Được xây dựng vào năm 1776 do bà Trần Thị Đạo (vợ của Khâm sai, Chủ sự Hoàng cung, Tổng chỉ huy bộ binh và thủy binh, Tổng đốc của ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền tại Huế, Nhất trụ triều đình và tước Hầu) đóng góp tiền của làm cầu để tích phước đức, cầu ngói Thanh Toàn theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu) có chiều dài 17m, chiều rộng 4m, chia làm 7 gian.
Trên cầu có mái che, lợp bằng ngói ống tráng men. Hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để người dân, du khách đến vãn cảnh ngồi dựa lưng nghỉ ngơi. Dưới chân cầu là hàng trụ gỗ lim rất chắc chắn và có giá trị. Đến nay cây cầu này đã có tuổi đời 245 năm.
Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Năm 1990, cầu ngói Thanh Toàn ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hoá cấp bằng công nhận là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 575QÐ/VH ngày 14/7/1990.
Sau khi mất 2 năm để làm thủ tục, vào những ngày đầu tháng 4/2020, cây cầu đã được hạ giải gần như hoàn toàn để trùng tu, phục hồi theo dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn”. Dự án có tổng kinh phí 10,3 tỷ do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần tu bổ Di tích Huế thuộc Hiệp hội Di sản quốc gia.
Thời gian dự kiến làm 300 ngày, đến tháng 1/2021 sẽ kết thúc.
Làm việc với sáng 17/4, ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã Hương Thủy cho biết, quá trình thực hiện dự án đã lấy ý kiến các nhà Huế học và người dân rồi tổ chức Hội thảo. Đây là lần đầu tiên một công trình văn hóa di tích cấp quốc gia được giao cho cấp địa phương làm nên Ban sẽ tiến hành công việc nghiêm túc.
“Qua lấy ý kiến Cục Quản lý Di sản, rồi trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt 2018 và thông qua ý kiến Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ tận dụng kết cấu gốc, chỉ thay thế những bộ phận hư hỏng. Trước tiên phải hạ giải xong, đánh giá, xem cấu kiện nào dùng được, cái nào cần thay thế, cái nào hư thì đưa vào bảo tàng, cái nào phục hồi thì phục hồi lại.
Có một cấu kiện khá phức tạp là dàn kèo ở cây cầu ngói này chỉ thợ bậc cao mới tháo được. Việc lắp vào khó nhưng tháo ra còn khó hơn. Tiếp đến, hệ thống cột nằm âm dưới nước bị bào mòn qua thời gian, trước đây chúng tôi muốn làm bằng bê tông nhưng qua các cuộc họp đã thống nhất làm bằng gỗ. Chất liệu gỗ hồi xưa như thế nào thì nay thay lại như thế ấy. Riêng phần đắp men sứ sành, lúc trước do thợ địa phương làm không đẹp lắm, hy vọng qua lần hạ giải trùng tu này sẽ đẹp và sắc sảo hơn” - ông Thành nói.
“Được biết lần gần đây nhất vào năm 1986 cầu ngói Thanh Toàn được đại trùng tu. Tuy nhiên ngân sách thời điểm đó ít và giao cho xã Thủy Thanh cùng người dân làm nên nhiều cái chưa chuẩn. Năm 1992 mái ngói được thay mới bằng ngói thanh lưu ly của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tài trợ. Chưa kể các cột mốc trùng tu vào năm 1917 rồi trước đó nữa, do qua nhiều giai đoạn nên đánh giá vật liệu gốc khó.
Chúng tôi sẽ cải tạo theo đúng nguyên trạng, tận dụng lại các vật liệu có thể và cố gắng hoàn thành cơ bản cuối tháng 8/2020 cho kịp Festival Huế 2020” - ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã Hương Thủy cho biết thêm.
Những hình ảnh do PV ghi lại quá trình hạ giải cây cầu ngói Thanh Toàn:
Đại Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn