Một nữ y tá làm việc trong một chuyên khoa chuyên chăm sóc giảm nhẹ đau đớn cho những bệnh nhân không còn có thể cứu chữa và sắp qua đời - cô Bronnie Ware - đã cố gắng tìm ra ý nghĩa từ công việc thường ngày của mình, để chia sẻ với những người xung quanh theo cách tích cực và hữu ích.
Cô đã ở bên nhiều người bệnh trong giây phút lâm chung, lắng nghe, trò chuyện với họ, đã nhiều lần cô được nghe họ nói về những điều hối tiếc nhất trong cuộc đời, Bronnie luôn ghi chép lại cẩn thận, và một trong những hối tiếc thường gặp nhất trong cuộc đời, theo Bronnie, đó chính là: “Tôi ước gì mình đã không làm việc quá chăm như vậy”.
Y tá Bronnie được đào tạo để có thể giúp giảm nhẹ đau đớn không chỉ về thể nhất mà còn giúp nhẹ nhõm về tinh thần cho những người bệnh sắp từ trần, cô đã tìm ra 5 điều người ta thường hối tiếc nhiều nhất.
Cô Bronnie Ware sinh sống tại Úc đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc những người bệnh nan y, thoạt tiên, cô chia sẻ những điều “mắt thấy tai nghe” trên blog cá nhân và nhận được rất nhiều sự quan tâm, từ đó cô quyết định thực hiện cuốn sách có tên “The Top Five Regrets of the Dying” (Top 5 điều hối tiếc của người sắp qua đời).
Bronnie nhận thấy rằng khi cuộc đời sắp khép lại, người ta thường nhìn rất rõ ràng và thấu suốt mọi chuyện, chúng ta có thể học được từ sự thấu suốt cuối cùng này. “Khi tôi hỏi họ về những điều hối tiếc trong cuộc sống hoặc có điều gì mà người bệnh muốn thay đổi trong đời, tôi nhận thấy những điều quen thuộc lặp đi lặp lại giữa những bệnh nhân”.
Dưới đây là top 5 điều người ta thường hối tiếc nhất khi nhìn lại cuộc đời trước lúc qua đời:
“Tôi ước mình có đủ dũng khí để sống cuộc đời thực sự như mình muốn, không phải cuộc đời mọi người mong muốn ở tôi”.
Đây là điều hối tiếc mà Bronnie thường nghe thấy nhiều nhất. Khi một người hiểu rằng cuộc đời họ sắp khép lại, họ nhìn lại tất cả một cách rõ ràng, họ nhận thấy có nhiều ước mơ của riêng mình đã bị gác lại, không được thực hiện, vì còn mải làm những thứ họ cho là thực tế và hữu ích hơn đối với bản thân và những người thiết thân xung quanh.
Khi còn có sức khỏe, sức khỏe chính là sự tự do lớn nhất mà một người có, để thực hiện những gì họ muốn, nhưng có những người không kịp nhận ra, cho tới khi họ không còn sức khỏe trong tay nữa.
Nhiều người tâm sự rằng vì phấn đấu cho sự nghiệp, vì muốn tạo nền tảng kinh tế vững vàng hơn cho gia đình, họ đã không thực sự ở bên con trong những năm tháng ấu thơ, không thực sự dìu dắt con trong những năm tháng trưởng thành, có người thậm chí đã để mất cả tình cảm vợ chồng nồng ấm.
Nhiều người đè nén những xúc cảm của mình để giữ hòa khí với mọi người xung quanh. Nhìn chung, giữ hòa khí là điều tốt, nhưng luôn luôn tìm mọi cách để tránh xung đột, tranh luận đến mức chọn cho mình cách sống thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán, không dám thể hiện những xúc cảm và suy nghĩ thực của mình, điều này khiến nhiều người bị thụt lùi.
Vì sự đè nén xúc cảm đó, mà họ cảm thấy mình đã không bao giờ đủ mạnh mẽ để trở thành con người mà họ thực ra đã có thể trở thành. Nhiều người bắt đầu gặp những rắc rối tâm lý, sau nữa là ảnh hưởng sức khỏe dài lâu, vì những xúc cảm đen tối mà họ âm thầm giữ lại cho riêng mình.
Thường chúng ta không nhận ra hết những giá trị của bạn cũ cho tới khi đã quá đuối sức, hoặc khung thời gian còn lại quá hạn hẹp, không còn có thể tìm lại, liên hệ lại, gây dựng lại mối quan hệ thân tình từng có nữa. Nhiều người đã bị cuốn đi trong cuộc sống cơm áo, đến mức để cho tình bạn thân thiết phai nhạt dần theo năm tháng.
Nhiều người sau cả cuộc đời đầu tư thời gian, công sức cho gia đình, cho sự nghiệp, đến cuối đời lại cảm thấy nuối tiếc vì đã không dành chút nỗ lực nào để chăm sóc cho những tình bạn mà họ thực sự trân quý. Thực ra, trong những năm tháng tuổi già, ai cũng nhớ đến những người bạn cũ của mình.
Nhiều người không kịp nhận ra cho tới khi cuộc sống đã sắp khép lại, rằng hạnh phúc là một sự lựa chọn. Họ cứ mắc kẹt với những thói quen và nhịp sống cũ. Họ đã sống quá an toàn với những thứ mà họ đã quen thuộc, đến mức xúc cảm của họ luôn diễn ra theo một nhịp điệu quen thuộc, đời sống chẳng có gì đổi khác theo năm tháng.
Nỗi sợ thay đổi đã khiến họ sống không thật với chính mình, họ luôn tỏ ra hạnh phúc, hài lòng, viên mãn, nhưng từ thẳm sâu bên trong mình, họ chờ đợi một tiếng cười thực sự sảng khoái, vô tư, chờ đợi sự ngốc nghếch, dại khờ không suy tính trong cuộc sống mà từ lâu họ đã đánh mất.
Vậy còn bạn, điều hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời bạn, nếu có, tính tới thời điểm này, là gì?! Hãy thử hình dung rằng bạn đang sống ngày cuối cùng trong cuộc đời mình, bạn sẽ muốn đạt được điều gì, thay đổi điều gì trong cuộc đời mình?! Nghĩ như thế, bạn sẽ nhìn thấu suốt cuộc đời mình hơn.
Tác giả: Bích Ngọc Theo Guardian
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn