Tham dự buổi lễ có nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà văn Phùng Văn Khai, Phó TBT tạp chí Văn nghệ Quân đội, cùng nhiều nhà văn, nhà thơ và đại diện các ban ngành huyện Đức Thọ, xã Bùi Xá.
Khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều cho hay, những năm qua gia đình của cố nhà văn Xuân Thiều đã đầu tư rất lớn cho nhà trường về vật chất cũng như tinh thần. Để tưởng nhớ ghi công ơn ông, địa phương đã làm thủ tục xin phép đặt tượng ông tại khuôn viên trường tiểu học.
Bức tượng của cố đại tá nhà văn Xuân Thiều được đúc bằng đồng do con cháu của ông tặng đặt trang trọng trong khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ).
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết, cuộc đời và sự nghiệp của cố nhà văn, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiều là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo với lòng thành kính sâu sắc.
“Thay mặt địa phương và các thế hệ học sinh chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc. Mong rằng gia đình của cố nhà văn Nguyễn Xuân Thiều có đóng góp hơn nữa với nhà trường và địa phương, các nhà văn, nhà thơ dành tình cảm, sự quan tâm cho quê hương của cố nhà văn” – ông Hàm nói.
Trung tá Phùng Văn Khai, Phó TBT tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng, nhà văn các thế hệ đi trước ở Văn nghệ Quân đội rất tự hào về sự tôn vinh hôm nay đối với nhà văn Xuân Thiều và các nhà văn đã chiến đấu sáng tác hết mình vì Tổ quốc.
Tại buổi lễ, gia đình cố nhà văn Xuân Thiều cùng nhiều thế hệ học sinh tiếp tục quyên góp một khoản quỹ khá lớn để ủng hộ nhà trường và các em học sinh.
Nhà văn Xuân Thiều (tên khai sinh là Nguyễn Xuân Thiều) sinh ngày 1-4-1930 mất ngày 4-4-2007 tại nhà riêng ở 16 Lý Nam Đế – Hà Nội.
Sinh ra từ gia đình nông dân ở làng xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ông sớm tham gia cách mạng. Tháng 2 năm 1947, ông nhập ngũ vào bộ đội địa phương, rồi năm 1951, ông đi chiến trường. Cuối năm 1959, ông về Tổng cục Chính trị, sau đó về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1987, ông được biệt phái sang Hội Nhà văn làm Phó ban Hội viên kiêm Chánh văn phòng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Xuân Thiều đã đi thực tế tại chiến trường khu 5. Ông viết nhiều truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện phim, tiểu thuyết… đã xuất bản: Đôi vai (truyện ngắn 1961), Một người lính (truyện ngắn 1961), Chiến đấu trên mặt đường (ký 1968), Trời xanh (truyện ngắn 1969), Thôn ven đường (tiểu thuyết 1972), Đi xa (tùy bút 1973) Từ một cánh rừng (truyện phim 1975), Khúc hát mở đường (truyện thiếu nhi 1981), Gió từ miền cát (truyện ngắn 1989), Tư Thiên (tiểu thuyết 2 tập 1995), Tiếng nói cảm xúc (phê bình tiểu luận 1996)…
Nhà văn Xuân Thiều đã nhận được nhiều giải thưởng văn học qua các cuộc thi truyện ngắn của: Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng của UB Thiếu niên, Nhi đồng và Hội Nhà văn VN. Ông cũng được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì và ba, huy chương Quân kỳ quyết thắng, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Năm 2011, Trường tiểu học Bùi Xá (ngôi trường quê hương cố nhà văn Xuân Thiều) được đổi tên thành Trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều để ghi nhớ những đóng góp của ông cho quê hương, đất nước và các thế hệ sau này noi theo tấm gương của ông.
Tiến Hiệp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn