà.
Lại có người bảo, trò Đánh Phết có nguồn gốc từ tục thờ Mặt Trời (quả Phết sơn đỏ tượng trưng cho vầng thái dương, được đánh qua đánh lại giữa hai sân như chu kỳ mọc lặn ngày đêm), ý kiến khác coi Đánh Phết là trò chơi nghi lễ cầu mùa, chống hạn, mong mùa màng bội thu, bởi quả Phết tượng trưng cho củ cây, việc đưa Phết xuống lỗ, xuống đất chính là nghi lễ trồng củ, gieo hạt.
Vì tính chất thiêng liêng làm vậy, nhiều nơi trân trọng, giữ gìn cẩn thận quả Phết trên bàn thờ trong đình làng, tiến hành lễ rước rất long trọng, người giữ Phết phải là người khỏe mạnh, trong sạch, con cái đề huề, gia đình năm ấy không có tang.
Luật chơi
Phết chơi trên khu đất rộng (thường là sân đình), hai đầu sân vẽ vòng tròn bằng vôi hay đào lỗ (gọi là “lồ” hoặc “lò doanh”) vừa lọt quả Phết.
Người Đánh Phết chia làm hai phe, nhiều ít tùy theo số người dự cuộc. Mỗi người chơi cầm một cây gậy Phết được làm từ gốc tre đực đào cả củ, đẽo gọt giống hình cái thìa, dài khoảng một mét, đầu gậy uốn khoăm khoăm, gắng đánh vào quả Phết.
Trong trận Đánh Phết, đội nọ cố gắng dồn Phết về phần sân đội kia, bao giờ quả Phết lăn vào vòng tròn hoặc lỗ ở phần sân của đội kia là thắng. Cũng có khi đổi thể thức: Các bên cố giành quả Phết về phần sân mình, gắng đánh Phết vào lỗ của đội mình trước, hoặc hai đội đua tranh để đưa Phết đến một điểm quy định, phe nào đến trước là phe ấy thắng.
Lưu ý:
- Không được dùng gậy Phết đánh vào người đội bạn.
- Không dùng sức ngáng hay đẩy ngã đội bạn.
Nói “Vui ra Phết” bởi trò chơi này thú vị, thu hút đám đông tha hồ reo cười, “Khéo ra Phết”, “Hay ra Phết” bởi phải rất “khéo” và “hay” thì các đấu thủ mới giành, lừa, chuyền, cuối cùng là đánh được quả Phết lọt xuống lỗ.
Kiều Nga
Trích “Nhâm Nhi Tết”, NXB Kim Đồng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn