Cuộc đời bi kịch của giọng ca nữ huyền thoại Karen Carpenter

Thứ bảy - 14/12/2019 17:07
(Dân trí) - Giọng hát êm dịu đầy chất tự sự của Karen Carpenter đã quyến rũ hàng triệu người nghe nhạc hồi thập niên 1970. Cho tới giờ, giọng hát ấy vẫn còn sức hấp dẫn mê hoặc, nhưng đằng sau sự nghiệp của một nữ ca sĩ thành công là một cuộc đời đoản mệnh nhiều đau đớn và rối loạn.
Cuộc đời bi kịch của giọng ca nữ huyền thoại Karen Carpenter

Trong cuốn tiểu sử “Little Girl Blue” của tác giả Randy Schmidt, cuộc đời ngắn ngủi của Karen đã được phác họa lại rất đầy đủ

Luôn khao khát có vóc dáng mảnh dẻ khi đứng trên sân khấu, luôn khao khát làm hài lòng người mẹ có phần yêu chuộng người anh trai Richard Carpenter hơn mình, Karen Carpenter (1950-1983) là nghệ sĩ nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử âm nhạc qua đời vì hội chứng biếng ăn.

Trong cuốn tiểu sử “Little Girl Blue” của tác giả Randy Schmidt, cuộc đời ngắn ngủi của Karen đã được phác họa lại rất đầy đủ thông qua những chia sẻ của người thân, bạn bè. Cuốn sách đã từng được tờ New York Times (Mỹ) đánh giá là gợi lại “một trong những câu chuyện buồn nhất trong lịch sử nhạc pop”.

Nhóm Carpenters là một trong những nhóm nhạc thành công nhất trong lịch sử nền công nghiệp âm nhạc Mỹ. Trong khoảng thời gian từ năm 1970 tới 1984, hai anh em Richard và Karen Carpenter đã tạo ra hàng loạt bản hit như “Goodbye to Love”, “Yesterday Once More”, “Close to You” và “Rainy Days and Mondays”.

Nhóm ăn khách “khủng khiếp” trên thị trường, nhận về vô số giải thưởng âm nhạc. Giọng hát êm dịu và sâu lắng của Karen cùng những giai điệu nhẹ nhàng truyền cảm do Richard sáng tác đã trở thành đối trọng trên thị trường âm nhạc, khi thể loại nhạc rock đang thắng thế lúc bấy giờ. Nhóm đã bán được hơn 100 triệu đĩa hát trên khắp thế giới.

Richard là động lực âm nhạc của nhóm The Carpenters, còn giọng hát của Karen chính là đòn bẩy để tạo nên thành công của nhóm. Karen Carpenter là một trong những nữ ca sĩ đình đám nhất của thị trường âm nhạc quốc tế thập niên 1970-1980.

Cuộc đời bi kịch của giọng ca nữ huyền thoại Karen Carpenter - Ảnh minh hoạ 2

Có một sự khác biệt đau xót giữa hình ảnh của Karen khi đứng trước công chúng và đời sống riêng tư của cô

Nhưng có một sự khác biệt đau xót giữa hình ảnh của cô khi đứng trước công chúng và đời sống riêng tư của cô. Sau sân khấu, cả cuộc đời mình, Karen luôn cảm thấy buồn bã vì cô không nhận được nhiều sự yêu thương, quan tâm từ mẹ giống như người anh trai Richard.

Karen luôn phải vật lộn với sự thiếu tự tin, những bất ổn tâm lý thường trực, cuối cùng, điều đó phát triển trở thành chứng biếng ăn nguy hiểm mà cô không bao giờ chữa khỏi. Sau cùng, cô đã qua đời ở tuổi 32 chính vì căn bệnh này.

Hồi năm 1996, trong một bài báo đăng tải trên New York Times, nhà báo Rob Hoerburger đã từng tóm tắt cuộc đời Karen trong những câu chữ như sau: “Nếu chứng biếng ăn cho thấy sự vật lộn của một người phụ nữ trong việc kiểm soát chính mình, vậy thì Karen là một ứng viên đầu bảng. Có hai điều cô đánh giá cao nhất trong cuộc đời, đó là giọng hát của mình và tình yêu thương của mẹ.

“Nhưng cả hai điều đó đều đòi hỏi cô phải san sẻ ít nhiều với người anh trai Richard. Sau cùng, cô chỉ có thể kiểm soát cân nặng của chính mình…”. Và Karen đã kiểm soát đến mức trở thành cơn ác mộng đối với sức khỏe của cô, năm 1975, cân nặng của Karen chỉ còn 41kg, cô cao 1m63.

Sự ám ảnh của Karen đối với vóc dáng mảnh mai bắt đầu từ sau khi cô tốt nghiệp trung học và theo đuổi một chế độ ăn kiêng khắt khe dù cô chưa bao giờ thừa cân. Thời điểm cân nặng cao nhất của Karen là khi cô 17 tuổi, lúc đó Karen nặng 66kg.

Cuộc đời bi kịch của giọng ca nữ huyền thoại Karen Carpenter - Ảnh minh hoạ 3

Nhóm Carpenters là một trong những nhóm nhạc thành công nhất trong lịch sử nền công nghiệp âm nhạc Mỹ

Việc ăn kiêng nghiêm ngặt cộng thêm sự khó ăn của Karen từng được chính cô chia sẻ hồi năm 1973: “Khi tôi đang trên đường lưu diễn, tôi cảm thấy khó ăn, rất khó để có thể ăn ngon. Tôi không thích ăn trước khi biểu diễn bởi tôi không thể hát với cái dạ dày chật ních... Tôi cũng thường không có thời gian ăn tối cho tới tận nửa đêm, nhưng lúc này nếu ăn nhiều thì lại khó ngủ và tăng cân”.

Karen từng rất buồn khi nhìn thấy những bức ảnh được chụp hồi năm 1973 tại một buổi biểu diễn, những góc ảnh không tôn dáng, cộng thêm trang phục không phù hợp, đã làm vòng eo của cô khi ấy trở nên bị khuếch đại. Ngay lập tức, cô thuê huấn luyện viên thể hình, ăn kiêng tích cực, nhưng rồi cô lại tăng cân và quyết định sẽ tự làm theo cách của riêng mình để giảm cân.

Karen thực hiện được mục tiêu, hình thể của cô đẹp trở lại, nếu cô có thể dừng lại ở đó thì mọi thứ đã rất tốt đẹp. Nhưng Karen đã bị vướng vào một vòng quay không ngừng lại được nữa, cô vẫn muốn tiếp tục giảm cân thêm nữa, cô đếm từng calo tiêu thụ, lên kế hoạch kỹ lưỡng cho từng bữa ăn…

Gia đình, bạn bè, người anh trai Richard đều bắt đầu lo ngại khi chứng kiến Karen thay đổi thói quen ăn uống đến mức trở nên khắt khe. Cô luôn khéo léo tiếp đồ ăn từ đĩa của mình sang cho mọi người, khi bữa ăn kết thúc, đĩa của Karen hết đồ, nhưng kỳ thực cô chẳng ăn gì mấy.

Mọi người bắt đầu nhận ra “kịch bản” của Karen và họ tìm cách chuyển lại đồ ăn sang đĩa của cô, để cô chịu ăn, nhưng Karen lại bắt đầu tìm các cách khác để thoái thác việc ăn uống.

Cuộc đời bi kịch của giọng ca nữ huyền thoại Karen Carpenter - Ảnh minh hoạ 4

Gia đình, bạn bè, người anh trai Richard đều bắt đầu lo ngại khi chứng kiến Karen thay đổi thói quen ăn uống đến mức trở nên khắt khe

Khi cân nặng của cô giảm xuống còn 41kg, Karen bắt đầu che giấu việc mình gầy gò thái quá, cô bắt đầu mặc quần áo rộng, mặc nhiều lớp quần áo. Điều này được cô tiến hành từ năm 1975. Người quản lý của nhóm - ông Sherwin Bash - đã lờ mờ nhận ra điều này.

Nhưng chỉ tới khi một người bạn của gia đình - cô Evelyn Wallace - cùng Karen tắm nắng trong vườn nhà, câu chuyện về vóc dáng tiều tụy của Karen mới bắt đầu trở nên đáng báo động. Người quản lý Sherwin Bash bắt đầu phải thiết kế lại phục trang biểu diễn cho Karen vì cô đã quá gầy.

Khán giả nhận ra điều bất thường, họ tiếp cận ông Sherwin Bash để hỏi về tình hình sức khỏe của Karen. Bắt đầu có những tin đồn về việc cô mắc bệnh. Các tờ tin tức cũng không bỏ qua điều này.

Không ai hiểu nổi tại sao Karen không chịu ăn. Đối với những người xung quanh cô, giải pháp đơn giản là khuyến khích cô ăn nhiều hơn. Thời ấy, sự nguy hiểm của chứng biếng ăn chưa được biết đến, người ta không hiểu rằng việc ăn uống vốn dĩ đơn giản, nhưng lại trở thành thách thức đối với người mắc bệnh, người ta chỉ biết tiếp nhiều đồ ăn vào đĩa của Karen mà thôi.

Nữ ca sĩ dần xuống sức, thậm chí kiệt sức nằm một chỗ trong giờ nghỉ giải lao giữa các phần biểu diễn. Vấn đề cân nặng của Karen đã được đưa ra rất nhiều lần trong nội bộ gia đình và ê-kíp cộng tác, nhưng sau cùng, họ vẫn muốn đó là vấn đề để riêng gia đình tự giải quyết.

Cuộc đời bi kịch của giọng ca nữ huyền thoại Karen Carpenter - Ảnh minh hoạ 5

Không ai hiểu nổi tại sao Karen không chịu ăn. Đối với những người xung quanh cô, giải pháp đơn giản là khuyến khích cô ăn nhiều hơn

Người quản lý của nhóm - ông Sherwin Bash - nhận định: “Khi Karen ăn kiêng thái quá, cả gia đình bắt đầu lo cho cô, đặc biệt là mẹ. Karen luôn cảm thấy mình không nhận được nhiều sự quan tâm của mẹ bởi mẹ đặc biệt yêu thương anh trai Richard của cô, nên cô càng ham muốn nhận được nhiều sự quan tâm của mẹ.

“Các chuyên gia sức khỏe cũng nhận định rằng một trong những lý do khiến các cô gái trẻ thường bị mắc chứng biếng ăn, đó là vấn đề tâm lý, thường đó là những cô gái không nhận được nhiều sự quan tâm của gia đình, và khi họ sụt cân mạnh, họ bỗng nhận được sự quan tâm, lo lắng của người thân mà trước đó họ vốn cảm thấy thiếu thốn”.

Đến năm 1975, sức khỏe của Karen đã xuống cấp tới mức không thể ngó lơ được nữa. Cả thể chất và tinh thần của cô đều kiệt quệ, cô buộc phải nhập viện.

Trong chia sẻ với báo chí, bác sĩ điều trị Robert Koblin khi ấy cho hay: “Karen bị suy kiệt thể chất, tinh thần nghiêm trọng. Cô ấy có lịch làm việc dày đặc nhưng tôi không thể cho phép cô ấy tiếp tục. Theo ý kiến của tôi, điều này là rất nguy hiểm cho sức khỏe lâu dài của cô ấy”.

The Carpenters - Yesterday Once More

Các vé đã bán ra buộc phải hoàn tiền cho công chúng. Với sự theo dõi chặt chẽ của mẹ - bà Agnes Carpenter, Karen bắt đầu ngủ 14-16 tiếng/ngày. Chia sẻ với người viết tiểu sử Ray Coleman khi ấy, Karen nói: “Mẹ tôi nghĩ rằng tôi sắp chết. Tôi thường xoay xở với 4-6 tiếng ngủ mỗi đêm. Rõ ràng trong những năm qua, tôi đã chạy đua với thời gian một cách đầy tiêu cực”.

Lúc này, cân nặng của Karen tăng lên 47kg. Trong vòng 5 năm sau đó, Karen vẫn tiếp tục vật lộn với chứng biếng ăn và đôi khi là chứng... cuồng ăn. Người anh trai Richard thì phải vật lộn cai nghiện thuốc an thần. Năm 1980, sau nỗ lực không thành công để khởi động sự nghiệp ca hát solo, Karen quyết định đính hôn với một doanh nhân bất động sản có tên Tom Burris.

Người đàn ông 39 tuổi có tên Tom Burris đáp ứng nhiều tiêu chí mà Karen đặt ra đối với một vị hôn phu. Một người bạn gái của Karen có tên Carole Curb nhận định: “Anh ta bảnh bao, lịch thiệp và có vẻ hào phóng”. Hai tháng sau khi bắt đầu mối quan hệ, Burris đã cầu hôn Karen.

Cặp đôi dự định đính hôn trong vòng một năm rồi sẽ cưới, nhưng kế hoạch bị “nhảy cóc” khi họ nhanh chóng muốn tổ chức hôn lễ. Sự vội vàng tổ chức hôn lễ khiến gia đình, bạn bè của Karen một lần nữa cảm thấy bất an về cô.

The Carpenters - Close to you

Một người bạn gái có tên Itchie Ramone nhớ lại: “Đó là khi mọi người bắt đầu cảm thấy có gì không ổn”. Chỉ vài ngày trước khi diễn ra hôn lễ, Burris đưa ra một tin sét đánh đối với Karen: Anh ta đã thắt ống dẫn tinh trước khi quen biết Karen. Cô như bị “chết điếng”.

Burris nói anh ta sẽ tới gặp bác sĩ để đảo ngược tình thế, nhưng rõ ràng cơ hội để họ tiến tới gây dựng một gia đình đã sụp đổ. Karen cảm thấy mình bị lừa dối. Burris đã nói dối cô, anh ta không đưa ra đầy đủ thông tin trong thời gian họ hẹn hò và đính hôn, Burris biết rằng có được một gia đình của riêng mình chính là ưu tiên hàng đầu của Karen khi ấy. Lễ cưới ngay lập tức bị hoãn.

Karen gọi điện cho mẹ và bật khóc giải thích lý do khiến cô phải hoãn lễ cưới. Nhưng bà Agnes cho rằng con gái bà không nên và không thể làm như vậy...

Còn tiếp...

Bích Ngọc

Theo The Guardian/New York Times

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây