Thời gian qua, thực hiện mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước cùng hệ thống vệ sinh cho mọi người.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Bắc Kạn tham gia bảo vệ môi trường sông Cầu |
Bắc Kạn có lượng nước các sông, suối, ao, hồ khá phong phú, ước tính tổng lượng dòng chảy là 3,4 tỷ m3/năm. Tổng trữ lượng nước dưới mặt đất 1.682.609,9 m3/ngày; trữ lượng thực bơm là 7549,9 m3/ng; trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất 650.432 m3/ng; trữ lượng động tự nhiên là 1.124.628 m3/ng. |
Trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý bền vững tài nguyên nước luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Xác định tầm quan trọng của tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đồng thời ban hành Quy định quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh…
Cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý, hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước cũng được các cấp, ngành, địa phương coi trọng. Hằng năm, Bắc Kạn đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kê khai tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước; kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và công tác quản lý nhà nước theo quy định. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra giám sát đánh giá công tác cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh; kiểm tra các đơn vị cấp nước tại các đô thị; tuyên truyền bằng hình thức treo băng zôn khẩu hiệu bảo vệ nguồn nước, phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; khắc phục xử lý kịp thời các sự cố, các vi phạm gây ô nhiễm môi trường…
Trên địa bàn tỉnh, đơn vị chuyên môn đều chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tốt việc quản lý công trình, chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra thực trạng các công trình thủy lợi, sửa chữa các hư hỏng nhỏ, nạo vét kênh mương để chủ động cấp nước tưới cho lúa và cây màu. Đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư xây dựng được 2.415 công trình thủy lợi, bao gồm 33 hồ chứa, còn lại là các công trình đập dâng, kênh và các công trình trên kênh, trạm bơm để phục vụ tưới cho khoảng 20.000ha cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó tưới chủ động cho diện tích cấy lúa khoảng 16.700ha, đáp ứng 71% diện tích trồng lúa; xây dựng kiên cố 90 công trình, cụm công trình kè chống sạt lở với tổng chiều dài 51,7km kè bờ sông suối bảo vệ khu dân cư, hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi đã phát huy được hiệu quả sau đầu tư, đến nay, toàn tỉnh đã có 101/110 xã đạt tiêu chí số 03 về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, Bắc Kạn cũng đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh và nước sạch, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Nhờ đó, đến hết năm 2019, 96,5% người dân trên địa bàn tỉnh đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT đạt 27,25%. Các chương trình, dự án đầu tư đã giúp nhân dân các dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực giảm một phần sức lao động trong việc lấy nước sinh hoạt hàng ngày, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nhận thức, từ bỏ thói quen thả rông gia súc gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước; cải thiện đời sống tinh thần và đảm bảo an ninh xã hội.
Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, dự báo nhu cầu sử dụng nước tại địa phương ngày càng tăng cao; bên cạnh đó, thời tiết hàng năm có nhiều biến động phức tạp dẫn đến tình trạng hạn hán có nguy cơ gây ảnh hưởng thiếu nước đến sản suất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đối với hệ thống vệ sinh, do các công trình cấp nước sạch tập trung có đầu mối ở xa khu dân cư, hệ thống đường ống dài khó khăn trong quản lý duy tu; công tác quản lý sau đầu tư còn hạn chế, chính quyền địa phương chưa có biện pháp kiên quyết trong quản lý nên một số công trình bị xuống cấp nhanh, chưa phát huy hết công suất thiết kế…
Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm nước, đảm bảo vệ sinh cho người dân, thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tham gia quản lý và sử dụng nước; phát động trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng cây phân tán đầu nguồn nước, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại để bảo vệ chất lượng nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; nhất là giám sát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị sản xuất trong khu, cụm công nghiệp; quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác sử dụng nước dưới đất; triển khai các dự án bảo vệ tài nguyên nước và xử lý, tái tạo nguồn nước thải; sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý và kinh doanh công trình, dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn.../.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn