Bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” thoạt nhìn giống như hình ảnh cắt ngang một căn hầm bí mật. Trung tâm bức tranh là hình ảnh bà má miền Nam cùng người con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ sinh hoạt quen thuộc như: chiếc làn đỏ, chai nước, cặp lồng cơm, chiếc mền kê chân…
Bức tranh không nhiều chi tiết nhưng tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ chiến đấu trong thành phố thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
“Đây là hình ảnh quen thuộc trong những năm chống Mỹ. Các chiến sĩ hoạt động trong vùng tạm chiếm cần sự che chở của nhân dân, của các bà mẹ, các bà má. Người mẹ ngẩng cao đầu vững vàng, bàn tay mẹ cùng bàn tay người em gái đặt nhẹ vào chỗ bị thương nơi bắp chân của anh chiến sĩ được quấn băng trắng.
Những ánh mắt giao nhau đầy cảm thông cùng sự khuyến khích, an ủi. Bức tranh với bút pháp thô khỏe, mộc mạc, nội dung giản dị nhưng gây xúc động, gợi không khí kháng chiến thời kỳ trước”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến nhận xét.
NGND, Hoạ sĩ Hoàng Trầm sinh năm 1928 tại Sài Gòn, nguyên quán Long An, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1964. Ông hoàn thành bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” năm 1980 và đã giành giải A tại kỳ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tổ chức cùng năm.
Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã thể nghiệm nhiều thể loại như: sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ về hình tượng người lính, tình quân dân… Trong đó, những bức tranh sơn mài của ông được đồng nghiệp và giới chuyên môn đánh giá là thành công nhất. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt I năm 2001.
Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm là một người con của quê hương Nam Bộ (Long An) nên thật dễ hiểu khi ông dành nhiều tâm huyết với đề tài giải phóng miền Nam. Các tác phẩm của ông thể hiện năng lực sáng tạo về bố cục hình tượng, màu sắc cùng phong cách rất riêng biệt.
Bức tranh sơn mài “Trái tim và nòng súng” là một tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sống động cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của phụ nữ Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
“Trái tim và nòng súng” tái hiện đoàn người biểu tình, đa phần là phụ nữ Nam Bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá, đang đấu tranh với lực lượng vũ trang của địch.
“Trọng tâm của bức tranh là hai người phụ nữ với dáng điệu cương quyết, tượng trưng cho chính nghĩa. Sự tương phản giữa khí thế lấn át của đông đảo quần chúng với sự đơn độc của kẻ thù đã thể hiện không khí cách mạng rực lửa, lòng căm thù quân giặc cùng niềm tin chiến thắng của những người biểu tình.
Màu đỏ son trầm lắng bao trùm toàn cảnh bức tranh. Hình ảnh đó như minh chứng về một chặng đường cách mạng đã qua với chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ cảm nghĩ.
Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (1922 – 1987) là một trong những cánh chim đầu đàn phát triển nền Mỹ thuật Việt Nam. Ông hoàn thành bức tranh “Trái tim và nòng súng” năm 1963.
“Có thể nói, Huỳnh Văn Gấm đã đem đến cho hội họa sơn mài Việt Nam một hiệu quả phi thường của nghệ thuật diễn tả ánh sáng tập trung và khối nổi – khả dĩ ứng dụng trên những bố cục quy mô hoành tráng, có sức chuyển tải những chủ đề tư tưởng lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét.
Tác phẩm “Trái tim và nòng súng” đã góp phần mang đến cho hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật năm 1990.
Tác phẩm tranh lụa “Bên chiến hào Vĩnh Linh” được hoạ sĩ Đào Đức sáng tác trong giai đoạn đi thực tế ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đầu những năm 1970. Kể từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, con sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt hai miền đất nước. Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh tại Việt Nam, Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa hết sức ác liệt.
Bên chiến hào, nơi những thân cây cháy xém, sườn đồi trơ trụi với những mô đất gồ ghề bị xới tung bởi bom đạn, hai anh lính, người cảnh giới, người đọc báo cho nữ dân quân cùng nghe.
Trong khoảng lặng ấy của chiến tranh, sức sống mãnh liệt và khát vọng hòa bình của quân dân Vĩnh Linh được thể hiện ở những mầm xanh vươn lên mạnh mẽ từ những thân cây đổ nát, cùng màu xanh áo lính của những nam nữ thanh niên còn rất trẻ.
Bằng lối vẽ tả thực, bố cục hình tam giác chắc chắn, sử dụng chất liệu lụa mềm mại, tác phẩm lên án sự tàn phá của chiến tranh, đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
NSND, Hoạ sĩ Đào Đức là một trong số 22 sinh viên của khóa Họa sĩ kháng chiến (1950-1954). Sau khi Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa (1925-1945), đây là khóa học chính thức đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập tại an toàn khu tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hoạ sĩ Đào Đức vừa vẽ tranh, vừa thiết kế mỹ thuật điện ảnh. Tranh của ông đa dạng về chất liệu và loại hình, nhưng thành công hơn cả là tranh cổ động. Ông đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về thể loại tranh này.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn