Làm hài tết giá rẻ để quảng cáo là chính?
Sự phát triển của mạng xã hội đã góp phần “phá vỡ” sự khan hiếm của các thể loại hài tết kéo dài nhiều năm. Nếu trước đây, mỗi năm chỉ có khoảng 5 - 6 đĩa hài tết được tung ra thị trường miền Bắc thì nhiều năm trở lại đây hài tết tràn lan trên mạng xã hội lẫn sạp băng đĩa.
Việc người người, nhà nhà đua nhau làm hài tết đã góp phần làm cho thị trường hài tết trở nên đa dạng với nhiều chủng loại. Từ hài dân gian, hài hiện đại, hài hành động - võ thuật cho đến hài quảng cáo… Tuy nhiên, việc nhà nhà - người người đua nhau làm hài cũng khiến cho thị trường hài tết trở nên “vàng thau lẫn lộn”.
Trong đó, hài đúng nghĩa mang đến tiếng cười dí dóm, ý nhị, thâm thuý… ngày càng ít đi mà hài nhảm với mục đích quảng cáo xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là những phim hài do một số doanh nghiệp bỏ tiền ra làm với mục đích quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm… là chính. Những phim hài này có đặc điểm chung là làm với kinh phí thấp, thời gian quay cực ngắn, kịch bản không có sự đầu tư và quảng cáo vô cùng lộ liễu.
“Một số doanh nghiệp chỉ thích sản phẩm hoặc thương hiệu của mình được mô tả trực diện, cụ thể và đầy đặn thông tin trong phim hài tết. Trong khi đó, đạo diễn không thể làm như thế vì làm thế sẽ biến đĩa hài thành một TVC quảng cáo chứ không còn là hài nữa. Đó là lí do khiến nhiều doanh nghiệp hoặc đơn vị tư nhân tự bỏ tiền ra, thuê ê-kíp làm phim hài sản xuất nhưng mục đích chủ yếu là để quảng cáo”, nghệ sĩ Vượng “râu” nói.
Đạo diễn Trần Bình Trọng cũng bày tỏ: “Một số đơn vị doanh nghiệp thay vì bỏ tiền thuê các nhà sản xuất phim thì nay họ cũng tự sản xuất phim, trong đó có cả những đơn vị, cá nhân không có chức năng sản xuất phim cũng tham gia vào việc này khiến cho chất lượng nhiều phim hài tết xem mà “tức” nhiều hơn là “vui”. Có vẻ như quản lý nhà nước chưa công bằng lắm”.
Thực tế, năm ngoái, một số phim hài tết như: “Tam nam bất bần”, “Giàng ơi, bản Tò Ca”, “Vợ ơi! Em đây rồi”… của một số đơn vị tư nhân ngay sau khi trình làng đã nhận được một số bình luận không mấy thiện cảm khi quảng cáo xe đạp điện, sơn tường, dược phẩm… khá lộ liễu. Ngoài ra, kịch bản của những phim hài tết này cũng rất lỏng lẻo và hời hợt.
Theo tiết lộ của một số nhà làm phim hài tết thì kinh phí làm phim hài tết bây giờ có rất nhiều mức. Có thể dao động từ vài trăm triệu cho đến tiền tỷ. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chỉ lựa chọn mức thấp nhất vì mục đích của họ vẫn chủ yếu là quảng bá thương hiệu chứ không hẳn mang đến một tác phẩm nghệ thuật.
Tiếng cười bị "dung tục hoá", dễ dãi
Nghệ sĩ Vượng “râu” cho rằng, nhiều năm trước đây, nhiều người vẫn tìm mua đĩa hài tết về xem nhưng bây giờ rất ít, có chăng chỉ các xe ô tô hoặc một số gia đình có dàn âm thanh cực xịn mới xem đĩa.
“Có nhiều nhà đã bỏ thói quen xem hài tết qua băng đĩa vì giờ ai cũng có một vài smartphone (điện thoại thông minh) hoặc tivi có kết nối Internet nên mở xem trực tiếp. Vì thế, bây giờ người ta toàn phát hành hài tết trên Youtube. Các doanh nghiệp tư nhân lại càng có cơ hội để quảng bá thương hiệu của họ một cách rộng rãi hơn thông qua những sản phẩm hài tết do họ tự bỏ tiền sản xuất. Dễ làm, dễ ăn nên ai chẳng lao vào”, nghệ sĩ Vượng “râu” nói.
Nghệ sĩ này kể, cách đây không lâu, anh được một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ điện tử ngỏ lời làm cho họ một phim hài ngắn khoảng 15 phút để phát vào dịp tết với mức kinh phí 200 triệu đồng. Tuy nhiên, anh không nhận lời vì làm hài tết với mục đích quảng cáo thương hiệu thì không khác gì một TVC quảng cáo.
“Tôi thấy rằng, những khán giả khó tính họ sẽ không thích xem “hài quảng cáo” vì vừa mở ra đã thấy logo công ty sản xuất “đập” vào mặt. Xem một đoạn lại thấy hộp thuốc tăng cường sinh lực, đoạn nữa lại thấy gói thạch rau câu, đến giữa lại thấy thùng sơn, cuối cùng là chiếc xe đạp điện… Tức là khán giả sẽ thấy mình trở thành “nạn nhân” của những trò quảng cáo. Một khi đã thương mại hóa nghệ thuật thì sản phẩm hài đó không còn là sản phẩm nghệ thuật đơn thuần nữa. Cho nên khán giả khó tính không hề vui khi xem những phim hài tết như thế”, nghệ sĩ Vượng “râu” nói thêm.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng nhấn mạnh rằng, những hài tết do doanh nghiệp bỏ tiền ra để quảng cáo sản phẩm hoặc thương hiệu không phải là sản phẩm hài tết độc lập. Sản phẩm này được sản xuất không phải để dành cho công chúng mà là sản xuất cho mục đích riêng của doanh nghiệp. Vì thế, theo nam đạo diễn này thì những hài tết này không nên họp báo vì họp báo là lừa gạt khán giả. Việc họp báo rồi ra vào dịp tết làm cho khán giả tưởng đó là một sản phẩm hài tết đúng nghĩa.
“Cái gì chúng ta cũng phải rạch ròi, đây không phải là hài tết chính thống mà chỉ là một đĩa hài thị trường mang tính quảng bá thương hiệu. Tức không phải sản phẩm được nhà sản xuất đầu tư về mặt chất xám lẫn tính nghệ thuật mà chỉ mang tính thương mại”, đạo diễn “Chôn nhời” chia sẻ.
NSƯT Minh Vượng cũng từng bày tỏ rằng, hài phải mang tính định hướng về thẩm mỹ và giáo dục, gửi gắm một thông điệp nào đó cho mọi người. Tuy nhiên, bây giờ nhà nhà làm hài, người người làm hài… khiến chị cảm thấy thể loại này trở nên dễ dãi. Chị có cảm giác bây giờ cứ hài là phải dung tục, ăn mặc hở hang, nhiều khi bản thân không dám xem.
“Tôi và thế hệ tôi làm một tác phẩm phải cẩn trọng từng dấu chấm, phẩy, không để bị cuốn theo tiếng cười thị trường. Các cụ ngày xưa vẫn nói rằng, có tiếng cười tâm lý và tiếng cười sinh lý. Tiếng cười tâm lý mang đến những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, giải trí mà vẫn sâu cay, còn tiếng cười, nhảm nhí bây giờ đang tràn lan trong các tiểu phẩm hài. Cho nên cần thiết, các ngành chức năng phải có sự kiểm duyệt các đĩa hài tết trước khi ra mắt công chúng để chúng ta được thưởng thức những tác phẩm hài đúng nghĩa trong những ngày xuân”, NSƯT Minh Vượng nói.
Tác giả: Mạnh Tường
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn