Theo đó, trong ngày 1/4/2017, các bản phim mới đã và đang được chuyển đến các rạp tại TP. HCM và Hà Nội để thay thế bản phim cũ. Bản phim mới này đã được thay bức ảnh thờ nhân vật vợ Tư Lành được cho là có nhiều nét tương đồng với ảnh của một nhân vật lịch sử Trung Quốc. Với bản phim mới, đoàn làm phim đã làm việc hết sức thận trọng để bảo đảm bức chân dung sẽ không vi phạm bất cứ quyền riêng tư hoặc cá nhân của một ai khác cũng như không khiến người xem tiếp tục liên hệ hình ảnh với một nhân vật lịch sử nào khác.
Với riêng các bản phim đang chiếu tại các tỉnh thành khác trong cả nước, tất cả sẽ được thay thế trong vòng 2 ngày tới (do điều kiện vận chuyển). Trong quá trình thực hiện điều này, nhà sản xuất cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các cụm rạp trên toàn quốc đã hết sức hỗ trợ đoàn làm phim để có thể khắc phục sự cố một cách nhanh chóng và suôn sẻ nhất. Bên cạnh đó, ê-kíp cũng cảm ơn các đơn vị Bộ, Ban ngành, Cục Điện ảnh, Truyền thông và công chúng đã phản ánh về bức chân dung ảnh thờ để từ đó đoàn phim nhận ra thiếu sót và có các biện pháp khắc phục kịp thời.
Nhà sản xuất nhìn nhận, sự cố không mong muốn này sẽ là một bài học để đoàn làm phim “Dạ cổ hoài lang” ghi nhớ và rút kinh nghiệm cho những tác phẩm sau. Hy vọng khán giả vẫn có thể đặt được lòng tin ở các tác phẩm Việt Nam bởi sự chỉn chu về kịch bản, đầy đặn về cảm xúc và phần hóa thân tròn trịa của các diễn viên, đồng thời mở lòng ra để đón nhận sự chân thành của tất cả nhân sự đoàn phim sau các sự cố đáng tiếc. “Dạ cổ hoài lang” còn đang chiếu ở các cụm rạp trên toàn quốc.
Trước đó, một số khán giả đã phát hiện ảnh thờ của nhân vật bà Tư Lành trong phim “Dạ cổ hoài lang” có nhiều nét tương đồng với một nhân vật lịch sử có thật của Trung Quốc.
Sự việc này khiến đạo diễn và nhà sản xuất phải lập tức lên tiếng xin lỗi. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phân trần: “Mong muốn của chúng tôi là làm một bộ phim nghiêm túc, và khi phát hiện sự sai sót chúng tôi cũng xin được nghiêm túc được sửa sai. Tôi, nhà sản xuất và nhà phát hành đã thống nhất là xin được thay ảnh bàn thờ trong phim “Dạ cổ hoài lang”. Việc này dù phải tốn khá nhiều công sức, thời gian và kinh phí nhưng chúng tôi nghĩ mình phải làm cho bằng được”.
Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) cho rằng, sự cố của phim “Dạ cổ hoài lang” là một bài học cho các đơn vị sản xuất điện ảnh Việt Nam. Theo ông Hồng, khi sử dụng hình ảnh hay bất cứ thông tin nào khác vào tác phẩm của mình thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo có bản quyền, không thể lấy những hình ảnh “trôi nổi” trên mạng rồi đưa vào tác phẩm của mình được.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn