Cảm xúc của chị như thế nào khi là Hoa hậu Việt Nam được mời ngồi ghế giám khảo Hoa hậu Việt Nam nhiều nhất?
Đây là lần thứ 5 tôi được BTC Hoa hậu Việt Nam mời làm giám khảo. Tôi cảm thấy rất vinh dự đồng thời cũng thấy trách nhiệm nặng nề khi trở thành giám khảo trong các cuộc thi Hoa hậu Việt.
Thú thật, mỗi một lần được mời đồng hành cùng cuộc thi tôi lại có cảm giác như mình là thí sinh vậy, rất hào hứng và hồi hộp (cười). Để hoàn thành tốt vai trò giám khảo, tôi luôn cùng với thành viên ban giám khảo làm việc rất sát sao, công tâm, khách quan với một tinh thần trách nhiệm cao nhất để tìm ra những thí sinh xứng đáng nhất, đẹp nhất… trở thành Hoa hậu.
Có những cuộc thi, chỉ cần nhìn dàn thí sinh ở vòng Sơ khảo, tôi đã tìm được cho mình một ẩn số “X” nào đó. Đó là những ứng viên sáng giá, nặng ký… để trở thành tân Hoa hậu. Nhưng cũng có những cuộc thi rất khó khăn để lựa chọn được một gương mặt ưng ý vì các bạn ấy rất đồng đều. Mỗi khi như thế, không chỉ riêng cá nhân tôi mà tất cả các thành viên trong ban giám khảo đều rất lo lắng.
Như vậy cũng đồng nghĩa mình sẽ phải làm việc sát sao hơn trong các hoạt động của thí sinh. Và cũng phải tìm những cơ hội để làm việc với các bạn ấy ở gốc độ đời thường nhất. Những lúc các bạn ấy để mặt mộc, quần áo bình thường, thậm chí đi chân đất… để nhìn rõ nhất vẻ đẹp của từng người. Vì trong cuộc thi, có những vòng thi chỉ có thành viên ban nhân trắc học và các nữ giám khảo mới được tiếp xúc với thí sinh ở phòng kín.
Nói đến Hoa hậu là phải nói đến vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp không tì vết. Cho nên, việc được tiếp cận với các bạn thí sinh ở một góc rất gần bằng cái nhìn chân thật như vậy hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình chấm thi.
Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì ngày càng có nhiều các bạn gái xinh đẹp, tuy tuổi còn rất trẻ nhưng có trình độ học vấn cao, giỏi ngoại ngữ và chăm chỉ rèn luyện để tham gia các cuộc thi Hoa hậu. Hứa hẹn sẽ có được những tân Hoa hậu Việt Nam tài sắc vẹn toàn, tự tin sánh vai với các Hoa hậu trên thế giới và mang vinh quanh về cho đất nước trên các đấu trường sắc đẹp quốc tế, để Việt Nam được xướng tên ở thứ hạng cao trên bản đồ sắc đẹp thế giới.
Nhìn lại lịch sử các Hoa hậu Việt Nam có thể thấy, các hoa hậu đăng quang từ thập niên 90 trở về trước rất hiếm có những lùm xùm sau khi đăng quang. Theo chị, phải chăng các hoa hậu càng đăng quang “sau muộn” càng cần phải có bản lĩnh nhiều hơn các thế hệ đàn chị?
Là Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, tôi không thể nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu hoạt động sau khi đăng quang. Chỉ biết rằng, tôi đã tham gia vô số chương trình từ thiện, các buổi giao lưu gặp gỡ với sinh viên, đoàn viên và thanh niên tiêu biểu, các chương trình văn hóa xã hội… do báo Tiền Phong, TW Đoàn TNCS và các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình tổ chức.
Mặc dù bận rộn và có không ít cơ hội hấp dẫn nhưng tôi xác định không cho phép mình được bỏ bê việc học tập, tích cực rèn luyện, hoàn thiện bản thân bởi đăng quang Hoa hậu là đỉnh cao để mình luôn phải nỗ lực vươn tới cho xứng đáng với sự yêu mến của công chúng.
Thời của tôi và những Hoa hậu đăng quang trong thập niên 90, tuy cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn và công nghệ thông tin không phát triển mạnh như bây giờ nhưng cũng không ít cám dỗ. Do vậy, dù ở thời nào, danh hiệu Hoa hậu mang lại rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Người ta thường bảo, làm Hoa hậu cũng phải có số nhưng tôi lại nghĩ làm Hoa hậu phải có tố chất. Chính vì vậy, để giữ gìn được danh hiệu, để không bị gục ngã trước những cám dỗ cần phải có sự cố gắng, nỗ lực, thậm chí cả sự hy sinh và bản lĩnh mà có thể người bình thường rất ít phải trải nghiệm.
Cho đến bây giờ nhiều người vẫn cho rằng, Kỳ Duyên đã đánh tuột nhiều cơ hội của một Hoa hậu Việt Nam khi có những lùm xùm đáng tiếc. Với tư cách đàn chị, chị suy nghĩ gì về điều đó?
Đến thời điểm này, điều khiến tôi mừng nhất đó là các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã chọn được những người đẹp xứng đáng nhất. Sau khi trở thành tân Hoa hậu, điều đáng được ghi nhận là các Hoa hậu đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thiện mình về mọi mặt, có những đóng góp nhất định và làm tốt trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng, để danh hiệu Hoa hậu luôn tỏa sáng, không phụ sự kỳ vọng của công chúng.
Nhiều Hoa hậu, Á hậu và Người đẹp đã thành công trong nhiều lĩnh vực, sống tốt, sống thiện và dành trọn sự mến mộ của công chúng. Song tôi cũng chạnh lòng và cảm thấy tiếc vì thỉnh thoảng lại nghe tin Hoa hậu nọ, Hoa hậu kia có cử chỉ hay lời nói chưa đẹp. Các Hoa hậu thường đạt danh hiệu khi còn rất trẻ nên nếu xảy ra sự việc đáng tiếc nào đó cũng rất cần sự cảm thông và chia sẻ. Người xưa từng nói “Nhân vô thập toàn”.
Bởi vậy trong quá trình trưởng thành để Hoa hậu tự khẳng định mình và để xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy, rất cần sự định hướng, chỉ bảo thường xuyên và kịp thời của BTC, gia đình, thầy cô và những người thân. Đặc biệt là sự khích lệ, động viên và bao dung của công chúng, giúp người đẹp của chúng ta tránh được những va vấp hoặc sự cố không đáng có, tạo động lực và niềm tin để Hoa hậu vươn lên giới hạn của chính mình, trở thành đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ.
Bởi Hoa hậu dù sao cũng chỉ là một cô gái trẻ cho nên sẽ rất khó tránh được sai sót trong suốt hành trình cuộc đời… Sự thật là ngay từ thời khắc được đội lên đầu chiếc vương miện, người đẹp đó đã bắt đầu một cuộc sống với nhiều thách thức và áp lực dù có không ít niềm hạnh phúc, vinh quang.
Chị được nhiều người nhìn nhận là Hoa hậu thành đạt trong công việc và hạnh phúc gia đình, theo chị, một cô gái đoạt vương miện sắc đẹp thì việc giữ gìn danh hiệu hay tìm kiếm một vị thế khác trong xã hội là điều quan trọng?
Đối với tôi đạt danh hiệu Hoa hậu đã khó, để giữ gìn hình ảnh Hoa hậu và làm gì để xứng đáng với danh hiệu đó quan trọng hơn việc mưu cầu danh lợi cho riêng mình. Tôi tâm niệm rằng, danh hiệu Hoa hậu không làm tôi thay đổi số phận, cũng như không giúp tôi dễ dàng có cuộc sống an nhàn và hưởng giàu sang mà danh hiệu Hoa hậu là đỉnh cao khiến tôi phải nỗ lực không ngừng để hoàn thiện mình hơn.
Tại sao sau khi đã có mọi thứ, chị không tiếp tục chọn cho mình một cuộc thi khác nữa sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam như cuộc thi Hoa hậu Quý bà chẳng hạn?
Như tôi đã chia sẻ, cuộc thi Hoa hậu năm 1988 do báo Tiền Phong tổ chức là một mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Việc tôi trở thành Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, không chỉ là niềm tự hào lớn mà còn có ý nghĩa mang tính lịch sử, bởi vậy tôi luôn trân trọng, nâng niu và muốn giữ gìn (mãi cho riêng mình) danh hiệu ấy nên đã quyết định không tham gia thêm cuộc thi sắc đẹp nào nữa.
Cách đây 30 năm người ta chỉ biết đến duy nhất một cuộc thi sắc đẹp là Hoa hậu Việt Nam và cả nước cũng chỉ có duy nhất một Hoa hậu đại diện. Tuy nhiên, ngày nay, người không thể nhớ hết được những người đẹp đạt danh hiệu? Chị có thấy rằng, đang có hiện tượng loạn danh hiệu và chúng ta đang dễ dãi trong việc đánh giá nhan sắc đại diện của một thế hệ tại các cuộc thi?
Tôi nghĩ mỗi cuộc thi sắc đẹp đều có tiêu chí riêng và cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức vẫn đã - đang - tiếp tục khẳng định tiêu chí của cuộc thi là “tôn vinh vẻ đẹp hoàn thiện của người phụ nữ Việt Nam”. Như chúng ta đều biết, ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp và ngay cả tôi cũng không nhớ hết tên các cuộc thi. Bởi vậy đã đến lúc chúng ta cần xem xét một cách khách quan đến tính cần thiết và giá trị xã hội mà mỗi cuộc thi sắc đẹp mang lại, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc thi đến nhận thức và định hướng lối sống của thế hệ trẻ như thế nào để giảm số lượng nhằm tăng chất lượng của các cuộc thi sắc đẹp.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn