Đội tuyển U23 Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam thành công mang tính lịch sử tại giải U23 châu Á và tại Asiad 2018 là thành tích đầy tự hào của bóng đá nội, thành tích mà không phải đội bóng nào trong khu vực, cũng như không phải thế hệ nào của bóng đá Việt Nam hay bóng đá Đông Nam Á cũng có thể thực hiện.
Tuy nhiên, từ sân chơi dành cho các đội trẻ, hay thậm chí đội trẻ có tăng cường (theo công thức “U23+3” mà chúng ta vẫn quen gọi là đội Olympic), đến sân chơi dành cho các đội tuyển quốc gia vẫn có khoảng cách.
Ví dụ Argentina từng 2 lần liên tiếp vô địch nội dung bóng đá nam Olympic các năm 2004 và 2008, với hàng loạt tài năng sáng chói ở 2 kỳ giải đấu đấy như Tevez, Mascherano, Saviola, Aguero, Di Maria, Garay… và kể cả siêu sao Lionel Messi, nhưng lực lượng vừa nêu chưa bao giờ vô địch World Cup, hay dưới nữa là chưa hề vô địch Copa America, và bóng đá Argentina trong suốt 20 – 30 năm qua, vẫn bị đánh giá là không thành công.
Nói ngược lại, chiến tích với các đội bóng trẻ, thậm chí là đội trẻ có tăng cường chưa hề là sự đảm bảo cho thành công sau đó ở cấp độ đội tuyển quốc gia, của chính lứa trẻ vừa nêu, mà Argentina, rồi liền ngay trước đó là Cameroon là những ví dụ (Cameroon thế hệ của Samuel Eto’o, Geremi, Wome, Kameni… giành HCV Olympic 2000, nhưng chưa hề gây tiếng vang tại đấu trường World Cup sau đó).
Đẳng cấp dành cho các đội tuyển quốc gia rất khác. Thường thì có những cầu thủ vốn rất bình thường khi còn trẻ, nhưng đến sau các lứa tuổi U mới phát triển rực rỡ. Ví dụ Zinedine Zidane phải đến sau năm 23 tuổi mới nổi tiếng ở cấp độ thế giới, trong màu áo CLB Bordeaux (Pháp).
Lực lượng của các đội tuyển quốc gia cũng khác với lực lượng của các đội trẻ. Có thể với một số nền bóng đá, họ không tập trung lực lượng tốt tham dự các giải trẻ, nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, họ sở hữu lực lượng khác hẳn. Mà ngay ở AFF Cup tới đây, có thể mọi người sẽ thấy sự khác biệt đó.
Thái Lan là một ví dụ, đội U23 và đội tuyển Olympic của họ không thành công trong năm 2018, nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đội bóng đất Chùa Vàng vẫn sở hữu những ngôi sao thậm chí đã vươn đến đẳng cấp châu Á, như thủ môn Kawin (đang chơi bóng tại Bỉ), trung phong Teerasil Dangda, hoặc nhạc trưởng Chanathip Songkrasin (đang thi đấu tại Nhật).
Vả lại, ở Asiad 2018, Thái Lan cũng không tập hợp lực lượng tốt nhất trong lứa tuổi 23, do các CLB trong nước không chịu “nhả” người cho đội tuyển Olympic, nên đội bóng đất Chùa Vàng chủ yếu trả giá cho sự chủ quan của họ ở Á vận hội, chứ chưa hẳn thế hệ cầu thủ hiện tại của bóng đá Thái Lan kém.
Philippines là một đội mạnh ở dạng khác. Philippines hầu như không chú trọng đến các giải đấu dành cho lứa tuổi U, vì họ hầu như không có chủ trương phát triển bóng đá trẻ (một phần vì dân Philippines không quan tâm bóng đá bằng các môn như quyền Anh hoặc bóng rổ). Philippines chỉ tập trung quảng bá nền bóng đá bằng đội tuyển quốc gia, và đội tuyển quốc gia của họ thì sử dụng cầu thủ gốc châu Âu, có thể trạng và tố chất khác hẳn cầu thủ Đông Nam Á. Thành ra, giữa các đội trẻ của Philippines và đội tuyển quốc gia của nước này có sự khác biệt cực lớn.
Rồi Malaysia hay Indonesia cũng không hề yếu. Đội bóng đất Mã và đội bóng xứ vạn đảo vốn đã có nền tảng thể lực tốt, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cầu thủ của họ có thêm sự già dặn, sẽ là rào cản khó vượt với bất kỳ đội bóng nào (Thái Lan còn có phần e dè Malaysia trong vài năm trở lại đây, chứng tỏ đội tuyển Malaysia có điểm mạnh riêng).
Nói thể không phải là đề cao thái quá các đối thủ, mà là sự tôn trọng cần thiết dành cho họ, theo kiểu “biết người, biết ta”.
Dĩ nhiên, bóng đá Việt Nam vẫn có thể thành công tại AFF Cup vào cuối năm nay. Chúng ta đang sở hữu một thế hệ cầu thủ rất tốt, cùng một HLV có tài. Điều quan trọng là đánh giá đúng đối thủ, đánh giá đúng sân chơi, từ đó có sự chuẩn bị phù hợp, bổ sung những con người phù hợp với tính chất giải đấu mà chúng ta sẽ tham dự!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn