Theo nghệ sĩ Đinh Trà My, những ngày cuối tuần vừa qua, khi có chuyến du lịch ở Hải Phòng, chị cùng những người đồng nghiệp của mình có đến khu du lịch Hòn Dáu ở Đồ Sơn - Hải Phòng để được tận mắt chứng kiến bộ tượng 12 con giáp “nổi tiếng” mấy ngày qua. Hiện bộ tượng này không còn mặc quần bơi, cũng không che chắn lá nho, quả nho như trước mà để nguyên như trước đây. Xung quanh khu vực đặt tượng được quây vải kín. Tuy nhiên, du khách khi đến đây vẫn được vào tham quan và chụp ảnh cùng bộ tượng chứ không bị ngăn cản.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc nên xứ lý như thế nào với bộ tượng 12 con giáp đặt ở khu du lịch Hòn Dáu - Hải Phòng, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, bộ tượng này nếu bây giờ có mời các thợ tạc giỏi nhất đến chỉnh sửa cũng sẽ không thể sửa được. Vì thế, theo họa sĩ Trần Khánh Chương là nên cất bộ tượng này vào chỗ kín.
“Theo tôi, không nên trưng bày bộ tượng 12 con giáp này kiểu như trước đây là để rải rác trong khuôn viên khu du lịch vì nói thật là bộ tượng này rất xấu. Xấu về cả ý tưởng lẫn nghệ thuật. Bây giờ nên cất bộ tượng 12 con giáp này đi để không ai nhìn thấy nữa, nhằm làm câu chuyện lắng lại, không ồn ào thêm nữa”, họa sĩ Trần Khánh Chương nói.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng mong muốn rằng, mọi người không nên gán ghép hoặc nhầm lẫn bộ tượng 12 con giáp này với các tác phẩm ở trại sáng tác Đồ Sơn. Vì các tác phẩm ở trại sáng tác Đồ Sơn do các nghệ sĩ trong nước và quốc tế sáng tác ở một thời điểm khác. Đó là những nghệ sĩ có tên tuổi và tác phẩm của họ theo nhiều đề tài khác nhau. Chính họa sĩ Trần Khánh Chương là người đã xuống trực tiếp trại sáng tác đó và chứng thực về điều này.
“Tôi nghĩ, không cần phải bàn nhiều nữa. Nghệ thuật công cộng là đưa đến cho công chúng những món ăn tinh thần, một thứ nghệ thuật đích thực. Cái gì không đạt được thì tốt nhất nên cất đi. Nó cũng giống như các tác phẩm hội hoạ, khi đưa vào triển lãm, nếu cái nào tốt người ta cho trưng bày, cái nào không tốt người ta cất đi, đó là chuyện rất bình thường”, họa sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh thêm.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương cũng cho rằng, Nghị định của Chính phủ quy định về việc giám sát các triển lãm, đặt các tượng đài ngoài trời là rất chặt chẽ nhưng tượng đài trong các khuôn viên lại không được quan tâm lắm.
“Chúng ta nên phân biệt rạch ròi giữa khuôn viên gia đình với khuôn viên công cộng. Khuôn viên gia đình thì không phải bàn bởi nó nằm trong nhà riêng của cá nhân nên tầm ảnh hưởng không đáng kể. Nhưng khuôn viên công cộng là bao gồm các không gian tôn giáo, các công viên công cộng và các khu du lịch… Những khuôn viên này dứt khoát phải có hội đồng thẩm định chứ không thể tùy tiện được.
Chúng ta cần phải bổ sung điều này vào Nghị định để đảm bảo món ăn tinh thần lành mạnh đối với số đông công chúng và không làm cho người ta có cảm giác nghệ thuật biến dạng. Việc này, trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý và quản lý nhà nước có thể bổ sung dần. Tuy nhiên, bổ sung gì thì bổ sung nhưng không hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ và sự đa dạng lẫn mới lạ trong các tác phẩm nghệ thuật công cộng”, họa sĩ Trần Khánh Chương bàn thêm về chuyện nên kiểm soát các tác phẩm tượng/biểu tượng đặt ở những vị trí công cộng.
Hoạ sĩ Đinh Công Đạt cũng cho rằng, tượng 12 con giáp đặt ở khu du lịch Hòn Dáu đó không phải tượng mà là cục đá. Và đã là cục đá thì nên hỏi công nhân vệ sinh vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghệ thuật. Cá nhân nam họa sĩ này cũng cho rằng, việc đặt tượng 12 con giáp trong khuôn viên khu du lịch Hòn Dáu là một tai nạn. Bản chất của chủ khu du lịch muốn làm đẹp cho cảnh quan và khuôn viên nhưng vì năng lực thẩm mỹ của họ chưa ở mức cao nên mới để xảy ra tai nạn đó. Và khi câu chuyện xảy ra, họ cũng đã “phục thiện” một cách rất hồn nhiên lẫn cầu thị.
Theo họa sĩ Đinh Công Đạt, tượng xấu hiện nay tồn tại khá nhiều ở các vị trí công cộng, rải rác khắp cả nước. Và nếu bộ tượng 12 con giáp này phải di chuyển “đắp chiếu cất kho” thì cũng nên xem lại hàng loạt tượng khác trên khắp cả nước. Việc xử lí tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu có thể tạo tiền lệ rằng những vật phẩm văn hóa gây ô nhiễm văn hóa nên coi là rác, cần xử lý triệt để.
“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên nhìn rộng ra và làm công bằng hơn chứ không nên chỉ chăm chăm vào sản phẩm ở Hòn Dáu”, họa sĩ Đinh Công Đạt nói.
Trước đó, ngay sau khi bộ tượng 12 con giáp ở khu du lịch Hòn Dáu vấp phải những phản ứng của dư luận, Sở Du lịch Hải Phòng đã ngay lập tức đưa ra 3 yêu cầu để chủ vườn tượng lựa chọn: Một là chuyển toàn bộ 12 pho tượng trên ra khỏi khu vực tham quan; Hai là gọi thợ đến chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm của tượng sao cho phù hợp; Ba là mặc quần áo nghiêm chỉnh cho tượng.
Chủ của vườn tượng là ông Hoàng Văn Thiềng đã chọn phương án mặc quần - váy cho tượng. Tuy nhiên, cách làm này đã khiến dư luận “nóng máu” hơn nên chủ vườn tượng lại dùng nho giả - lá nho giả che chắn bộ phận nhạy cảm đồng thời gắn biển cấm trẻ em dưới 18 tuổi đến xem tượng.
Cách khắc phục này lại tiếp tục tạo ra “cơn bão” chỉ trích mạnh mẽ hơn trước. Để vừa lòng dư luận, ông Hoàng Văn Thiềng hứa thời gian tới sẽ cho di chuyển các bức tượng trên vào khu vực riêng, có rào chắn và biển quy định độ tuổi vào tham quan. Mặt khác, sẽ nghiên cứu thêm việc đóng khố hoặc che chắn cho các bức tượng bằng lá cây để đỡ gây phản cảm.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn