Câu chuyện xoay quanh nhiếp ảnh gia người Brazil - ông Sebastião Salgado và vợ - bà Lélia. Họ đã tạo nên một khu rừng trong hơn 20 năm qua, biến một mảnh đất từ khô cằn, hoang hóa trở thành một rừng cây xanh mát, sống động.
Khi ông Sebastião quay trở về quê nhà ở bang Minas Gerais, Brazil hồi năm 1994, ông đã rất sốc khi thấy nông trại cũ của gia đình đã hoàn toàn bị hủy hoại bởi nạn phá rừng. Vợ chồng ông bắt tay vào việc trồng các cây giống hồi năm 1998 và khiến cho một khu rừng dần xuất hiện trở lại với hàng triệu cây xanh mọc lên trong vòng hai thập kỷ qua.
Giờ đây, mảnh đất cằn khô đã trở thành một vùng rừng màu mỡ, sống động với thảm động thực vật đa dạng, phong phú. Các loài động vật cũng đã quay trở về đây sinh sống. Khu rừng này giờ có gần 300 loại cây, hơn 170 loài chim, 30 loài động vật có vú, 15 loài động vật lưỡng cư và bò sát.
Ông Sebastião giờ đây đã ở tuổi 75, ông chia sẻ rằng nông trại từng là nơi ông lớn lên với những khoảnh rừng xanh mướt, sống động, nhưng khi ông quay trở về đây hồi năm 1994, nơi đây đã phải chịu những di chứng nặng nề từ nạn phá rừng và việc khai thác tận diệt các nguồn lực tự nhiên.
Chính vợ ông đã là người đưa ra ý tưởng rằng hai vợ chồng sẽ trồng lại khu rừng. Vậy là bàn tay ông Sebastião từ chuyên bấm máy ảnh chuyển sang trồng cây gây rừng, hàn gắn lại mảnh đất nơi đã chứng kiến những năm tháng tuổi thơ ông.
Hai người bắt đầu kêu gọi hỗ trợ và được các chuyên gia lâm nghiệp tặng cho 100.000 cây giống đầu tiên. Những cây giống đầu tiên được trồng hồi năm 1999 với sự giúp đỡ của những học sinh tại địa phương, đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng nơi đây xung quanh việc trồng rừng.
Trong vòng 20 năm kể từ ngày ấy, mảnh đất bị xói mòn đã hoàn toàn đổi khác, trở thành một khu rừng màu mỡ, sống động có diện tích 7 km vuông.
Khi ông Sebastião quay trở về quê nhà hồi năm 1994 cũng là khi ông đã cảm thấy mệt mỏi rã rời sau những cuộc hành trình miệt mài của một nhiếp ảnh gia kiêm phóng viên ảnh thời sự, đi nhiều, ông đã chứng kiến quá nhiều mảnh đời bất hạnh và tâm hồn trở nên mệt mỏi.
Nhưng chính việc trồng rừng đã khiến ông đổi khác: “Khi các loài động vật bắt đầu tìm tới đây sinh sống và số lượng cây xanh càng lúc càng nhiều hơn, tôi cũng như được tái sinh, đây là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”, ông Sebastião cho hay.
Việc trồng rừng này cũng có những ảnh hưởng tích cực đối với hệ sinh thái địa phương khi những con suối từng cạn khô vì nạn phá rừng nay “róc rách” trở lại, nền nhiệt tại địa phương cũng dịu mát hơn so với trước.
Hiện tại, vợ chồng ông Sebastião không còn là chủ sở hữu của nông trang nữa, nơi đây giờ đã được mở rộng và trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên cấp bang, là nơi chịu trách nhiệm trồng hàng triệu cây giống, cũng là nơi nghiên cứu của các nhà sinh vật học, giúp hỗ trợ cho nông dân địa phương và chào đón du khách tới thăm.
Vợ chồng ông Sebastião rất hài lòng khi thấy một ý tưởng giản đơn buổi ban đầu nay đã trở thành một hệ thống vận hành chuyên nghiệp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài tại địa phương.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn