Tối 29/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng, Lễ khai mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2018 (đợt1) do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VH-TT&DL tỉnh Cao Bằng tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Cao Bằng và được tiếp sóng tới 11 tỉnh có đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan.
Đến dự Lễ khai mạc có lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và đại diện các tỉnh có đơn vị tham gia liên hoan là Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn...
Đêm khai mạc là gala nghệ thuật mang tên “Những bông hoa núi” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, diễn viên đại diện cho các vùng miền cùng biểu diễn và giao lưu với các nghệ sĩ của 12 đơn vị tham gia liên hoan.
Các tiết mục hòa tấu, hát múa, liên khúc mang đậm màu sắc của ba miền cùng sự thể hiện chuyên nghiệp, ấn tượng của các nghệ sĩ đã góp phần làm cho Lễ khai mạc tưng bừng và hoành tráng.
So với những lần tổ chức trước, liên hoan năm nay có nhiều điểm mới. Ban tổ chức quyết định chia thành 2 đợt. Đợt 1 được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng với sự tham dự của 12 đơn vị nghệ thuật phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra) gồm: Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Đoàn Nghệ thuật Ca múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn Ca múa Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong bài phát biểu khai mạc đã chia sẻ những khó khăn với các nghệ sĩ. Trong thời gian này, việc chuyển đổi, sắp xếp lại các đơn vị công lập thuộc lĩnh vực nghệ thuật theo Nghị quyết TƯ 6 đang tác động trực tiếp đến cuộc sống, công việc, tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ thế nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực, vượt mọi khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiết mục của mình, tự tin đến với liên hoan. Đồng thời Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc sẽ tiếp tục khẳng định là một thương hiệu mạnh trong các Liên hoan về nghệ thuật Ca Múa Nhạc tại Việt Nam những năm tiếp theo; là sân chơi nghệ thuật đỉnh cao mang đến nhiều niềm vui và tinh thần sáng tạo cho tất cả các nghệ sĩ.
Liên hoan năm nay diễn ra đúng vào thời điểm mưa lũ đổ về các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên... đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Thay mặt Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã phát động các đại biểu, các nghệ sĩ, khán giả Cao Bằng chung tay ủng hộ, chia sẻ về vật chất và tinh thần để đồng bào vùng lũ bớt phần khó khăn, khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống. Kết thúc đợt Liên hoan, Ban Tổ chức sẽ trao toàn bộ số tiền quyền góp được đến tận tay nhân dân vùng lũ.
Tối ngày 30/6, Đoàn Nghệ thuật Cao Bằng sẽ mở màn cho Liên hoan. Chủ đề xuyên suốt chương trình của Đoàn là “Sắc chàm miền non nước”, gồm 14 tiết mục mang đậm nét văn hóa các dân tộc tỉnh Cao Bằng, đi sâu khai thác làn điệu dân ca quê hương, phát triển tác phẩm dựa trên giai điệu Sli, Lượn, Phong Slư, Dá Hai; những điệu múa cổ truyền của các dân tộc: Dao Tiền, Lô Lô; độc tấu sáo Mông, then tính... Các tác phẩm khắc họa vẻ đẹp non nước Cao Bằng, mang âm hưởng núi rừng, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử thiêng liêng…
Hình ảnh một số nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình:
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn