Đến với con đường diễn giả văn hóa vì ngưỡng mộ GS Trần Văn Khê
Anh Hồ Nhựt Quang (sinh năm 1976, ở làng Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), là một hướng dẫn viên du lịch nhưng cũng là một diễn giả văn hóa hoạt động sôi nổi và tích cực tại TPHCM.
Năm 1995, lần đầu tiên anh được nghe Giáo sư Trần Văn Khê diễn thuyết tại trường Đại học KHXH&NV. Từ sự ngưỡng mộ, anh ước mơ có thể trở thành một diễn giả về văn hóa để tiếp nối phần nào vào việc vinh danh văn hóa và nghệ thuật cổ truyền dân tộc.
May mắn thay, anh đã gặp gỡ, tiếp xúc và được cố giáo sư Trần Văn Khê chia sẻ hai phương pháp nghiên cứu “trực quan sinh động để lưu ký ức” và “phương pháp so sánh - đối chiếu” để phát triển con đường diễn giả văn hóa.
Từ khi Giáo sư Trần Văn Khê qua đời vào năm 2015, cho đến nay anh vẫn tiếp tục duy trì và phát triển CLB theo di nguyện của thầy mình. Anh chia sẻ, những năm tháng cuối đời, giáo sư Khê vẫn canh cánh bên lòng về việc giữ gìn văn hóa Việt Nam. Và dù ở trên giường bệnh, giáo sư Khê cũng không quên những việc mà mình cần phải làm để giúp thế hệ tiếp nối giữ gìn văn hóa. Chính vì điều đó, khi biết thầy sắp ra đi, anh đã hứa với thầy, nguyện đi theo con đường của thầy, tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ những điều tốt đẹp của văn hóa và nghệ thuật nước nhà.
Anh kể trong xúc động: “Khi đó, đôi mắt thầy nhắm nghiền nhưng tay lại để vào lòng ngực ra hiệu rất vui. Cho đến bây giờ, khi nhớ đến hình ảnh đó, tôi không thấy mình bị áp lực hay mệt mỏi gì khi làm nghiên cứu và vinh danh văn hóa, vì cứ như thầy vẫn luôn dõi theo các học trò thân yêu của mình”.
5 năm vẫn duy trì CLB bằng tiền túi của mình
CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã hoạt động được 5 năm. Trong suốt thời gian qua, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút rất nhiều nhà học giả, nghiên cứu và các bạn trẻ yêu văn hóa, nghệ thuật cổ truyền đến tham dự như: Vinh danh đàn ca tài tử cải lương cho hướng dẫn viên; vinh danh ẩm thực, trang phục, lễ giáo Nam bộ qua thơ ca; độc đáo nghệ thuật khóc cười trên sân khấu; Tết xưa của Nam bộ; chuyên đề về hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm sân khấu miền Nam; tinh thần tôn sư trọng đạo xưa và nay... Mỗi câu chuyện văn hóa đều được diễn giả Hồ Nhựt Quang lồng ghép vào thực tế bằng các trích đoạn, tuồng cổ...
Với tư cách là chủ nhiệm CLB, anh quản lý và lo tài chính, xây dựng kịch bản, phân công nhân sự, chuẩn hóa nội dung trang phục, đạo cụ và thiết kế chương trình phù hợp theo mỗi chủ đề.
Nói về những khó khăn trong việc duy trì phát triển CLB, anh Hồ Nhựt Quang cho biết: “Cái khó khăn nhất là thời gian không có nhiều, do tôi phải đi công tác nhiều nơi trong ngành thông dịch và văn hóa du lịch. Khó khăn thứ hai là chi phí trang trải cho tổ chức sự kiện, nhưng tôi thường tự trích phần tiền lao động tích lũy có được để tổ chức. Có những lúc khó khăn nhưng tôi cũng cố gắng xoay sở được”.
Anh cho rằng mình may mắn khi có công việc tốt và phù hợp với những gì đã nghiên cứu. Thu nhập cũng đủ để trang trải cuộc sống và trích ra để làm chương trình văn hóa. “Lúc đầu tôi cũng sợ mình chi tiêu vào những việc đâu đâu nhưng rồi suốt hơn 5 năm qua tôi thấy vẫn ổn định và vững chãi, vượt qua tất cả khó khăn”, anh trải lòng.
Anh chia sẻ thêm, khó khăn thì có nhưng bế tắc thì chưa từng. “Vì mỗi lần có cảm giác khó khăn thì nhớ đến thầy, cầu nguyện thầy thì như được an ủi, vượt qua được hết. Thầy chính là nguồn động lực rất lớn cho tôi học hỏi và phấn đấu”.
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - người gắn bó với anh Hồ Nhựt Quang trong các hoạt động của CLB để đưa văn hóa Việt đến với rộng rãi công chúng. Chia sẻ về diễn giả Hồ Nhựt Quang, chị nói: “Anh Quang là một người ngoại đạo nhưng anh lại có một niềm say mê đối với văn hóa dân tộc nói nói chung và âm nhạc của miền Nam nói riêng. Tôi rất ngưỡng mộ anh Quang với sự học hỏi, tìm tòi và cố gắng để có thể lan tỏa tri thức về văn hóa của miền Nam. Anh viết nhiều trích đoạn, tiểu phẩm cải lương cho các bạn sử dụng và phù hợp với những chương trình CLB biểu diễn để không gặp khó khăn về chuyện bản quyền và xin giấy phép”.
Chị tiết lộ, có nhiều nơi đi diễn không có kinh phí, thù lao thì anh Quang là người "đứng mũi chịu sào" lo hết. Anh Quang và những người bạn đã giúp đỡ để CLB duy trì hoạt động trong 5 năm qua và không để mọi người cảm thấy mình khó khăn. “Dù có người xin tài trợ nhưng đi kèm yêu cầu điều kiện khiến chương trình không giữ gìn được bản sắc mong muốn anh sẽ không nhận”, chị nói.
Chưa lập gia đình vì cần người thông cảm với công việc “bao đồng”
Năm nay đã ngoài 40 nhưng anh Hồ Nhựt Quang vẫn chưa lập gia đình. Vì công việc cứ bay liên tục, chưa ổn định nên anh cũng chưa tính đến chuyện mái ấm cho riêng mình.
Khi được hỏi, liệu anh có nghĩ rằng để làm được những việc này, anh phải hy sinh cuộc sống cá nhân vì phải toàn tâm và toàn ý cho đam mê của mình mà không bị phân tâm. Anh nói: “Vì thầy đã tâm huyết cả một đời cho việc nghiên cứu bảo tồn văn hóa dân tộc mà tôi lại được thầy trao cho một gánh rất nhỏ mà không làm được thì có lỗi lắm. Tôi quyết tâm hơn và không để phụ lòng thầy”.
Ngoài ra, lý do quan trọng nhất chính là anh sợ mình khó tìm người đồng cảm với việc làm của mình đang làm. “Tôi rất cần sự thông cảm của ai đó. Còn đối với gia đình thì ba mẹ cũng hối thúc lắm, các em thì sợ sau này lớn tuổi không ai lo. Nhưng khi thấy tôi dành thời gian, tâm huyết cho nghiên cứu văn hóa dân tộc, thấy báo đài hay đăng tin nên ba mẹ cũng hiểu và cảm thông hơn”.
Điều khiến anh canh cánh bên lòng là chưa đưa chương trình vinh danh văn hóa đến toàn quốc và việc chưa thể xây dựng bảo tàng văn hóa Nam Bộ, theo di nguyện của thầy mình. Hiện anh đang trong quá trình sưu tầm và tích hợp cả hiện vật và tư liệu về văn hóa Nam bộ.
“Nhà giờ giống như cái kho vậy. Nhưng tôi vui vì có thể mang các vật dụng đó đến các buổi trình bày làm một minh chứng sâu sắc hơn”, anh hài hước chia sẻ.
Đối với công việc hiện tại đang làm, anh tâm niệm: “Văn hóa Việt Nam là sức sống của con người Việt Nam, mất văn hóa thì cũng như thể xác vô hồn. Chúng ta cùng nhau gìn giữ văn hóa bản sắc đó để mảnh đất Việt Nam ta nơi nào cũng có sức sống, nơi nào cũng có nghị lực, kiên cường và luôn xứng đáng con cháu Rồng Tiên, vẻ vang với nhân loại”.
Băng Châu
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn