Trước đó, đầu năm 2019, TAND quận 1 đã công nhận ông Lê Linh là tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt. HĐXX sơ thẩm cũng chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về yêu cầu buộc Công Ty Phan Thị xin lỗi công khai và bồi thường chi phí thuê luật sư là 15 triệu đồng. Sau đó, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại tòa, ông Nguyễn Vân Nam là đại diện công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh trình bày kháng cáo. Ông Nguyễn Vân Nam đề nghị sửa toàn bộ bản án sơ thẩm dành cho công ty Phan Thị theo hướng bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, công nhận công ty Phan Thị tự do sử dụng quyền tài sản, trong đó có quyền làm phái sinh đối với hình tượng các nhân vật Trạng tí, Dần béo, Sửu ẹo, Cả mẹo.
Ngoài ra, ông Nam đề nghị sửa một phần bản án sơ thẩm dành cho bà Phan Thị Mỹ Hạnh theo hướng giữ nguyên hiệu lực của các Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả đã cấp cho nguyên đơn và bà Hạnh đối với hình tượng các nhân vật Trạng tí, Dần béo, Sửu ẹo, Cả mẹo.
Các lý do mà bị đơn đưa ra là HĐXX sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng: xét xử không đúng thẩm quyền, không triệu tập Cục bản quyền tham gia với tư cách người liên quan, không công bố tài liệu, chứng cứ cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại tòa.
Ngoài ra, bị đơn còn cho rằng HĐXX sơ thẩm đã tùy tiện áp dụng điều ước quốc tế; vi phạm nguyên tắc mọi người đều bình đẳng; vi phạm nguyên tắc xác lập và thực thi quyền dân sự; tạo tiền lệ nguy hiểm vô hiệu hóa điều luật bằng một bản án của tòa cấp quận. HĐXX sơ thẩm không vô tư khách quan mà thiên vị nguyên đơn; buộc công ty Phan Thị xin lỗi vì hành vi không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả luật định.
Theo ông Nam, phong cách vẽ của ông Linh là nét vẽ dày và cứng; trong khi đó hình vẽ trong Thần đồng đất Việt linh động, tinh nghịch được cách điệu, dễ thương với những nét vẽ mảnh mang dấu ấn của cá nhân tác giả là bà Hạnh.
Đối với việc ông Linh yêu cầu công ty Phan Thị chấm dứt tạo ra và sử dụng các "biến thể" từ các nhân vật, ông Nam cho là ông Linh không được phép yêu cầu như vậy. Bởi theo Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ thì toàn bộ quyền tài sản, trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh đã được chuyển sang cho công ty Phan Thị sở hữu.
Cạnh đó, theo ông Nam, công ty Phan Thị cũng không xâm phạm quyền nhân thân của ông Linh vì công ty Phan Thị không sửa chữa, cắt xén nhân vật, không làm mất sự toàn vẹn của tác phẩm, không gây tổn hại đến danh dự và uy tín của ông Linh...
Về phía ông Linh, luật sư bảo vệ của ông Linh cho rằng tòa quận 1 giải quyết là đúng thẩm quyền vì đây là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ mà không vì mục đích lợi nhuận. Về yêu cầu triệu tập Cục Bản quyền tham gia là không cần thiết vì Cục bản quyền đã có văn bản trong hồ sơ.
Theo luật sư của ông Linh, nguyên đơn là người vẽ các nhân vật thông qua các bản phác họa gốc, đăng ký bản quyền tác giả trên các cuốn truyện, đặc biệt là tập 24, 37.
Ông Linh bổ sung thêm, bà Hạnh đã bịa đặt về việc ông vẽ theo ý tưởng của bà Hạnh. Ông Linh nói sau khi ông viết kịch bản xong, ông đã phác thảo hình tượng các nhân vật, đặt tên các nhân vật. Ông còn giữ các bản gốc phác thảo và giao nộp cho tòa bản photo. Theo ông Linh, ông muốn tạo ra bộ truyện tranh thuần Việt.
Phiên tòa sẽ bắt đầu tranh luận vào chiều 29/7.
Xuân Duy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn