Ở những thập niên âm nhạc trước, phong cách đồng sáng tác phổ biến nhất là giữa hai nghệ sĩ, những cặp đôi sáng tác ăn ý nhất trong âm nhạc đã từng thống trị các bảng xếp hạng, có thể kể tới John Lennon - Paul McCartney của The Beatles, Mick Jagger - Keith Richards của Rolling Stones, hay Björn Ulvaeus - Benny Andersson của ABBA…
Nhưng giờ đây, các bản hit “oanh tạc” các bảng xếp hạng, các trang nghe nhạc trực tuyến thường là sản phẩm của một tập thể nhạc sĩ. Vậy để có thể tạo ra một bản hit chinh phục thị trường cần có bao nhiêu nhạc sĩ cùng tham gia sáng tác?
Một nghiên cứu mới của tạp chí âm nhạc Music Week (Anh) đã cho thấy rằng giờ đây, người ta cần trung bình 4,53 nhạc sĩ cùng chung tay sáng tác mới có cơ may tạo ra một bản hit chinh phục thị trường.
Tờ tạp chí này đã phân tích 100 nhạc phẩm thành công nhất thị trường âm nhạc 2016, và phát hiện ra rằng chỉ có 4 nhạc phẩm được sáng tác bởi duy nhất một nhạc sĩ. Đó là “I Took A Pill In Ibiza” của Mike Posner, “My Way” của Calvin Harris, và hai bản hit của nhóm nhạc rock Twenty One Pilots.
Cách đây 10 năm (năm 2006), con số trung bình về số lượng nhạc sĩ tham gia sáng tác để tạo nên một ca khúc đình đám là 3,52; và có tới 14 ca khúc trong top 100 bài hát của năm 2006 là do một nhạc sĩ sáng tác, như “Rehab” của Amy Winehouse, “When The Sun Goes Down” của Arctic Monkeys.
Nhạc phẩm đình đám hàng đầu trong năm 2016 - “One Dance” của rapper Drake - cần tới 8 nhạc sĩ cùng tham gia sáng tác, nhưng con số đó vẫn là khiêm tốn khi đem so sánh với nhạc phẩm “Uptown Funk” của Mark Ronson ra mắt hồi năm 2014 với 13 nhạc sĩ cùng tham gia sáng tác.
Khi nhạc phẩm này chinh phục người nghe nhạc trên khắp thế giới, một số tờ tạp chí âm nhạc đã hài hước bình luận rằng đây hẳn là nhạc phẩm có số lượng nhạc sĩ tham gia sáng tác “khủng” nhất trong lịch sử âm nhạc.
Ngay cả những ca sĩ solo vốn nổi tiếng với khả năng tự sáng tác “cực đỉnh” như Adele, Taylor Swift, Ed Sheeran, cũng vẫn phải dựa vào những nhạc sĩ khác cùng tham gia sáng tác chung với mình.
Vậy tại sao các bản hit trong thị trường âm nhạc quốc tế càng lúc càng đòi hỏi nhiều nhạc sĩ tham gia sáng tác? Có phải nhạc sĩ đương đại lười biếng hay thiếu tài năng để có thể độc lập sáng tác? Theo giám đốc của nhà xuất bản ấn phẩm âm nhạc Warner/Chappell UK (Anh), nguyên nhân là bởi nền công nghiệp âm nhạc hiện nay đã thay đổi:
“Nếu cách đây 20 năm, một nghệ sĩ cần tung ra 2-3 album mới có thể mài giũa bén nhọn khả năng sáng tác, thì trong bối cảnh đương đại, người ta cần đẩy nhanh quá trình đó, 2-3 album ra mắt mà không tạo được hiệu ứng mạnh là một thất bại, các hãng thu âm sẽ chủ động mời những nhạc sĩ chuyên nghiệp tới làm việc với nghệ sĩ trẻ để giúp họ bước đi nhanh và vững hơn”.
Nữ nhạc sĩ người Thụy Điển - Tove Lo, người từng sáng tác ca khúc cho các nhóm nhạc như Girls Aloud (Anh) hay Icona Pop (Thụy Điển), đã từng tham gia vào những trại sáng tác.
“Trước khi là một nhạc sĩ được ký hợp đồng sáng tác, tôi thường tự một mình sáng tác và sản xuất âm nhạc. Nhưng khi tham gia vào những trại sáng tác, tôi học được nhiều điều từ các nhạc sĩ khác. Nhìn chung, khi một mình sáng tác, ca khúc từ đầu đến cuối ít có sự đột phá gây bất ngờ. Điều này sẽ đạt được khi sáng tác theo nhóm”, Tove Lo chia sẻ.
Các trại sáng tác hiện là hình thức phổ biến trong các nền công nghiệp âm nhạc lớn, khi đó, nhiều nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, nhạc công… sẽ cùng ngồi lại với nhau để viết ra thật nhiều ca khúc dành riêng cho một ca sĩ cụ thể đang đặt hàng.
Nữ nhạc sĩ người Anh Dyo vốn thường hỗ trợ các thí sinh của cuộc thi Nhân tố Bí ẩn (Anh) sáng tác ca khúc mới cho biết: “Người ta sẽ đưa ra cho bạn một số định hướng, chẳng hạn: Chúng tôi cần nhạc phẩm nhanh, mạnh, tình tứ. Sau đó, ê-kíp sẽ cùng ngồi lại để đưa ra những ý tưởng và bắt tay vào sáng tác”.
Nữ nhạc sĩ người Anh Raye hé lộ: “Những trại sáng tác có cách làm việc rất kỷ luật. Tôi từng tham gia trại sáng tác phục vụ cho một nữ ca sĩ nổi tiếng hàng đầu thế giới hiện nay. Họ thuê nguyên một studio lớn, phân mỗi nhạc sĩ về một phòng riêng, yêu cầu các nhạc sĩ sáng tác ‘nháp’ càng nhiều ca khúc càng tốt. Làm việc trong các trại sáng tác như vậy rất áp lực, nhưng sau cùng, chắc chắn sẽ có được những bài hát ưng ý”.
Mặt trái của các nhạc phẩm được sáng tác theo nhóm, đó là mỗi nhạc sĩ sẽ nhận được một phần tác quyền và không phải ai cũng được chia phần như nhau. Những nhạc sĩ ít tên tuổi, đóng góp chỉ một vài ca từ trong toàn bộ nhạc phẩm có thể chỉ nhận được 1% trong tổng số tiền tác quyền. Càng đông nhạc sĩ tham gia sáng tác, việc chia phần lợi nhuận càng phức tạp.
Thêm vào đó là sự nhạt nhòa, một màu. Những nhạc sĩ biết cách tạo ra bản hit luôn nhận được “tới tấp” những lời mời tham gia trại sáng tác từ các ca sĩ đình đám. Vì vậy, nếu có lúc nào đó, bạn cảm thấy dường như nhiều nhạc phẩm nghe “na ná” như nhau, điều đó hoàn toàn có cơ sở bởi đằng sau đó là những trại sáng tác với những nhạc sĩ quen thuộc.
Ngoài ra, nguy cơ khiến một ca sĩ đánh mất cá tính riêng trong âm nhạc cũng là điều dễ xảy ra với phong cách “trại sáng tác”. Bởi khi có cả một đội ngũ tham gia vào quy trình sáng tác, cái Tôi của mỗi người đều phải giảm bớt, cái Tôi của cả ca sĩ đặt hàng cũng sẽ bớt đi.
Mark Ronson - Uptown Funk ft. Bruno Mars
Tác giả: Bích Ngọc Theo BBC/Music Week
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn