Hoạ sỹ Thành Chương cho rằng: "Từ cổ chí kim, các tác phẩm hội hoạ, tác phẩm điêu khắc, tác phẩm sắp đặt… có liên quan đến đề tài khoả thân hoặc phô bày các bộ phận nhạy cảm của con người đã được tạo tác rất nhiều, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á… Và tượng nhân sư là dạng tượng rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Thậm chí, có nhiều nơi ở Việt Nam còn tôn thờ các biểu tượng sinh thực khí của người nam (linga) và người nữ (yoni) như người Chăm hoặc bài trí các hình tượng mang tính phối ngẫu giữa nam và nữ như ở nhà mồ của đồng bào thiểu số Tây Nguyên. Mặc dù họ tôn sùng các biểu tượng phồn thực một cách công khai nhưng không ai thấy phản cảm cả bởi nó được tạo tác thẩm mỹ và đặt trong môi trường văn hoá cụ thể.
Xem kỹ bộ tượng 12 con giáp ở Hải Phòng tôi thấy bộ tượng này vô cùng phản cảm vì tính nghệ thuật không có. Một tác phẩm nghệ thuật theo đề tài khoả thân mà không có tính nghệ thuật sẽ thành phản cảm, đó là điều đương nhiên. Các bộ phận sinh dục gắn ở tượng trở nên thô thiển, tục tĩu và phản cảm… Tôi cho rằng, bộ tượng này không những không có tính nghệ thuật mà còn là một thứ nhăng nhố, lai tạp, hổ lốn… Tóm lại là chả ra cái gì cả. Theo tôi là nên sớm dẹp bỏ bộ tượng này đi để sạch mắt người xem và trả lại cảnh quan ở đó đẹp một cách tự nhiên như nó vốn có.
Hoạ sỹ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: "Tôi nghĩ bộ tượng này không những không có tính thẩm mỹ mà còn phản cảm. Có hai lí do để khẳng định điều đó.
Thứ nhất, về mặt nội dung, thông điệp của tác phẩm khi mang đến cho người xem ở đây không có. Ở một số nước trên thế giới, người ta tạc tượng nhân sư tức đầu người - mình thú, còn ở đây thì làm ngược lại kiểu đầu thú - mình người. Người ta làm tượng nhân sư để hướng đến giá trị nhân văn.
Nghĩa là con thú có như thế nào đi chăng nữa người ta vẫn mong muốn chúng có suy nghĩ và tình cảm của con người bởi con người là tinh hoa nhất của vũ trụ dưới gốc độ nhân văn. Còn ở đây không hiểu theo triết lý gì mà lại làm ngược lại. Xét về tư duy là rất tuỳ tiện. Chính vì thế mà không có giá trị gì về mặt nhân văn cả.
Về mặt nghệ thuật cũng không có gì để bàn bởi nó là sản phẩm tuỳ tiện kiểu giao cho người thợ đục đá theo ý tưởng của người đặt hàng mà thôi. Cho nên dư luận lẫn truyền thông nói phản cảm và thiếu tính nhân văn cũng đúng thôi.
Cách đây mấy ngày tôi cũng vừa thảo một văn bản để trình lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ký liên quan đến chuyện đặt các tác phẩm tượng - biểu tượng ở những nơi công cộng. Văn bản chưa ký xong nên chưa thể ban hành. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý thì tôi thấy cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng đối với việc đặt tác tác phẩm tượng - biểu tượng ở những nơi công cộng.
Cụ thể, các Sở Văn hoá - Thể thao/ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phải kiểm soát việc đó. Nếu cá nhân/tổ chức làm tượng đặt trong nhà riêng thì ai can thiệp nhưng nếu đặt ở những vị trí công cộng thì chắc chắn phải chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm soát ở đây là kiểm soát về mặt nội dung, nghệ thuật… để đảm bảo những tác phẩm được đặt ở vị trí đó ít nhất cũng phải mang giá trị nhân văn, phải mang lại mỹ cảm cho đời sống hoặc môi trường sống của con người chứ.
Liên quan đến tượng 12 con giáp được cho là gây phản cảm tại công ty Cổ phần Du lịch Hòn Dáu, trao đổi với sáng nay (27/3) một lãnh đạo Sở VHTT cho biết, vườn tượng này thuộc doanh nghiệp và đã có từ năm 2017. Do doanh nghiệp xây dựng trong khuôn viên của công ty nên họ không báo cáo.
Cũng theo vị lãnh đạo này, tuy không thuộc trách nhiệm của sở nhưng trước vấn đề dư luận đang quan tâm về sự phản cảm của những bước tượng này, sở cũng sẽ vào cuộc, phối hợp cùng sở Du lịch có ý kiến với doanh nghiệp. Sáng cũng ngày, một lãnh đạo quận Đồ Sơn cũng cho biết, quận cũng sẽ có ý kiến với doanh nghiệp về vấn đề này.
Tác giả: Hải Sâm
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn