"Say nắng" đàn ông có vợ nhưng không phá hoại hạnh phúc
Trong ngần đó thời gian sau ly hôn, chẳng lẽ không có người đàn ông nào đến với chị?
Có chứ, nhiều nữa là đằng khác. Cuộc sống này còn nhiều người đàn ông sống tốt lắm. Tôi không thể vì gặp phải một người đàn ông không tốt mà có suy nghĩ tiêu cực hoặc mất lòng tin vào những người đàn ông khác.
Có rất nhiều người yêu mến tôi nhưng vấn đề là những người tôi thích hoặc người yêu mến tôi lại đa phần không còn tự do nữa. Những người thành đạt, nghiêm túc trong chuyện tình cảm, sống chín chắn và trách nhiệm thì chẳng ai còn độc thân đến bây giờ nữa cả. Ai cũng đã có bến đỗ, đã có gia đình rồi… mà tôi thì không muốn làm kẻ thứ 3. Thế nên, nhiều khi thích đấy, yêu đấy… nhưng rồi để đấy (cười), đơn phương thế thôi.
Vậy mà đến giờ, ngoài câu chuyện cũ (chuyện với chồng cũ) người ta vẫn truyền miệng nhau rằng Thanh Tú toàn thích yêu người có vợ?
Đó vẫn chỉ là câu chuyện truyền miệng thôi. Tôi thích thì tôi nói là tôi thích, có sao đâu. Nhưng tôi không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ. Hạnh phúc của họ vẫn là của họ vì tôi không muốn làm kẻ thứ 3.
Còn yêu thì ai cấm được tôi. Một người đàn ông đẹp, tử tế, đàng hoàng, thành công và trách nhiệm, đầy đủ các tố chất để tôi yêu tại sao tôi không yêu.
Tôi yêu tôi nói là yêu nhưng tôi không phá hoại hạnh phúc mà ngược lại tôi mong muốn họ hạnh phúc. Với tôi, đó mới là tình yêu. Chứ còn chuyện yêu nhau rồi gặp nhau mỗi ngày, chở nhau đi ăn, sống với nhau một nhà, tối về chung một cái giường… chuyện đó quá bình thường. Đàn ông như thế tôi không cần vì tôi tự làm được tất cả những điều ấy.
Còn những chuyện tình xảy ra phía sau những vai diễn thì sao?
Tôi đã sống mấy chục năm trong nghề và khẳng định không hề có chuyện đó. Tôi luôn quan niệm rất rõ ràng, sân khấu là nơi mình làm nghề. Sau khi rời khỏi đó, tôi mới được phép là một con người khác. Tôi không lẫn lộn chuyện tình ái với nghề nghiệp.
Một người đàn bà mang trái tim cô đơn quá lâu như chị chẳng lẽ lại không bao giờ “say nắng” với bạn diễn khi họ nằm trong ngưỡng chị yêu thích?
Không. Tôi lại thường “say nắng” ở bên ngoài cơ (cười). Tôi thấy cái “nắng” trong thế giới của chúng tôi hơi văn thơ, hơi lãng mạn… còn cái nắng ở ngoài kia mới thực tế, mới mạnh mẽ, mới hấp dẫn. Chúng tôi biết quá rõ về cái “nắng” của chúng tôi rồi nên nó không còn hấp dẫn nữa.
Vậy quãng thời gian chị Nam tiến có phải là đi theo tiếng gọi con tim của phút giây “say nắng”?
Cuộc đời tôi có hai giai đoạn chuyển vào Nam. Giai đoạn thứ nhất là khi tôi chưa lấy chồng. Tôi theo gia đình vào Nam lập nghiệp vì lúc đó bố mẹ tôi chuyển vào TP.HCM làm việc. Khi vào Nam tôi không được làm nghệ thuật nữa mà tôi phải học nghề. Tôi học trang điểm, làm tóc… những nghề gì có thể kiếm được tiền là tôi đều học hết.
Giai đoạn thứ hai tôi chuyển vào Nam là khi tôi đã lấy chồng. Thời điểm đó, do bố chồng tôi mắc bệnh tiểu đường khá nặng đã chuyển sang giai đoạn cuối nên tôi động viên chồng chuyển vào đó để anh có cơ hội phụng dưỡng bố những ngày cuối đời.
Khi chuyển vào Nam lần thứ 2 chẳng hiểu sao tôi rất lạc quan. Tôi không bao giờ lo mình chết đói, ở đâu tôi cũng sống được. Nam tôi cũng sẽ tìm được cơ hội để làm nghề, Bắc tôi cũng tìm được cơ hội làm nghề. Không làm nghề này thì tôi làm nghề khác. Nhưng khi chuyển vào trong đó được mấy tháng thì chồng tôi lại cứ nằng nặc đòi ra vì anh ấy không hợp ở trong đó. Chúng tôi lại phải trở ra Bắc.
Chị thú nhận bước vào yêu khi mới hơn 16 tuổi và vì tình yêu đó mà chị bất chấp cả sự ngăn cản của gia đình để đến với nhau. Vậy phải chăng vì thế mà chị đã từng cố níu kéo cuộc hôn nhân ấy?
Tôi yêu anh ấy khi tôi mới hơn 16 tuổi. Bố mẹ tôi phản đối kịch liệt chuyện tôi yêu sớm và lấy chồng sớm. Cụ thể hơn là bố mẹ tôi không muốn tôi lấy anh ấy. Nhưng rồi cái duyên cái số nó vồ lấy nhau cũng chẳng thế tránh được.
Theo nghiệp cải lương nhưng lại rẽ sang kịch nói
Tại sao sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều theo nghiệp cải lương nhưng chị lại theo kịch nói?
Thực sự thì điều này rất là kỳ lạ. Tôi rất yêu cải lương. Xuất thân của tôi cũng là học cải lương ra. Thời điểm mới ra trường, tôi được phân về công tác tại Đoàn Cải lương Hà Nội, được đảm nhận toàn vai chính và cũng được đón nhận chứ không phải không.
Rồi khi sân khấu cải lương phía Bắc lụy tàn dần thì tôi quay qua đóng phim. Nhờ đóng phim mà tôi gặp được NSND Trần Nhượng. Anh Nhượng có hỏi tôi muốn về Đoàn kịch công an với anh ấy không thế là tôi về, không suy nghĩ nhiều lắm. Vì đúng là thời điểm đó, nếu về Đoàn kịch công an tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn và được thử sức ở một lĩnh vực khác. Từ đó tôi theo kịch nói cho đến tận bây giờ. Tôi cho đó là duyên, nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề.
Vậy vai diễn đầu tiên khi chị bước qua “lãnh địa” kịch nói có phải là vai sắc sảo, đanh đá, ghê gớm…?
Đúng là những vai đầu tiên trên sân khấu kịch cũng là những vai có tiếng nói sắc sảo, đanh đá, ghê gớm… Tuy nhiên, sau đó, đạo diễn nhận thấy tôi có thể phát triển ở những dạng vai khác nên cũng có phân cho tôi những vai trái chất. Tôi đã từng được đảm nhận những vai chính kịch mà “chính ơi là chính” ấy (cười).
Tôi còn nhớ, lần đó tôi được đạo diễn phân cho vai một cô nữ sinh, ngây thơ, đem lòng yêu thầy giáo… trong vở “Vồng vây cô đơn” của tác giả Hữu Ước. Khi nhận vai đó, tôi sốt xình xịch. Sốt đúng nghĩa vì không nghĩ mình có thể đảm được một vai trái chất với mình hoàn toàn. Trái từ lời thoại, tính cách, suy nghĩ… và cả ngoại hình. Cuối cùng tôi đã vượt qua được thử thách đó. Nhưng sau vai đó, tôi không ngại bất cứ một dạng vai nào hết.
Ở tuổi này rồi, cứ bước lên sân khấu là chị lại phải đanh đá, chua ngoa, sắc sảo… chị có cảm thấy nhàm chán với bản thân khi cứ lặp lại mình với một màu sắc duy nhất?
Tôi chẳng nghĩ nhiều đâu vì tôi là nghệ sỹ sân khấu. Nghề của tôi sinh ra là để thể hiện các vai diễn. Dù có lặp lại 100 lần hay 1000 lần thì vẫn cứ diễn được tốt. Nhưng sau mỗi vai diễn mình thể hiện, chúng tôi thường rút ra được những bài học để những vai diễn sau có sự sáng tạo mới mẻ hơn.
Chị đóng đinh với những dạng vai “đáng ghét” trên phim ảnh vậy đã bao giờ bị khán giả ngoài đời ghét lây?
Cái đó nhiều lắm, nhiều vô cùng. Thậm chí, có người ghét nhân vật do tôi thể hiện quá nên văng hết đủ các thể loại ngôn từ để chọc tức tôi. Chẳng hạn, vai bà Kiếu trong phim “Ma làng”, người đàn bà chuyên đong đưa trai trẻ trong làng, khi phim này phát sóng nhiều người ghét tôi lắm. Nhưng như thế tôi lại càng thích vì điều đó cũng đồng nghĩa với việc cách thể hiện của tôi đã thành công.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn