Mở đầu là câu chuyện cảm động của ông Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh tham gia chương trình để viết tiếp giấc mơ cho gia đình mình. Ông bị tai biến lúc lên 5, rồi bị mù luôn từ đó. Ông có một người vợ mang trong mình nhiều bệnh nên cũng không có khả năng lao động, còn con trai út cũng bị khuyết tật do bị sốt bại liệt.
Là lao động chính trong nhà, vì thế ông đi đánh đàn mỗi ngày để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, ông còn nhận thêm học trò về nhà dạy đàn, dạy hát. Nhưng học trò của ông cũng là công nhân viên bình thường, thu nhập thấp nên tiền học phí ông nhận rất ít.
Thậm chí, nhiều tháng liền không nhận được đồng nào. Khó khăn là thế nhưng ông vẫn rất lạc quan, chọc cười Trấn Thành, Cẩm Ly rằng “Chú khổ tới nổi không thấy đường”, khiến ban giám khảo cười khoái chí. Ông ước mơ được đứng trên sân khấu hát cho gia đình mình vượt qua số phận nghèo khó.
Tiếp đến là bà Nguyễn Thị Trung Tuyết (80 tuổi) thí sinh lớn tuổi nhất từng tham gia chương trình từ trước đến nay. Bà Tuyết từng là lính giao liên nên rất yêu thích ca hát. Bên cạnh đó, bà luôn giúp đỡ những người khó khăn và hiện tại đang công tác tại phòng xoá đói giảm nghèo Quận 12 - TP.HCM. Bà vô tình gặp hoàn cảnh đáng thương của bà Phạm Thị Ngọc Lan nên muốn hát để giúp người phụ nữ này.
Chồng bà Lan mất đã 12 năm vì bệnh tiểu đường. Sau khi chồng mất, bà Lan phải bán nhà để trả nợ. Cuộc đời nghiệt ngã hơn khi không lâu sau đó, bà Lan cũng mắc bệnh tiểu đường buộc phải cưa chân. Từ đó, bà Lan không còn buôn bán, sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm xung quanh. Bà có 4 người con, đều đã có gia đình nhưng cuộc sống của các con cũng không mấy khá giả.
Hiện bà Lan đang sống cùng vợ chồng người con trai út, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Vì không có phương tiện đi lại nên việc khám chữa bệnh mỗi tháng của bà không đều đặn khiến vết thương chưa bình phục hoàn toàn. Bà Tuyết nay đã 80 tuổi nhưng cực kì duyên dáng và “xì teen”. Bà luôn mang trong mình một tâm hồn lạc quan, yêu đời.
Bà quan niệm, tuổi cao nhưng sức không yếu, bà luôn dùng hết khả năng của mình để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, bà Tuyết sẽ hát để giúp cô Lan có một khoảng tiền chữa bệnh, chăm lo cho sức khỏe và có một cuộc sống đầy đủ hơn.
Câu chuyện tiếp theo của một người cháu gái muốn hát cho người cô ruột của mình “cả cuộc đời chưa có một ngày hạnh phúc”. Chị Trần Thị Thắm hiện là nhân viên của một spa ở Biên Hòa, Đồng Nai. Chị hát cho cô ruột là Trần Thị Huê, 77 tuổi. Bà Huê bị sốt bại liệt từ nhỏ nên một chân bị teo lại, di chuyển khó khăn.
Bị tật nguyền lại một mình nuôi con, bà Huê thật sự chưa có một ngày được sung sướng. Không những vậy, cách đây gần 10 năm, mắt bà đã không còn nhìn rõ được nữa. Hiện tại bà đang sống cùng con gái và chỉ nằm một chỗ nên con gái vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ.
Con gái bà không dám lập gia đình vì sợ không thể chăm sóc được cho mẹ. Bà Huê không ước điều gì lớn lao, chỉ cầu mong có thể đi đứng bình thường. Nhà bà Huê đang ở đã hơn 20 năm, bây giờ xuống cấp trầm trọng. Chị Thắm muốn tham gia cuộc thi để kiểm chút tiền sửa sang lại nhà giúp cô mình, đồng thời giúp bà thêm khoản tiền thuốc men.
Câu chuyện cuối cùng của ông Trần Quốc Tân đang làm in ấn tại nhà. Ông Tân đăng kí tham gia chương trình để hát cho anh Châu Hoàng, người mà anh quen trong một dịp làm từ thiện. Anh Hoàng làm nghề bán bong bóng dạo nên thu nhập cũng rất bấp bênh.
Trước đây, anh từng đi chụp ảnh ở các tiệc cưới hoặc sinh nhật nhưng sau này máy móc không còn hoạt động tốt, lại không có tiền mua máy mới nên anh đành bỏ nghề. Mẹ bị tiểu đường còn em bị động kinh từ nhỏ nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Ở thời điểm hiện tại, anh Hoàng mong muốn có thể tiếp tục với niềm đam mê chụp ảnh và giúp gia đình cải thiện đời sống. Ông Tân muốn hát để giúp anh Hoàn có tiền mua máy ảnh mới, học hỏi và trau dồi thêm nghề nhiếp ảnh để ổn định kinh tế, lo cho gia đình tốt hơn.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn