Trên địa bàn tỉnh hiện có 79.677 hộ gia đình, trong đó có 68.755 hộ dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 86,29%. Đồng bào các dân tộc thiểu số hầu hết sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, một số đồng bào cư trú chủ yếu ở vùng cao, núi đá. Với đặc điểm chung của tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình Bắc Kạn bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, khí hậu tương đối khắc nghiệt nên thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt ở một bộ phận đồng bào ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiếu số, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục - đào tạo, nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.Từ năm 2016 đến năm 2018, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 53 dự án với tổng mức vốn trên 6.208 tỷ đồng; trong đó, tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đã thu hút đầu tư 13 dự án, chiếm 24,5% với tổng mức vốn đầu tư trên 643 tỷ đồng. Các dự án được đầu tư chủ yếu là chế biến nông, lâm sản và khai thác, chế biến khoáng sản tại các địa bàn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2018 đạt 12.800 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trên 3.500 tỷ đồng. Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng dần được nâng cấp, cải thiện, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, hạ tầng nông thôn cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ bằng nhiều nguồn vốn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới như xây dựng trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh, giao thông nông thôn....
Các chính sách đầu tư hỗ trợ của trung ương, của tỉnh đã góp phần ổn định đời sống của người dân. GRDP bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2018 đạt 30,4 triệu đồng/người, tăng 5,3 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,4% cuối năm 2015 xuống còn 21,88% cuối năm 2018.
Đến nay, 100% số xã có điện lưới quốc gia; 97,28% hộ dân được sử dụng điện; trên 90% dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và trên 96,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% người dân nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn đã phát sóng lên vệ tinh; trên 96% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có 165.751 thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn.
Tuy nhiên trên thực tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững nên tỷ lệ tái nghèo còn lớn; số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, trên 95%. Toàn tỉnh còn 1.611 hộ có nhà ở dột nát, 360 hộ thiếu đất ở, 1.608 hộ thiếu đất sản xuất, 3.855 hộ chưa được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 2.689 hộ chưa được dùng điện lưới.
Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Bắc Kạn cần có khoảng 3.900 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cấp xã và hỗ trợ chính sách đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần trên 2.800 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cấp xã với các hạng mục như đường giao thông đến trung tâm xã, trụ sở làm việc của xã, trạm y tế đạt chuẩn, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, phòng học cho học sinh các cấp, công trình điện 0,4KW, công trình nước sạch, chợ nông thôn, chợ đầu mối, đường giao thông đến thôn và trên 1.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách dân tộc (mua thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ học sinh dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, trồng rừng...)./.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn