Bộ phim “Quỳnh búp bê” sau khi phát sóng trở lại vẫn là bộ phim có lượng người xem cao nhất trong số các phim chiếu giờ vàng ở cùng thời điểm. Điều này có nằm trong suy nghĩ của bạn?
Khi nhận một vai diễn nào hoặc tham gia một bộ phim nào thì ai cũng mong sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, với vai My “sói” trong “Quỳnh búp bê” thì cảm xúc của tôi rất là lạ. Chưa bao giờ tôi có cảm xúc lạ đến thế. Vai My “sói” có nhiều đất diễn để tôi khẳng định mình và đào sâu vào nội tâm.
Trước đây, tôi đã được vào nhiều dạng vai những chủ yếu những vai hiền lành, cam chịu... Tôi khá bất ngờ vì không nghĩ phim sau một thời gian dừng chiếu thì vẫn giữ được sức nóng như vậy.
Trước đây, bạn từng thú nhận rất căm ghét vai diễn trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. Vậy vai My “sói” có chút nào khiến bạn gờn gợn không?
Không, ngay khi đọc kịch bản “Quỳnh búp bê”, bản thân tôi đã rất hứng thú với vai này. Một diễn viên được giao vào một dạng vai như thế quả là may mắn. Có thể nói, đây là “mỏ vàng” để tôi phát huy hết những gì mình có.
Đối với mỗi nhân vật, tôi đều tìm ra điểm chung của họ với Quỳnh ngoài đời. My “sói” là góc khuất mà có thể rất khó được bộc lộ ra trong con người của tôi. Đó có thể là sự nổi loại, sự phá cách, muốn làm một cái gì đó thoát khỏi cái bóng hiền lành của mình.
Mới đây, có người hỏi tôi rằng: Có phải vì diễn viên Thùy Anh nhường vai nên tôi mới có cơ hội để góp mặt vào phim này không? Tôi cho rằng, vào vai nào đó cũng là cái duyên, mọi sự cạnh tranh là công bằng. Có thể 5 - 6 người cùng thử một vai nhưng đạo diễn chỉ mời một người đóng, chuyện đó cũng là bình thường thôi.
Vào vai diễn một thời gian, tôi thấy mình bị nhiễm tính của My “sói” đó là hay gây sự và khó chịu với mọi người. Đôi khi tôi giật mình nhận ra đã bị nhân vật ăn sâu quá vào tiềm thức và phải nghỉ ngơi một thời gian để lấy lại sự cân bằng.
Vào vai một gái làng chơi đầy mưu mô và toan tính, có cả sự hiểm ác nữa quả là không hề dễ với những người diễn viên chuyên trị vai lành. Bạn đã lấy chất liệu từ đâu để làm “đầy” vai diễn của mình?
My “sói” đúng là một vai trái chất nhất của tôi từ trước đến nay. Nó có rất nhiều thứ khiến mình phải tìm hiểu và làm cho tư duy của mình về cách làm phim mới cũng thay đổi khá nhiều. Tôi không có cơ hội được thâm nhập vào một “ổ” mại dâm nào đó để có thể lấy vốn thực tế cho vai diễn.
Việc tiếp cận được với một gái làng chơi đã không hề dễ dàng thì việc làm sao để họ có thể tâm sự, trải lòng, giãi bày càng không hề dễ… Trong khoảng thời gian chỉ có vài tháng trước khi làm phim, tôi đã xem rất nhiều phim nói về gái làng chơi.
Trong đó, tôi xem nhiều nhất là bộ phim “Gái nhảy” của Mỹ sản xuất vào năm 1998. Mặc dù phim ra đời cách nay khá lâu nhưng chất liệu lại cực nhiều. Ngoài ra, nhiều bài viết về chân dung những cô gái đã trót sa chân vào giới làng chơi cũng cung cấp thêm cho tôi cái nhìn đa chiều về giới này.
Bạn có nhận được nhiều phản ứng của khán giả khi phim phát sóng?
Từ tập 7 đến bây giờ, ngày nào tôi cũng nhận được những tin nhắn quá khích của một số khán giả. Ngoài ra, tôi cũng nhận được một vài chuyện phiền phức kiểu như một số bạn trẻ biết ngày xưa tôi học cùng trường với các bạn ấy thế là các bạn vào chia sẻ lại những album cũ của tôi trên trang cá nhân với những lời lẽ không được thiện cảm.
Đặc biệt, trong album đó có nhiều hình ảnh tôi chụp với các thầy cô giáo cũ. Chắc các em còn quá trẻ nên chưa ý thức được mình làm. Nhiều khi cảm thấy phiền toái nhưng vì mình lớn hơn các em nên cũng nhắc nhở nhẹ nhàng để các em hiểu. Một số em sau khi nghe tôi nói thì cũng đã thay đổi.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được một số lời doạ dẫm của một số thành phần “anh chị” trong giới “số má”. Lúc đầu, đọc những lời doạ dẫm đó tôi cũng hoảng loạn lắm. Nhưng khi suy nghĩ kỹ tôi lại thấy, khi mình đã chạm đến cảm xúc của khán giả thì sẽ nhận được những lời đó. Và tự nhiên lại thấy vui vì như thế nghĩa là vai diễn của mình đã thành công. Để được khán giả ghét đâu phải dễ bởi người ta ghét vì mình diễn tốt chứ không phải ghét vì diễn chán.
Nhưng bạn có nhận được những lời gạ gẫm theo kiểu những người có tiền dành cho gái làng chơi?
Không có, tôi thề là không hề có những tin nhắn đó. Mọi người chỉ vào chửi bới và doạ dẫm thôi.
Bạn từng chia sẻ là con trai cũng không thích vai diễn của mẹ?
Không hẳn là không thích mà cảm giác chung của Be - con trai tôi mỗi khi nhìn thấy bố hoặc mẹ trên tivi là rất tự hào. Ngày trước xem “Ngược chiều nước mắt”, bạn ấy còn thuộc cả bài hát luôn vì phim này rất nhẹ nhàng. Nhưng với “Quỳnh búp bê” thì mỗi khi mẹ với bà ngoại ngồi xem, Be cứ chạy loanh quanh chơi, thỉnh thoảng ngó lên một chút lại đúng vào cảnh mẹ đang bị đánh thế là mếu máo bảo: “Thôi, mẹ ơi, mẹ tắt tivi đi, phim của mẹ sợ lắm”.
Bộ phim quy định trẻ dưới 18 tuổi không được xem nhưng bạn vẫn cho con nhỏ xem?
Đúng là phim có những dòng khuyến cáo trẻ dưới 18 tuổi không nên xem nhưng Be không xem phim mà thấy bà cùng mẹ ngồi xem thì chạy loanh quay chơi, thỉnh thoảng ngó lên màn hình, vô tình bắt gặp cảnh mẹ bị đánh nên sợ thôi. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy vui vui khi thấy nhiều ông bố bà mẹ kể, có nhiều bạn trẻ rất thích xem phim “Quỳnh búp bê”, có những bạn không bỏ tập nào.
Tôi nghĩ rằng, việc xem xong một bộ phim, các bạn trẻ sẽ thay đổi ý thức như thế nào một phần là do bố mẹ nữa. Đây là bộ phim giáo dục khá tốt nếu bố mẹ chỉ cho con biết đó là những điều sai trái nên tránh hoặc không nên đi theo.
Phim “hot” cũng đồng nghĩa với việc mang lại cho bạn nhiều cơ hội đi sự kiện, đóng quảng cáo… Nhiều người bảo “Thu Quỳnh nhận cát sê sự kiện đếm không hết”. Bạn nghĩ sao về điều đó?
Đúng là bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả thì tôi cũng có nhiều việc hơn ở bên ngoài. Tuy nhiên, trong cuộc sống này, ai cũng phải làm việc để duy trì cuộc sống. Tôi cũng như mọi người, có nhiều hoá đơn cần phải thanh toán. Chính vì thế, mỗi khi đi làm việc, chúng tôi không thể làm không công. Chúng tôi phải được trả theo đúng sức lao động của mình.
Cát-sê của tôi có tăng hay không hoặc mức giá cát sê người ta trả cho tôi có xứng đáng với công việc đó hay không còn phụ thuộc vào tôi nữa. Nếu tôi không làm được mà người ta vẫn đồng ý trả cho tôi mức cát sê cao tôi cũng không bao giờ dám nhận. Cá nhận tôi không bao giờ dám nhận những công việc ngoài khả năng của mình và mình không thể thực hiện được tốt.
Dù sao thị trường Hà Nội cũng không rộng lớn như TP.HCM. Vì lẽ đó khi có sức nóng nhiều người thường tận thu bằng cách nhận hết mọi lời mời. Nhưng cũng vì thế mà nó biến hình ảnh người nghệ sĩ trở nên “mòn” đi trong mắt công chúng. Bạn nghĩ sao?
Với tôi, bất kỳ sự kiện hoặc dự án nào tôi nhận lời, tôi cũng phải đặt hình ảnh người nghệ sĩ lên trước đã. Dù sao tôi cũng là người của công chúng, được nhiều người biết đến. Cá nhân mình phải tôn trọng mình thì người khác mới tôn trọng lại.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn