Xã hội hoá nghệ thuật biểu diễn vô cùng khó!
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội về chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ sáng tác, Bộ trưởng Thiện cho rằng, hiện Nhà nước hết sức quan tâm đến văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, đặc biệt là văn nghệ sĩ sáng tác. Nhà nước cũng đã cấp kinh phí cho Hội Văn học - Nghệ thuật để các hội sáng tác tác phẩm. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cũng hạn hẹp.
“Chúng tôi thấy rằng, nếu có nguồn kinh phí ngân sách, Đảng và Nhà nước cũng nên dành sự quan tâm nhiều hơn đối với lực lượng văn nghệ sĩ. Hiện nay như một số ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có những ngành 5 năm nay không tuyển được một sinh viên nào. Không ai học cả. Để thấy rằng nó có những cái khó và liên quan đến các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống thì rất khó khăn”.
Về vấn đề đại biểu Cầm Thị Mẫn liên quan đến công tác xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Thiện nhận định, xã hội hoá trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vô cùng khó khăn.
Bộ trưởng phân tích, liên quan đến nghệ thuật có 2 dạng: một dạng là nhạc nhẹ, nhạc hiện đại thì xã hội hóa rất tốt nhưng liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… thì xã hội hóa rất khó.
Ví dụ, một đoàn chèo, cải lương đi biểu diễn một buổi tối chỉ thu được 20 triệu đồng chưa bằng một ca sĩ ở lĩnh vực khác hát một bài hát. Cho nên thu nhập một buổi tối của nghệ sĩ truyền thống chỉ có 100 nghìn đồng. Vấn đề này chúng ta phải xã hội hóa xác định rằng rất khó khăn nên Nhà nước phải quan tâm để đầu tư.
“Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Chính phủ đã đưa những loại hình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc vào danh mục sự nghiệp công tức là Nhà nước phải đầu tư, liên quan đến chế độ chính sách, đào tạo đội ngũ có được ưu tiên, ưu đãi về học phí, chế độ thăng hạng.
Đối với lĩnh vực truyền thống hiện nay có mấy cái khó như không có đội ngũ kế cận và nhiều ngành không đào tạo được, không có ai vào học. Về câu hỏi của các đại biểu, tôi xin trả lời thêm như vậy”.
Bất cập trong xét tặng danh hiệu nghệ sĩ và công nhận giải thưởng
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về hiện tượng nghệ sỹ nổi tiếng làm việc ở các trường, đoàn thể đang có xu hướng tách ra ngoài làm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận đúng là thời gian vừa qua có hiện tượng ca sĩ nổi tiếng làm việc ở các trường viện, các đoàn nghệ thuật đang có xu hướng ra ngoài nhưng không phải là phổ biến. “Đây là việc không vui nhưng phải chấp nhận”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, giải pháp là phải tạo được môi trường hoạt động nghệ thuật để các nghệ sỹ phát huy được tài năng, đổi mới xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và bổ sung cơ chế đặc thù trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu và sửa đổi mức đầu tư tài chính để chuẩn hoá các điều kiện làm việc. Đổi mới và mở rộng phương thức để tranh thủ nguồn lực, huy động toàn xã hội tập trung cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, tăng cường hợp tác quốc tế, chăm lo đời sống của nghệ sỹ…
Trả lời đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - TP.HCM về câu hỏi chất vấn: "Tôi và nhiều cử tri cho rằng, các tiêu chí xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay có nhiều bất cập và không phù hợp. Nhiều nghệ sĩ tài năng, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật và được đông đảo khán giả công nhận nhưng do thiếu huy chương, bằng khen các cuộc thi, liên hoan do ngành tổ chức mà không được xem xét phong tặng các danh hiệu cao quý này.
Khi có phản ánh của cử tri thì mới được xét đặc cách. Tôi cho rằng, như thế là không phù hợp. Xin hỏi Bộ trưởng khắc phục bất cập này như thế nào?", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận đúng là trong thời gian vừa qua việc xét tặng NSND, NSƯT cũng như xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật theo quy định hiện hành vẫn còn có những vấn đề không phù hợp với thực tiễn tình hình.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã sửa đổi Nghị định về xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Thời gian vừa qua, có những vấn đề chưa phù hợp về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì Chính phủ đã cho phép linh hoạt vận dụng một số trường hợp như trong Nghị định đã nêu. Về phía quản lý Nhà nước, Bộ VHTTDL đang nghiên cứu đẻ xem xét trình Chính phủ sửa đổi nghị định này cho phù hợp.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn