Có còn khoảng cách kịch Nam - Bắc khi sân khấu truyền hình lên ngôi?

Thứ ba - 28/11/2017 05:19
Sự tham gia đồng diễn xuất của những danh hài Nam - Bắc trong những chương trình truyền hình hay việc các nhà hát Hà Nội mua kịch bản của sân khấu Sài Gòn về dựng đang cho thấy khái niệm về kịch Nam, kịch Bắc đang sát gần nhau.

Kịch Bắc - Kịch Nam: Đâu là ranh giới?

Mới đây, đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ đã bắt tay với nhà viết kịch Bùi Ngọc Bảo và đạo diễn Vũ Minh - hai gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch Sài Gòn - để dựng vở “Tôi đẹp… tôi có quyền”. Đây có lẽ là lần hiếm hoi, một đạo diễn kịch phía Nam ra Bắc dàn dựng tác phẩm cho một sân khấu công lập.

Sự kiện này gây chú ý đặc biệt từ giới mộ điệu sân khấu không hoàn toàn vì cuộc Bắc tiến kia. Bởi cách đây 4 năm, đoàn kịch Công an Nhân dân của NSƯT Trần Nhượng cũng đã mua bản quyền vở “Hồn ma báo oán” ăn khách của Kịch Phước Sang về dựng lại.

Nhưng nếu như nghệ sĩ Trần Nhượng mới chỉ dám mang kịch Nam vốn bị giới chuyên môn thủ cựu phía Bắc xem là “câu khách” về sân nhà thì NSƯT Chí Trung đi một bước táo bạo hơn, mời đạo diễn Sài Gòn ra thủ đô. Nói tạo bạo là vì, Hà Nội không thiếu đạo diễn nổi tiếng. Bản thân Chí Trung cũng là một đạo diễn hài kịch có nghề. Nhưng hành động này cho thấy vị Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã mạnh mẽ tìm kiếm một hướng mới cho sân khấu thủ đô. Bình mới và rượu cũng mới.

Có còn khoảng cách kịch Nam - Bắc khi sân khấu truyền hình lên ngôi?
Một cảnh trong vở Gia môn bất hạnh sẽ lên sóng Truyền hình FPT vào 20h ngày 1/12.

Cố NSND Đình Quang khi tham dự trọn vẹn kì Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tại Huế từngnhận định: “Lợi thế của sân khấu kịch Sài Gòn là sức trẻ, sự năng động, không ngại thay đổi và thử nghiệm, còn lợi thế của sân khấu kịch Hà Nội là lớp diễn viên có tài, được đào tạo bài bản, vững vàng về nghề. Giá như có thể kết hợp được cả hai điều này với nhau.”

Thực tế những điều này đã và đang tiến sát và hòa hợp vào nhau trong những năm qua. Khi truyền hình thực tế nở rộ chiếm sóng giờ Vàng, không ít gương mặt sân khấu phía Bắc đã Nam tiến và được khán giả phía Nam đón nhận nhiệt thành như các nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng… Cũng giống như Hồng Vân, Hoài Linh luôn được khán giả phía Bắc hâm mộ khi họ đặt chân tới sân khấu gala cười trước đây.

Mặc dù vậy, sự khác biệt giữa kịch Bắc - kịch Nam vẫn tồn tại. Nhiều người cho rằng kịch Bắc quá sâu sắc đến cứng nhắc, khó hiểu và không hợp với gu giải trí của khán giả Nam, còn kịch Nam thì hấp dẫn nhưng hời hợtkhông lấy lòng được khán giả Bắc. Sự ái mộ của công chúng Hà Nội dành cho Hồng Vân, Hoài Linh hay sự chào đón của công chúng Sài Gòn dành cho Xuân Bắc - Tự Long chỉ đơn giản là thái độ đối với cá nhân nghệ sĩ dám làm mới mình, dám thay đổi mình cho phù hợp với khẩu vị khán giả vùng miền.

Nhưng quan điểm ấy sẽ giải thích ra sao cho việc Kịch Phú Nhuận thắng lợi rực rỡ với vở “Làm đĩ” của nhà viết kịch Chu Thơm, một cây viết Hà Nội, chuyệnvề đề tài xã hội lịch sử và không hề dễ dãi với các mảng miếng sân khấu? Cũng như giải thích thế nào khi vở kịch kinh dị “Hồn ma báo oán” đơn thuần là giải trí của đoàn Công an Nhân dân lại vô cùng hút khách, nhận được sự thích thú của người xem?

Truyền hình có phải là bà mối?

Rõ ràng, những dẫn chứng trên cho thấy thị hiếu thưởng thức của công chúng hai miền đã không còn sự khác biệt quá lớn về khẩu vị. Có thể ví von rằng người Hà Nội bắt đầu thích thú với cơm Tấm Sài Gòn cũng như người Sài Gòn đang theo phong trào ăn bún đậu mắm tôm Hà Nội. Món “ngon” là sẽ được ủng hộ thôi. Tìm đến các sân khấu để vừa thỏa mãn nhu cầu xem để giải trí vừa tìm kiếm những bài học giá trị về xã hội thời cuộc.Nhu cầu ấy không có tính vùng miền.

Cũng phải nhìn nhận rằng, sự nở rộ của sân khấu truyền hình trong vài năm trở lại đây, dù là truyền hình thực tế hay truyền hình nhà hát, cũng đang thu hẹp dần khoảng cách khẩu vị vốn tồn tại thực sự vào những thập niên trước.

Việc đưa lên truyền hình những tác phẩm sân khấu đa dạng hơn về màu sắc, phong vị, đa dạng từ xuất xứ đến cách dàn dựng đã khiến khán giả có cái nhìn rộng mở hơn và cởi mở hơn. Điều này cũng tác động không nhỏ vào nhận thức của chính những người làm chuyên môn khiến họ thay đổi trong tư duy sáng tạo nghệ thuật.

Có còn khoảng cách kịch Nam - Bắc khi sân khấu truyền hình lên ngôi? - Ảnh minh hoạ 2
Nghệ sỹ Hồng Vân (áo đen, bên phải) trên sân khấu kịch.

Cũng vừa mới đây, sân khấu kịch tương tác trên Truyền hình FPT đã hợp tác thêm với sân khấu kịch Hồng Vân để có những vở diễn mới phát song song với các tác phẩm hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ. NSND Hồng Vân rất thẳng thắn khi bày tỏ rằng, việc đưa Kịch Phú Nhuận lên truyền hình tương tác của FPT không chỉ là thêm vào sân khấu tương tác hiện đại này một gia vị mới mà còn là dịp để đo lường, nắm bắt thị hiếu khán giả. Từ đó có những sáng tạo, thay đổi đúng hướng và đáp ứng được nhu cầu của người xem.

Đây cũng là mục đích mà phía Truyền hình FPT theo đuổi khi triển khai dự án này. Họ mong muốn mang kịch truyền thống đến gần hơn với khán giả cả nước theo một cách thức mới, mang đậm tính tương tác hơn. Các vở kịch dù Nam, hay Bắc khi được trình bày tới khán giả cũng sẽ được cân bằng hơn giữa yếu tố giải trí và học thuật. Và điểm đặc biệt là khán giả có quyền tham gia và đóng góp vào tác phẩm, là một phần của tác phẩm thông qua việc lựa chọn cái kết. Đây là cơ hội tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ và công chúng, vốn hiếm gặp ở những nhà hát theo lối cũ.

Các vở kịch tương tác sẽ lên sóng hàng tuần vào lúc 20h00 thứ 6 trên Truyền hình FPT. Sau vở kịch “Ghen” với diễn xuất của Nhà hát Tuổi trẻ, tuần này sân khấu kịch Hồng Vân sẽ trở lại với vở “Gia môn bất hạnh”. Thông tin chi tiết xem thêm tại website của Truyền hình FPT

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây