Chung kết Liên hoan Múa Dân gian, Dân tộc lần thứ 2 vừa khép lại vào tối ngày 30/9 tại Hội trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sự kiện nhằm đề cao giá trị nghệ thuật múa dân gian - dân tộc, đồng thời góp phần khơi dậy tình yêu của giới trẻ đối với loại hình này.
Biên đạo Múa Lê Minh Thùy - Giám đốc Trung tâm Múa và Biên đạo Hà Nội, người khởi xướng và triển khai tổ chức sự kiện này cho biết, liên hoan múa là sân khấu dành cho tất cả mọi người, những ai dù là chuyên nghiệp hay không chuyên, chỉ cần có tình yêu và tài năng với múa dân gian - dân tộc thì đều có thể tỏa sáng trên sân khấu này. Sân khấu - nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật hướng tới con người là cái cao đẹp của nghệ thuật.
17 tiết mục xuất sắc nhất được lựa chọn vào chung kết gồm 6 tiết mục thuộc hình thức múa tập thể, 6 tiết mục múa đơn, 3 tiết mục múa đôi và 2 tiết mục múa ba người. Mỗi phần biểu diễn thể hiện một chủ đề cụ thể, dựa trên chất liệu múa dân gian - dân tộc, trong đó có nhiều tác phẩm thực sự chạm tới cảm xúc của khán giả như: “Nhật ký của mẹ” - bé Bảo An, “Con đường đến trường” - các bé khiếm thính của Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Thụy An, “Sinh Tồn” - bé Nguyễn Hà Châu.
Bảo An với phần biểu diễn múa đơn “Nhật ký của mẹ” đã mang đến thông điệp: “Vũ trụ không có nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ. Mẹ là người có thể thay thế bất kì ai khác nhưng không ai có thể thay thế được mẹ”. Tác phẩm đã làm xúc động bao khán giả dưới sân khấu.
“Con đường đến trường” – các em đến từ Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An. Mặc dù không thể nghe nhạc – thứ rất quan trọng đối với múa nhưng các em đã biểu diễn hết mình, xây dựng các hình tượng múa đầy đủ và mang nhiều ý nghĩa. Phần biểu diễn đã giành được tình cảm từ phía khán giả bởi những giá trị cảm xúc tích cực mà các em đã mang lại.
“Sinh tồn” biểu diễn bởi “Nguyễn Hà Châu” tái hiện lại cái đói năm 1945. Tác phẩm đã tái hiện chân thực cái đói cùng quẫn của con người. Phần biểu diễn đã chạm tới trái tim của khán giả.
Liên hoan năm nay có sự góp mặt của đông đảo các bé thiếu nhi với hầu hết các tác phẩm ấn tượng. Bên cạnh đó, loại hình múa tín ngưỡng bắt đầu xuất hiện trên sân khấu của Liên hoan múa với sự đầu tư về hình thức, kỹ thuật có chất lượng tốt và công phu.
Gần 40% các tiết mục dự thi do các bé biểu diễn nổi bật như: “Hứng dừa” Bảo Trân - Linh Đan, “Hương sắc vùng cao” CLB Lý Ngọc, “Con đường đến trường” các bé Trung tâm Thụy An, “Nhật ký của mẹ” - Bảo An, “Sinh tồn” Nguyễn Hà Châu… Múa tín ngưỡng thờ mẫu cũng rực rỡ và công phu trên sân khấu với phần biểu diễn “Cô bé Sa Pa” của Nguyễn Đạt Tân.
Các tiết mục dự thi đều thể hiện được niềm đam mê cũng như tình yêu dành cho loại hình múa này. Không chỉ phô diễn động tác, thí sinh còn chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục, đạo cụ, thông điệp chuyển tải qua các tạo hình, diễn xuất, âm nhạc và hình tượng múa.
Kết thúc đêm Chung kết, giải nhất được trao cho “Nhật ký của mẹ” bé Bảo An, giải nhì thuộc về “Bến trần gian” - nhóm Venus và “Người Lô Lô trồng rừng” – Nhóm Gót thiêng cùng 3 giải Ba, 5 giải khuyến khích và 6 giải phụ.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn