"Không phải cứ hở là đẹp"
Khi nhắc đến Phạm Thu Hà, người ta thường nhắc đến một cô công chúa, nàng họa mi trên sân khấu. Dường như định hướng trang phục biểu diễn của Thu Hà luôn là chỉn chu và kín đáo?
Trang phục biểu diễn của tôi khá đồng điệu với âm nhạc mà tôi theo đuổi là bán cổ điển. Tôi không bao giờ muốn gây sốc trong cách ăn mặc. Quan điểm về cái đẹp của tôi không nhất thiết lúc nào cũng cần hợp mốt mới là đẹp. Thứ nữa, không phải hở là đẹp mà phải phù hợp với mình và phù hợp với ca khúc mình chọn.
Bước đầu tiên, khi chọn trang phục, tôi thường chọn trang phục có sự cổ điển. Trong cuộc sống bình thường, trang phục của tôi khá đơn giản nhưng khi lên sân khấu, tôi rất cầu kì, tôi muốn chỉn chu từng chi tiết, chính vì lẽ đó, mọi người ưu ái đặt nick-name ưu ái là cô công chúa, nàng họa mi trên sân khấu.
Hiện tại, nở rộ các game show, truyền hình thực tế về âm nhạc, đặc biệt là nhạc trẻ, nhưng dường như âm nhạc cổ điển hầu như chưa có những chương trình truyền hình thực tế. Thu Hà nghĩ sao về việc nên chăng có những chương trình truyền hình thực tế về nhạc cổ điển?
Game show hay lấy rating và lượng khán giả trong khi âm nhạc cổ điển rất đẹp nhưng cũng rất kén người nghe. Hà hiểu con đường Hà đang đi là một con đường khó khăn, đầy chông gai nhưng Hà vẫn kiên định suốt 5 năm với mong muốn mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.
Chính vì lẽ đó, Hà đã kết hợp nhạc cổ điển với các dòng nhạc khác để đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng, ví dụ đĩa đầu tay Classic Meets Chillout giúp Hà đạt giải Cống hiến là Hà kết hợp nhạc cổ điển với nhạc điện tử.
Một lần khác, Hà kết hợp với nhạc sĩ Đức Trí làm đĩa Tựa như gió phiêu du kết hợp giữa pop và nhạc cổ điển. Vì vậy không có cớ gì Hà lại không mong mỏi có một game show truyền hình quy mô để khán giả cảm nhận được vẻ đẹp của nhạc cổ điển.
Dùng thực lực bước qua tin đồn
Thu Hà vừa nhắc tới chặng đường chông gai 5 năm mình theo đuổi âm nhạc bán cổ điển, vậy điều khó khăn nhất mà Hà từng trải qua là gì?
Thời điểm khó khăn nhất là khi Hà nhận giải Cống hiến, đó là giải thưởng mà có lẽ bất cứ nghệ sĩ làm nghề nào cũng đều mong mỏi có được. Tuy nhiên, khi đó có những tin đồn như Hà đút tiền để chạy giải. Trong khi Hà nhận được rất nhiều lời khen rằng, đĩa rất lạ khi kết hợp giữa âm nhạc cổ điển với Chillout là nhạc điện tử đã gây sự chú ý cho truyền thông.
Khi có những tin đồn, Hà đã chuẩn bị sẵn tâm thế vì khi bước vào con đường này là chấp nhận cả tin tốt lẫn tin xấu, tuy nhiên ít nhiều tôi cũng cảm thấy niềm vui không trọn vẹn khi nhận giải. Các sản phẩm sau này tôi cố gắng đầu tư để chứng minh thực lực của mình. Tựa như gió phiêu du hay Hà Nội... Yêu tôi đầu tư phối khí hoàn toàn ở Mỹ, thu âm cùng ban nhạc ở Mỹ. Còn đĩa than đầu tay sắp ra mắt tới đây, tôi thu âm ở Việt Nam còn các khâu mix, master đều ở Mỹ.
Niềm vui nhận giải Cống hiến sẽ không dừng lại ở đó mà tôi coi đó là áp lực để làm tốt hơn các sản phẩm sau này.
Tâm thế khi đón những tin đồn ở thời điểm này đã khác so với 5 năm trước chưa?
Khán giả bây giờ tinh lắm, vì mạng xã hội ngày càng phát triển, chỉ cần một chút đồn thổi cũng sẽ lan tỏa rất nhanh. Nhìn lại chặng đường 5 năm đi qua tôi thấy rất vững vàng, tôi hiểu rằng trong xã hội mình đang sống có những người quý mình, ủng hộ mình nhưng cũng có người không ưa mình, điều đó không có gì lạ.
Bước vào con đường âm nhạc đã vướng một tin đồn sốc như vậy tôi hơi buồn nhưng tôi tin mình đủ ý chí để đi trên con đường chông gai này, đứng trên mọi dư luận, chứng minh bằng thực lực.
Nhưng có một thực tế đang diễn ra trong showbiz Việt, có nhiều người cho rằng, không có scandal, nghệ sĩ khó mà nổi được?
Mỗi người nghệ sĩ sẽ chọn một cách tiếp cận khán giả, và tôi luôn chọn sự chuẩn mực, đó là dùng chuyên môn thuyết phục khán giả. Tôi học 10 năm ở Nhạc viện để mang những kiến thức thầy cô dạy và mong mỏi nhạc cổ điển gần gũi hơn với khán giả Việt Nam.
Có một thực tế là rất nhiều sinh viên dòng nhạc cổ điển loay hoay về tài chính để làm các sản phẩm nghiêm túc. Bởi nhạc cổ điển bắt buộc đi theo dàn nhạc, phần phối khí cũng đầu tư rất tốn kém. Tôi may mắn gặp các nhạc sĩ giỏi như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, Đức Trí và có nền tảng gia đình hỗ trợ, anh rể và chị gái đều làm nhạc bên Mỹ. Mọi người không đặt nặng vấn đề tài chính hậu thuẫn nhiệt tình cho tôi.
Nhắc đến nhạc cổ điển, không thể không nhắc đến nghệ sĩ Lê Dung. Đến giờ mặc dù cô đã mất nhưng tên tuổi của cô còn sống mãi. Âm nhạc cổ điển là bề dày theo năm tháng. Đến 50, 60 tuổi tôi vẫn có thể hát nhạc cổ điển, đó là sự bền bỉ của nghề nghiệp.
Khó khăn nhiều như vậy, có bao giờ chị muốn bỏ cuộc với dòng nhạc bán cổ điển chưa?
Đây là dòng nhạc mà tôi yêu và đã chọn, bản thân cũng ở độ tuổi không quá trẻ để dễ bị lay động nữa.
Có thể nói, Thu Hà là một nghệ sĩ vừa có thanh, có sắc, Thu Hà có tự hào về sự giao thoa đó không?
Bất kì nghệ sĩ nào cũng mong muốn hội đủ hai yếu tố thanh sắc. Ngoại hình trên sân khấu cũng rất quan trọng, chính vì lẽ đó tôi rất cầu kì mỗi khi lên sân khấu là vì vậy. Nhưng tôi nghĩ đó là một may mắn. Tôi không dám khẳng định mình nổi bật nhưng đủ phục vụ cho dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi. Và tôi cũng rất biết ơn cuộc sống đã cho mình rất nhiều may mắn như vậy.
Khát khao làm một sản phẩm để đời
Một ngày bình thường của Thu Hà bắt đầu như thế nào?
Buổi sáng tôi thức dậy bằng âm nhạc, thường là đĩa than cổ điển không lời, tuy nhiên, tôi không chỉ nghe nhạc cổ điển, mọi âm nhạc đều rất đẹp, tôi nghe nhiều để có thể hiểu được nhiều hơn. Sau đó, tôi nấu ăn sáng, tôi thường không ăn sáng ở ngoài, vì tôi rất thích nấu nướng.
Tính cách của Thu Hà hẳn sẽ có nhiều nét tương đồng với dòng nhạc đang theo đuổi?
Tôi là người rất hướng nội. Thường thường nếu đi du lịch tôi sẽ chọn một vài địa điểm để cảm nhận trọn vẹn. Ví dụ đến tôi chọn sông Seine, lên cầu tình yêu ngồi lặng ngắm khung cảnh. Tôi thích sự lãng mạn, không thích sự ồn ào.
Còn trong tình yêu thì sao?
Tôi rất muốn sự yên bình, ổn định, chắc chắn người yêu của tôi cũng là người rất đồng điệu về điều đó.
Thu Hà vừa nhắc tới đĩa than đầu tay sắp ra mắt, Thu Hà có thể chia sẻ thêm về dự định âm nhạc này không?
Khi mọi người nhắc đến Phạm Thu Hà mọi người đều nói đây là cô ca sĩ hát nhạc cổ điển giao thoa, chính vì thế một đĩa than là ước mơ, mong mỏi của Hà từ rất lâu rồi.
Album đĩa than đầu tay Đường em đi của Hà được hòa âm, phối khí bởi nhạc sĩ Duy Cường, chính là con trai của nhạc sĩ Phạm Duy, bao gồm toàn bộ các tác phẩm kinh điển của nhạc sĩ Phạm Duy.
Album hoàn toàn được cơ cấu với dàn nhạc giao hưởng, vì lẽ đó mà tất cả các ca khúc phối khí rất hoành tráng. Vì con trai của nhạc sĩ Phạm Duy rất hiểu về âm nhạc của ba mình, chính vì lẽ đó mà mỗi bản hòa âm phối khí đều có hình ảnh.
Cộng đồng người nghe đĩa than rất ít, bởi kén người nghe. Tuy nhiên, Thu Hà muốn khẳng định mình đã học cổ điển và muốn hát các ca khúc của tác giả Việt Nam. Đây là sản phẩm để đời mà Hà ấp ủ từ rất lâu rồi.
Hà rất ngưỡng mộ anh Duy Cường, không phải ngẫu nhiên mà anh được ví là phù thủy hòa âm. Làm việc với anh, Hà được mở mang nhiều kiến thức. Được hát những ca khúc của chính cha anh, Hà cảm thấy có nhiều cảm xúc và vô cùng xúc động.
Cảm ơn Phạm Thu Hà về cuộc trò chuyện!
Phạm Thu Hà tên khai sinh là Phạm Thị Thu Hà (sinh 09 tháng 10 năm 1982), là nghệ sĩ thanh nhạc biểu diễn chuyên nghiệp. Cô đã tốt nghiệp Thạc sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Cô từng phát hành các Album: Tình thu, Classic Meets Chillout, Tựa như gió phiêu du, Hà Nội… Yêu! Cô đạt Giải Cống Hiến của năm 2013 cho "Album của năm".
Tác giả: Phương Nhung
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn