Liên đoàn bóng đá tốt nhất là liên đoàn gắn với các sự cố to đùng
Giải thưởng Liên đoàn của năm thuộc về Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI), một trong những Liên đoàn bóng đá cấp quốc gia chịu nhiều tai tiếng nhất… thế giới hiện nay.
Cách nay 2 năm, PSSI từng bị FIFA cấm tham gia các hoạt động bóng đá vì những bất ổn và vì những đấu đá trong nội bộ của tổ chức này, khiến cho cơ quan quản lý nhà nước ở xứ vạn đảo phải can thiệp.
2 năm sau lệnh cấm, PSSI cố gắng tái hoà nhập với bóng đá khu vực và quốc tế, nhưng vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề. Đội tuyển Indonesia bất ổn về chuyên môn, trong khi đó, ở công tác tổ chức, bóng đá xứ vạn đảo làm mất mặt bóng đá Đông Nam Á nói chung.
Đầu tiên là sự cố vào ngày 5/9, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, CĐV Indonesia làm loạn, tràn sang tấn công CĐV Malaysia ở sân Gelora Bung Karno (sân nhà của Indonesia). Vụ việc khiến PSSI bị FIFA phạt 45.000 franc Thuỵ Sĩ (khoảng 1,04 tỷ đồng).
Tiếp đó là bạo loạn kinh hoàng ở giải vô địch quốc gia Indonesia Liga 1, được khơi mào bởi CĐV CLB Persebaya Surabaya, sau trận đội này thua CLB PSS Sleman 2-3 ở vòng 25 giải đấu này.
Sự việc nghiêm trọng đến mức có thông tin FIFA đang xem xét đến khả tước quyền đăng cai VCK World Cup U20 mà họ vừa trao cho Indonesia trước đó không lâu, vì lo ngại sự an toàn của giải đấu.
Cả 2 sự việc rất nghiêm trọng nêu trên đều xảy ra ngay trước lễ trao giải AFF Awards năm nay, nhưng những nhà tổ chức hầu như không để ý, cũng không xem đó là những vết gợn là điểm trừ đối với các ứng viên tranh giải.
Những giải thưởng được trao… “nhầm” chỗ và “nhầm” người
Danh hiệu thiếu thuyết phục tiếp theo là giải đội bóng nữ hay nhất năm dành cho đội nữ Thái Lan, thay vì đội nữ Việt Nam.
Đành rằng năm 2019 là năm Thái Lan dự VCK World Cup bóng đá nữ, là đội bóng Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử nhận được vinh dự này. Nhưng thực chất, vé tham dự VCK World Cup là chiến tích Thái Lan giành được trong năm ngoái, nên nếu trao giải, giải thưởng này họ đã nhận vào năm ngoái rồi.
Chứ riêng năm nay, đội nữ Thái Lan thua te tua tại VCK World Cup bóng đá nữ diễn ra tại Pháp, thua đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết bóng đá nữ Đông Nam Á 2019, ngay trên đất Thái, đồng thời kém chúng ta đến 5 bậc trên bảng xếp hạng của FIFA.
Và chẳng biết có phải vì trao giải thưởng đội nữ xuất sắc nhất năm cho người Thái một cách thiếu thuyết phục hay không? Mà BTC AFF Awards 2019 phải lấy lại giải cầu thủ futsal của năm từ tay người Thái, trao cho Trần Văn Vũ của đội tuyển futsal Việt Nam?
So về trình độ, Trần Văn Vũ nói riêng hay bất kỳ cầu thủ futsal nào của Việt Nam nói chung hiện không thể bắt kịp trình độ của những danh thủ futsal Thái Lan như Suphawut Thueanklang, Kritsada Wongkaeo, hay kể cả tài năng trẻ Muhammad Osamanmusa của futsal xứ Chùa Vàng.
Mới nhất, đội tuyển futsal Thái Lan của những cầu thủ nêu trên đá trên cơ hẳn đội tuyển futsal Việt Nam của Văn Vũ ở giải Đông Nam Á tổ chức tại TPHCM. Cầu thủ futsal Việt Nam hiện còn chưa chắc hơn Indonesia (chưa thắng họ trận nào ở 2 lần giải Đông Nam Á gần nhất tổ chức trên sân nhà của futsal Việt Nam), huống hồ so với cầu thủ futsal Thái Lan.
Đành rằng trong năm 2019, Văn Vũ cùng CLB Thái Sơn Nam giành HCĐ giải các CLB futsal châu Á. Nhưng thật ra đấy là chiến tích ghi dấu ấn của các ngoại binh, hơn là cầu thủ nội. Không tính vị trí thủ môn, mỗi CLB futsal dự giải châu Á có 4 cầu thủ thi đấu chính thức trên sân, thì Thái Sơn Nam xài hết 2 cầu thủ ngoại ở đội hình chính, tức là một nửa đội hình là ngoại binh, chứ trình độ cầu thủ nội chưa đủ sức nhắm đến huy chương châu Á tầm CLB.
Chính vì thế, một bộ phận sẽ vui khi cầu thủ futsal Việt Nam vượt qua cầu thủ Thái Lan nhận giải cầu thủ futsal của năm, nhưng có lẽ với người hâm mộ futsal Thái Lan, họ cũng sẽ nghĩ như người hâm mộ bóng đá nữ Việt Nam, rằng giải thưởng có khi được trao nhầm chỗ và nhầm người rồi!
Thiện Nhân
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn