Nếu “thả cửa” cho con xem gameshow sẽ làm hại con
Mùa hè là mùa mà con trẻ được nghỉ ngơi sau 9 tháng theo học tại trường. Thời gian này, các con sẽ được bố mẹ “thả cửa” cho vui chơi, thư giãn, làm những điều mình yêu thích… Lợi dụng tâm lý đó, nhiều nhà sản xuất ồ ạt tung ra hàng loạt gameshow truyền hình để “tận thu” trước khi mùa hè kết thúc.
Có thể điểm qua một loạt các gameshow dành cho đối tượng nhí đang phát sóng trên sóng truyền hình như: Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sinh ra để toả sáng… trên VTV; Biệt tài tí hon, Thần tượng tương lai, Thử tài siêu nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí… trên một số đài địa phương.
Ngoài ra, một số chương trình mang tính truyền cảm hứng và dạy kỹ năng được thực hiện theo mô hình gameshow truyền hình cũng rục rịch phát sóng như: Những hộp quà xinh (ca nhạc), Ống dòm nhí (sân khấu), Vườn sao mai (dành cho tuổi teen), Mỗi ngày một điều hay, A, bạn đây rồi (thiếu nhi), Nào ta cùng vui (mẫu giáo) phát sóng trên HTV; Cùng nhún nhảy (truyền cảm hứng vận động), Cuốn sách của em (truyền cảm hứng đọc sách), Trường teen (phát triển việc tranh tài - hùng biện của học sinh), Sáng tạo 102 (dạy thủ công sáng tạo)… phát sóng trên VTV7.
Có thể nói, gameshow truyền hình hoặc chương trình tương tác dành cho khán giả nhí ở thời điểm hiện tại nhiều gấp đôi chương trình dành cho người lớn. Mở bất kỳ kênh nào, đài nào, giờ nào… con trẻ cũng có thể “đụng” phải gameshow truyền hình, khó lòng thoát khỏi.
Không phủ nhận, sự đa dạng và phong phú của các gameshow truyền hình ngày nay, đặc biệt là các chương trình tương tác mang tính truyền cảm hứng hoặc dạy kỹ năng… giúp cho con trẻ có được kênh giải trí để thư giãn trong những ngày hè và mở rộng tầm hiểu biết ở nhiều lĩnh vực. Các ông bố bà mẹ vì thế mà yên tâm hơn vì không phải theo sát con trong từng ngày, từng giờ…
Tuy nhiên, không hẳn gameshow truyền hình nào cũng xuất phát từ “thiện tâm” mang đến cho con trẻ những điều bổ ích, lý thú, thư giãn… Nhiều gameshow truyền hình đặt nặng tính thương mại, bỏ qua tính giải trí, đẩy kịch tính lên đỉnh điểm, nặng nề chuyện thắng thua… nên chưa hẳn cho con trẻ xem đã có lợi.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, ngày nay, tivi, ipad, smartphone... nhà nào cũng có sẵn nên con trẻ dễ dàng tiếp cận được với các thể loại gameshow truyền hình hoặc gameshow trực tuyến. Nếu người lớn có sự định hướng cho con trẻ trong việc xem gameshow thì gameshow sẽ là “cuốn sách” bổ ích cho đời sống của trẻ. Ngược lại, nếu vì bận rộn nên “thả cửa” cho con trẻ suốt ngày gián mắt vào màn hình tivi hoặc điện thoại sẽ làm hại con. Khoa học đã chứng minh, nếu dành quá nhiều thời gian cho tivi cũng sẽ tạo nên những ức chế về thần kinh và thị giác.
“Trẻ em luôn cần phải được vận động, tương tác, trải nghiệm... nếu cứ để cho các con “nướng” cả mùa hè với các gameshow sẽ khiến con bị thụ động và ảnh hưởng sức khoẻ. “Đừng để gameshow truyền hình lấy hết ngày hè của con trẻ” là điều tôi vẫn hay khuyên các phụ huynh khi tư vấn cho họ”, PGS Huỳnh Văn Sơn nói.
Nến để con có những ngày hè ý nghĩa
Không chỉ ở khía cạnh xem, các gameshow truyền hình dành đối tượng người chơi là thiếu nhi cũng tác động không nhỏ đến con trẻ. Điều dễ nhận thấy là phần lớn các gameshow truyền hình nhí ngày nay khai thác triệt để khả năng của các cô bé, cậu bé đang tuổi ăn tuổi học. Ngoài ca hát, nhảy múa, diễn kịch, dẫn chương trình, nấu ăn... người ta còn “săn lùng” các biệt tài lạ hơn như: diễn thuyết, tấu hài, làm xiếc, khả năng đặc biệt… thậm chí còn cho trẻ con đi huấn luyện ngược lại người lớn. Và mang tiếng là “sân chơi” nhưng thực chất các gameshow lại là những “chiến trường” khốc liệt. Ở đó, các con sẽ mang áp lực tâm lý của một “chiến binh”, bằng mọi giá phải chiến thắng, không được thua. Thế nên nước mắt con trẻ rơi trên truyền hình vì sụp đổ, thất vọng, hoang mang, hối tiếc, ấm ức… ngày càng trở nên phổ biến.
Chia sẻ trên truyền thông, bố của bé Minh Khang (cậu bé được phong “thánh nói”, "giáo sư biết tuốt" trong “Biệt tài tí hon) cho biết, con mình mất nhiều hơn được sau khi tham gia “sân chơi” này. Từ thời gian ghi hình trễ, những lần bị kích thích nói nhiều trên sân khấu cho tới lúc nhận giải Ba đầy sự phân biệt đối xử. Anh cảm thấy ân hận vì cho con mình tham gia gameshow này và tự hứa sẽ không cho con tham gia gameshow nào nữa vì quá cực nhọc.
Nhạc sỹ Thanh Bùi từng thảng thốt: “Nhìn tuổi thơ và sự hồn nhiên của một đứa bé bị mất đi khi phải bước chân vào một chương trình truyền hình quả thật rất tội nghiệp và rất thiệt thòi. Nhiều em còn có hiện tượng “chạy show”, bên này chưa đậu sẽ chạy sang cuộc thi khác”.
Nam nhạc sỹ này cho rằng, chính những gameshow truyền hình đang định hướng “ảo” cho cả phụ huynh lẫn con trẻ. Vì thế, anh nghĩ là đã đến lúc phải dừng tất cả các cuộc thi tìm kiếm tài năng để con trẻ được vui chơi, được sống đúng tuổi thơ, được học hỏi cơ bản và định hướng bản thân…
“Thị trường Việt Nam quá nhỏ thì tài năng không thể nào đủ để đáp ứng cho hàng loạt cuộc thi được. Việc ra đời quá nhiều chương trình truyền hình giải trí kiểu sau một thời gian ngắn từ zero trở thành hero (từ số không trở thành ngôi sao) là phản giáo dục, phản khoa học”, nhạc sỹ Thanh Bùi nhấn mạnh.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn bày tỏ, giúp con trẻ được vùng vẫy trong một sân chơi lành mạnh là điều mong muốn của hầu hết các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, một khi các gameshow truyền hình nâng mục đích thương mại thành đích đến thì đó lại là một lo ngại lớn.
“Phụ huynh cần biết kiểm soát bản thân, điều chỉnh mục tiêu và bảo vệ con mình trong những cơn “cuồng phong” của gameshow là điều cần làm. Theo tôi, các con chỉ có được tối đa 3 tháng hè, tối thiểu là 1 tháng… vì thế nên để con được thư giãn đúng nghĩa. Việc tham gia gameshow truyền hình, nhìn qua, đúng là con đang được trải nghiệm, đang được tương tác, đang có cơ hội bộc lộ tài năng… nhưng căng thẳng, áp lực, mệt mỏi... cũng song hành. Có trẻ còn mất dần đi sự ngây thơ, định hướng cuộc sống theo một kiểu mới thiếu cân bằng, tiêu cực… ” , PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn