Ngày 23/11/2018, tại Cần Thơ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIII năm 2018. 50 nhà nông trẻ xuất sắc được bình chọn từ 63 tỉnh, thành Đoàn trên cả nước đã được vinh danh, trong đó có 02 thanh niên của tỉnh Bắc Kạn. Họ đều là những tấm gương sáng về tinh thần cần cù, sáng tạo, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
02 thanh niên của tỉnh Bắc Kạn trong tổng số 50 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của |
Một trong những tấm gương tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn phải kể đến chàng trai người dân tộc Tày Lường Đình Hùng, 29 tuổi là Bí thư Đoàn xã Như Cố, huyện Chợ Mới với mô hình Hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Như Cố, chuyên trồng trọt, chăn nuôi, doanh thu 1,44 tỷ đồng/năm. Với cái nhìn nhạy bén, Hùng nhận thấy nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương và đã biết cách khai thác hiệu quả. Năm 2017, Lường Đình Hùng mạnh dạn sáng lập HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố, dựa trên ý tưởng tận dụng nguồn đất đai dồi dào của địa phương để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên thanh niên trong xã. Với 9 thành viên ban đầu, tổ hợp tác thí điểm chuyển đổi 6.000m2 đất ruộng sang trồng rau tại thôn Nà Chào, xã Như Cố.
Sau khi trồng thành công các loại rau, HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố trồng thêm các loại dưa truyền thống của địa phương như: Dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và mới đây là cây thanh long ruột đỏ. Để mở rộng vùng trồng, HTX liên kết với người dân qua phương thức HTX hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người dân góp đất, góp nhân công.
Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, ngoài việc vận động các thành viên liên kết với HTX áp dụng kỹ thuật cao trong canh tác, sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc, Hùng và các thành viên trong HTX nghiên cứu, thiết kế logo, nhãn mác cho sản phẩm. Đến nay, HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm: Rau, củ, quả, chè sạch Như Cố, trà mướp đắng rừng, bún khô, mật ong hoa rừng, rượu men lá Khuổi Chủ.
Mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới của thanh niên Lường Đình Hùng |
Thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mới đây, HTX Như Cố còn xây dựng thêm mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp, cá sạch, gà lai ri bán hữu cơ, chè sạch. Hùng đã xây dựng trang facebook Đoàn xã Như Cố để bán các sản phẩm nông sản của HTX trên mạng. Bền bỉ xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng sản phẩm, đến thời điểm này, một số sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, điển hình là thương hiệu Dưa lê Như Cố bắt đầu xuất hiện ở thành phố Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Sau gần 2 năm thành lập, đến nay, HTX đã có 17 thành viên. Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài, nhưng HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố đang thể hiện được vai trò đầu tàu trong việc kết nối các nguồn vốn hỗ trợ, quảng bá, marketing, tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm.
Cũng đi lên từ mô hình hợp tác xã kiểu mới, Cao Mạnh Hà, Giám đốc HTX Đại Hà, Bí thư chi đoàn thôn Khuổi Piểu, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát huy thế mạnh của địa phương là trồng cây ăn quả cam quýt, Hà đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 5000m2 đất ruộng và thuê thêm 3000m2 đất ruộng của các hộ dân xung quanh sang trồng cây ăn quả gồm các loại như cam Đường Canh, chanh, camVinh có giá trị kinh tế cao và xây dựng 500m2 nhà lưới để nhân giống cây ăn quả phục vụ thị trường, đồng thời cải tạo lại 2ha cam quýt đã già cỗi chuyển sang trồng hồng không hạt, ổi, nhãn, thanh long. Đến nay, gia đình Hà có tổng số 2,5ha cam, quýt, hồng không hạt; 0,6ha cam Đường Canh; 0,1ha thanh long ruột đỏ; 300m2 sản xuất giống phục vụ nhu cầu cây giống cho địa phương…
Năm 2015,HTXĐại Hà thành lập, Cao Mạnh Hà được Đại hội bầu làmGiám đốc HTX, đến nay HTX có 19 thành viên. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2017, thu nhập của Hà trừ chi phí đạt trên 400 triệu đồng, thu nhập của các thành viên trung bình đạt 110 triệu đồng/người.
Với thu nhập đó, anh có điều kiện tái đầu tư phát triển sản xuất, nâng cấp hệ thống máy móc, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất theo quy mô gia trại, tham gia các hoạt động xã hội, hàng năm tạo việc làm cho nông dân địa phương trên 600 ngày công lao động, với giá nhân công từ 130.000 - 180.000 đồng/ngày.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn