Bị ghét vì đóng vai “tai quái” quá đạt
Mới đây, diễn xuất của cô bé Hà Anh - thủ vai Trâm Anh trong bộ phim “Những cô gái trong thành phố” đã khiến khán giả phải bàn tán xôn xao.
Trong phim, nhân vật Trâm Anh sống cùng bố tên Bách (Chí Nhân đảm vai) sau khi bố mẹ ly hôn. Bách thương con gái thiệt thòi nên hết mực chiều chuộng. Tuy nhiên, cũng vì được bố quá cưng chiều nên cô bé có phần hơi ích kỷ, thậm chí hơi hỗn láo với người giúp việc.
Trong một thời gian dài, Trâm Anh đã nghĩ ra đủ trò để khiến người giúp việc phải lâm vào những tình huống trớ trêu mà từ bỏ công việc mình đang làm. Nhiều người phải xách hành lý bỏ đi chẳng màng lương lậu vì không thể chịu đựng được những đòi hỏi và sự bắt bẻ của cô bé.
Đặc biệt, trong những tập gần đây, khi cô bé này liên tiếp bày chiêu trò để hạch sách và có những lời nói rất nặng nề làm Trúc (cô giúp việc được Bách nhờ về làm việc nhà) khiến cô không ít lần tổn thương.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ họ cảm thấy sợ “bà cô già” này vì quá tai quái và hỗn láo. Nhiều khán giả còn bình luận rằng, màn ảnh Việt hiếm khi có một nhân vật nhí có tính cách đáng ghét đến như vậy. Thậm chí, có người cho rằng, để trẻ con diễn xuất những vai sắc sảo, tinh quái và ghê gớm quá sẽ không tốt cho trẻ.
Tương tự, hai diễn viên nhí Bảo Ngọc trong vai Lam Chi của phim “Gia đình là số 1” cũng trở thành tâm điểm của sự bàn cãi. Trong phim, diễn viên nhí 11 tuổi vào vai một cô bé Lam Chi thường có cách hành xử rất hống hách, ngang ngược và thường tỏ thái độ chán ghét với tất cả mọi người.
Ở tập 10, hành động liên tục túm tóc, dọa nạt, cướp đồ... thậm chí tát em gái người giúp việc của Lam Chi đã làm nổ ra không ít những cuộc tranh cãi kịch liệt về nhân vật này. Phần đông khán giả đã để lại những lời lẽ có phần nặng nề và khiếm nhã về một nhân vật nhí.
Không chỉ có hai diễn viên nhí kể trên mà nhiều cô bé - cậu bé tham gia “Gạo nếp gạo tẻ”, “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”... cũng từng lâm vào cảnh huống dở khóc dở cười khi vào những vai có tính cách hơi đáng ghét. Nhiều trích đoạn trong phim của diễn viên nhí sau khi phát sóng được cư dân mạng truyền tay nhau với rất nhiều lời bàn tán.
Trong một bài phỏng vấn, mẹ bé Hà Anh chia sẻ là bé đã rất buồn khi đọc được những bình luận trên mạng nói về nhân vật của mình trong phim. Chị đã phải giải thích với con rằng người ta ghét vì mình đã diễn rất tốt vai diễn. Tuy nhiên, với tư cách người làm cha làm mẹ, chị Thúy Hà cũng không khỏi chạnh lòng trước những bình luận gọi con mình là “ranh con”, “hỗn láo”...
Trước đó, nhiều người đã thương cảm khi diễn viên nhí Hữu Khang của “Chú ơi đừng lấy mẹ con” phải nhập viện cấp cứu vì quá sốc khi tình cờ đọc được một tin nhắn của khán giả phản hồi về vai diễn của mình trong điện thoại của bố.
“Mọi bình luận ác ý đối với con trẻ đều tàn nhẫn”
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, nếu người lớn đóng phim vất vả 8 phần thì trẻ con đóng phim vất vả 10 phần. Thứ nhất là bởi các con đang còn nhỏ dại nên sẽ không thể chịu được áp lực tâm lý nặng nề như người lớn.
Bên cạnh đó, tham gia một bộ phim nghĩa là các con sẽ phải thức khuya dậy sớm, lăn lộn ở phim trường, thay đổi lịch sinh hoạt, thậm chí chịu ảnh hưởng cả việc học hành... và phải cố gắng diễn xuất theo ý đồ đạo diễn.
Bởi lẽ đó, một khi các ông bố bà mẹ cho con đi đóng phim là phải làm “công tác tư tưởng” cho con thật kỹ để tránh tổn thương không đáng có. Ngoài ra, đạo diễn cũng cần phải nắm bắt được tâm lý của con trẻ để không đặt lên vai các con những gánh nặng quá sức. Bản thân khán giả, không chỉ nên tỉnh táo để phân biệt rạch ròi giữa phim và đời thì cũng nên có cái nhìn nhân ái hơn với con trẻ.
“Tôi cho rằng, mọi bình luận ác ý đối với các diễn viên nhí đều là một sự tàn nhẫn. Khán giả có quyền đòi hỏi người diễn viên phải tròn vai nhưng không vì thế mà quá khắt khe với con trẻ.
Các con không phải diễn viên chuyên nghiệp, chưa hoàn thiện về nhân cách và thể chất nên cái gì cũng chỉ ở một mức độ. Những lời bình luận ác ý dễ khiến con bị tổn thương và sang chấn tâm lý, sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con”, đạo diễn phim “Thành phố ngủ gật” bày tỏ.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng chia sẻ, anh cảm thấy rất bất bình với những khán giả vô tâm với con trẻ, nhất là với các diễn viên nhí.
“Tôi đang băn khoăn rằng, vì sao chúng ta lại cư xử có phần cay nghiệt và kém văn minh với một đứa trẻ như thế. Khán giả có thể ghét bộ phim hoặc vai diễn nhưng đó là câu chuyện của phim ảnh.
Chúng ta mong muốn ngày càng có nhiều tài năng nhí được bộc lộ khả năng của mình mà chưa gì đã vội chắn đứng mọi con đường phát triển của các con như vậy thì làm người lớn liệu có xứng đáng”, Đinh Tuấn Vũ nói.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, bất kỳ một lời nói nặng nề nào làm cho con trẻ bị tổn thương… cũng dễ dẫn đến những sang chấn tâm lý khó lường.
“Diễn viên nhí là những đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm hơn những đứa trẻ khác. Bởi thế, thay vì có những lời phàn nàn, chê bai hoặc ghét bỏ thì hãy động viên và góp ý nhẹ nhàng. Diễn vai phản diện hay vai chính diện đều không phải do các con tự quyết định. Diễn hay hoặc diễn chưa hay cũng không phải lỗi ở các con.
Chúng ta nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra những lời bình luận của mình kẻo vùi dập oan một tài năng và làm cho bố mẹ của các con bị tổn thương theo. Bất kỳ một sang chấn tâm lý nào, dù nhỏ, cũng dễ khiến các con bị tự ti, mặc cảm… thậm chí trầm cảm.
Bố mẹ trước khi cho con tham gia một dự án phim ảnh hay gameshow nào cũng cần phải lường trước mọi tình huống và chuẩn bị tâm lý cho con thật kỹ kẻo xảy ra những chuyện đau lòng”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn