Mục tiêu tổng quát của chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển mạnh và bền vững. Thông qua Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm chuối sấy của HTX Thiên An được huyện Bạch Thông lựa chọn đưa vào chương trình OCOP |
Là địa phương có nhiều lợi thế về các sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như cam, quýt, bún khô, phở khô, nấm, rau củ quả sấy… thời gian qua, huyện Bạch Thông đã đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để sớm đưa các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh.
Đồng chí Nông Quốc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Bạch Thông vừa tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2018. Huyện có 04 sản phẩm được lựa chọn bao gồm: Chuối sấy của Hợp tác xã (HTX) Thiên An ở thôn Nà Ít, xã Vi Hương; Sản phẩm tinh dầu của HTX Ngàn Hương, thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc; Sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu của HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, thôn Nà Nghịu, xã Lục Bình; Sản phẩm măng nứa tép sấy khô của HTX Đại Hà, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận. Việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP năm 2018 tại huyện Bạch Thông chú trọng các tiêu chí như: Chất lượng sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị; Sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc trong tỉnh từ 75% đến dưới 100%, quy trình xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn quy định, bao bì phù hợp, đầy đủ, hoàn chỉnh. Từ đó, huyện sẽ nhân rộng thêm những mô hình để đảm bảo việc ổn định, phát triển, dần dần củng cố lại cho các HTX mang tính bền vững chủ yếu về phương pháp quản lý và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Việc tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm ở cấp huyện là cơ sở để các địa phương lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tham gia Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn năm 2018.
Chị Lý Thị Quyên - Giám đốc HTX Thiên An, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông chia sẻ: Qua chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, HTX mong rằng sản phẩm sẽ được vươn xa ra thị trường, nâng giá trị kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập cho các thành viên, đó cũng là động lực để HTX nghiên cứu và cho ra các sản phẩm ngày càng đa dạng, chất lượng tốt hơn.
Các sản phẩm tiêu biểu giới thiệu tại Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh |
Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020 được triển khai thực hiện theo Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 02/3/2018. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án là gần 22 tỷ đồng, đến nay đã bố trí trực tiếp từ ngân sách địa phương hơn 1,4 tỷ đồng, từ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2,8 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, tỉnh có 76 sản phẩm tham gia đăng ký thực hiện, trong đó đã lựa chọn được 45 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia OCOP-BK. Tham gia chương trình OCOP-BK, sản phẩm của mỗi xã sẽ được chuẩn hoá theo chu trình 6 bước trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; Nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; Triển khai phương án, dự án; Đánh giá và xếp hạng sản phẩm; Xúc tiến thương mại.
Tỉnh có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng được người tiêu dùng biết đến như: Gạo Bao thai, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, chè Shan tuyết, hồng không hạt, bí xanh thơm, cam quýt, măng khô, nấm hương rừng, rau bồ khai, mật ong…, tuy nhiên, những sản phẩm đó vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia. Thu nhập và đời sống người dân trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp còn thấp. Các sản phẩm nông sản chủ yếu là xuất thô, chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm đơn giản, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Số doanh nghiệp và HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít và chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.
Những hạn chế này sẽ được khắc phục, cải thiện rất lớn nếu các sản phẩm nông nghiệp, thủ công có chất lượng tốt của địa phương được tham gia OCOP. Có thể nói, Chương trình OCOP được triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở kết quả khảo sát và đăng ký tham gia chương trình, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ như hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, thực hiện tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ tham gia thi sản phẩm. Mặt khác, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, trọng tâm là xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, lợi thế của từng địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững./.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn